Gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục phát đi cảnh báo về một số website và trang mạng xã hội thổi phồng quảng cáo công dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế mới đây có thông báo về việc cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Hyra Gan, Hyra Xoan, Kanka- Katsuryokujin và Rockman trên một số website và trang mạng xã hội.
Theo Cục ATTP việc đưa giấy phép quảng cáo cùng sản phẩm là vi phạm quy định - Ảnh chụp từ trang web
Theo cảnh báo từ Cục ATTP, các website và trang mạng xã hội quảng cáo cho sản phẩm nêu trên đang vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, quảng cáo không đúng công dụng bản chất của sản phẩm, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Tìm hiểu thông tin tại một trong những trang quảng cáo "nổ" này, công dụng sản phẩm Rockman được "thổi phồng" hết cỡ về khả năng hỗ trợ sức khỏe sinh lý toàn diện cho nam giới, thậm chí còn giúp "kích cỡ "cậu nhỏ" tăng lên 1-2 cm". Không chỉ ở trang web bị cảnh báo mà sản phẩm nói trên còn rao bán ở nhiều trang bán hàng online khác, cũng với cách quảng cáo quá đà về công dụng, thậm chí tới mức thần thánh.
Với cách thức quảng cáo trên các website nói trên, Cục ATTP cho biết hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình chờ các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rockman trên các website nêu trên.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, cho biết tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên facebook diễn ra rất tràn lan. "Ngày nào chúng tôi cũng kiểm tra và hát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng hỗ trợ sức khoẻ nhưng lại được khẳng định "chắc như đinh đóng cột" là "trị khỏi bệnh", "dùng một liều là khỏi"... Những quảng cáo này lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người nhà của tôi cũng từng bị những quảng cáo "nổ" công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh"- ông Phong nói.
Cục ATTP từng cảnh báo quảng cáo trên một số trang web về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vina Tảo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng
Theo nhiều bác sĩ, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi lừa dối người dân, người bệnh, nhất là những người bệnh nan y đang ở bước đường cùng. GS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết có những bệnh nhân mắc bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, nếu được điều trị theo đúng phác đồ hoặc phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh hoặc ít ra cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào những thực phẩm chức năng được "thổi phồng" về khả năng trị ung thư nên không đến bệnh viện, bỏ dở điều trị. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không đạt hiệu quả cao.
Không chỉ quảng cáo sai sự thật, nhiều DN "mượn" danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng... Một trong những hình thức quảng cáo được nhiều DN sử dụng thời gian gần đây là đưa hình ảnh các nhân vật của công chúng, người nổi tiếng (MC, người mẫu, hoa hậu….) để làm quảng bá cho các nhãn hàng, sản phẩm thực phẩm chức năng. Theo ông Phong, hình thức này tuy không vi phạm quy định quảng cáo nhưng cơ quan chức năng mong muốn, các cá nhân khi tham gia quảng bá cho sản phầm cần tìm hiểu và thông tin đúng về sản phẩm trên cơ sở nội dung quảng cáo đã được cấp phép.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết nhiều DN từng bị xử phạt về việc mượn hình ảnh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm chức năng
Ông Phong cho biết Cục ATTP đã làm việc với cơ quan chức năng và cả mạng xã hội (facebook) để phối hợp giải quyết tình trạng quảng bá quá mức trên các trang mạng. Thực tế, nhiều DN sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông đã buộc phải tháo gỡ và bị xử phạt theo quy định của pháp luật. "Tuy nhiên, cũng có những website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên facebook, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện facebook cùng với Bộ Thông tin - Truyền thông. Hiện đại diện facebook ở Việt Nam đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm. Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội. Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, cần sự hợp tác của facebook trong quản lý lĩnh vực này" - PGS Phong cho biết.
Thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc điều trị
Lãnh đạo Cục ATTP thông tin thêm để người tiêu dùng được biết về vi phạm, Cục ATTP đã công bố trên trang website chính thức (vfa.gov.vn) của Cục ATTP về tên sản phẩm đang vi phạm, địa chỉ trang website đang vi phạm, nội dung vi phạm. Qua đó, cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm đang quảng cáo tại trang website đó.
Tránh xa thực phẩm chức năng quảng cáo trị dứt điểm bệnh PGS Nguyễn Thanh Phong lưu ý, TPCN là sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh; hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh hay thậm chí quảng cáo chữa dứt điểm bệnh; không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo... Do vậy, khi thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo nêu trên, người dân không nên mua, không tin, không sử dụng các sản phẩm như vậy bởi đây là những quảng cáo sai sự thật. |
Theo Hải Anh / NLĐO