Việc các cơ quan hữu trách tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên vừa phát hiện các kho bãi lưu giữ số lượng vỏ bình gas đã qua sử dụng lớn nhất từ trước tới nay (lên đến gần 50 nghìn vỏ bình) nghi là bị chiếm giữ trái phép cho thấy sự hỗn loạn, lộ chiêu trò bẩn trong hoạt động kinh doanh gas.
Ngoài đơn vị kinh doanh có vỏ bị chiếm giữ chịu ảnh hưởng thì người tiêu dùng cũng chịu những rủi ro không ít từ hoạt động kinh doanh “bẩn” này.
“Nhốt” vỏ bình triệt tiêu đối thủ
Khi thị trường cung cấp khí đốt cho đời sống dân sinh xuất hiện thêm nhiều nhà cung cấp thì miếng bánh thị phần đã bị chia nhỏ hơn. Và lúc này thương trường kinh doanh gas đúng nghĩa là một chiến trường khốc liệt với đủ các chiêu trò bẩn. Các “ông lớn” đã có tiềm lực tìm cách triệt tiêu đối thủ một cách tàn khốc bằng cách “nhốt” phương tiện sản xuất- thu gom, cất giấu số lượng lớn vỏ bình của đối thủ tại những nơi kín đáo, khó phát hiện.
Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đang kiểm đếm số lượng bình gas nghi chiếm giữ trái phép tại Ban quản lý cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ, Yên Phong, Bắc Ninh. (ảnh: HC) |
Thủ đoạn “nhốt vỏ” này đang được áp dụng như một phương pháp tối ưu, nhanh nhất để triệt hạ đối thủ. Để thực hiện thủ đoạn này, doanh nghiệp kinh doanh gas sẽ lên kế hoạch sản xuất sẵn một lượng vỏ bình lớn tung ra thị trường bằng cách “đổi vỏ, bù tiền” cho các địa lý gas. Một vỏ đổi lấy một vỏ và đại lý gas ở các địa phương sẽ được cho thêm 70 ngàn đồng/vỏ. Làm như vậy chỉ trong một thời gian ngắn doanh nghiệp sẽ thu gom được hàng vạn vỏ bình của đối thủ cạnh tranh để đem đi “nhốt” tại những địa điểm bí mật, khó phát hiện. Dính đòn của phương pháp này, đơn vị nạn nhân sẽ mất đi phương tiện sản xuất, không có bình gas để cung ứng ra thị trường và điều này cũng đồng nghĩa với việc mất đi một phần thị trường.
Bạt ngàn vỏ bình gas nghi bị chiếm giữ trái phép tại Yên Phong, Bắc Ninh. (ảnh: HC) |
Với đơn vị làm “bẩn” cũng chịu những phát sinh chi phí sản xuất vỏ bình, thêm tiền cho đại lý, thuê kho bãi cất giấu vỏ bình chiếm giữ trái phép. Vì vậy không loại trừ việc họ tìm cách “lấy lại” bằng việc gian dối trong việc sang chiết đủ gas vào bình. Và như vậy người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt hại cuối cùng khi trả tiền đủ nhưng không nhận được hàng đúng tiêu chuẩn, chất lượng.
Điển hình cho thủ đoạn “nhốt bình” này là ngày 21/9 lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) phát hiện hơn 23 vỏ bình gas đang tập kết tại khuôn viên Ban quản lý cụm công nghiệp đa nghề Động Thọ, Yên Phong, Bắc Ninh nghi bị chiếm giữ trái phép. Hay mới đây, ngày 25/9, lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên phát hiện gần 30 nghìn vỏ bình gas nghi bị chiếm giữa trái phép tại kho hàng Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên.
Hai vụ việc này vẫn đang được các cơ quan hữu trách điều tra xem xét xử lý làm rõ chủ của số vỏ bình trên và ai, đơn vị nào tiến hành thu giữ và từ đó sẽ có quyết định xử lý.
Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 về Kinh doanh khí của Chính phủ quy định rất rõ về kinh doanh khí và điều kiện kinh doanh khí tại thị trường Việt Nam. Điều 25 của Nghị định quy định rõ về Quyền và nghĩa vụ của thương nhân, chủ sở hữu trạm nạp LPG (khí gas) vào chai. Theo đó các cơ sở này chỉ tổ chức nạp LPG vào chai LPG thuộc sở hữu của chính thương nhân, chủ sở hữu trạm nạp và chỉ nạp vào chai LPG đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Loại ra khỏi trạm nạp chai LPG (kể cả chai LPG không thuộc sở hữu) không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; Không được chứa chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp.
Cắt tai, mài vỏ - người tiêu dùng gặp nguy hiểm
Các bình gas bị chiếm giữ trái phép nếu không phát hiện kịp thời có thể bị hô biến từ của đối thủ thành của mình bằng các thủ thuật “cắt tai mài vỏ” (cắt đai phần phía trên bình), sơn lại rồi gắn logo của hãng mình lên. Đây là hành vi làm giả và lừa dối người tiêu dùng.
Kiểm tra kho hàng Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên phát hiện gần 30 nghìn vỏ bình gas của nhiều hãng khác nhau nghi bị chiếm giữ trái phép. (ảnh: HC) |
“Ăn cắp” theo cách này, những đơn vị kinh doanh thiếu đứng đắn đã tung được hàng triệu “quả bom” vào các gia đình, bởi khi chỏm bình bị mài mỏng và không đạt chiều dày tối thiểu, thì nguy cơ nổ gas tăng lên nhiều lần vì khả năng chịu áp lực ở điểm bị mài là rất yếu. Khi xẩy ra sự cố thì người tiêu dùng là nạn nhân đầu tiên.
"Chúng tôi đang bị ăn cắp mỗi ngày bởi các chiêu trò của những đơn vị thiếu liêm sỉ”- ông Nguyễn Lê Như, trưởng phòng kinh doanh Công ty gas Vạn Lộc nói. Trong hai vụ nghi chiếm giữ vỏ bình trái phép tại Bắc Ninh, Hưng Yên (gần 50 nghìn vỏ bình) vừa bị bắt giữ xuất hiện chủ yếu là các vỏ bình mang các thương hiệu Asia, Shell Vip, Đại Lộc, Vạn Lộc…
Cắt ngẫu nhiên một vỏ bình gas cho thấy nó đã được phù phép, thay tên, đổi họ. (ảnh: HC) |
Theo ông Nguyễn Lê Như, Trưởng phòng kinh doanh Công ty gas Vạn Lộc bật mí thì người tiêu dùng vẫn có cách phân biệt rõ ràng về các bình gas thiếu an toàn, vấn đề là ở chỗ họ thường không kiểm tra kỹ khi được lắp đặt hoặc thay thế bình.
Cụ thể, trên 4 bộ phận cơ bản của một bình gas (tay xách, chỏm trên, thân bình và đế bình) đều có thông tin để phân biệt. Trên tay xách có thể tìm thấy thông tin về năm sản xuất, nhãn hiệu, series kiểm định; chỏm trên bình cũng có nhãn hiệu dập nổi của công ty gas và thân bình có nhãn hiệu được phun bằng sơn. Đối với các bình gas chưa bị “chế tác”, các thông tin nói trên sẽ đồng nhất với nhau.
Người tiêu dùng có thể phát hiện bình gas giả bằng cách: Xem trên tay xách, nếu năm sản xuất từ 2005 trở về sau nhưng trên chỏm bình không có chữ dập nổi hoặc chữ dập nổi một đằng, nhãn sơn trên thân bình một nẻo thì chắc chắn đó là bình gas đã bị mài chỏm, hoặc sang chiết lậu.
Về vấn đề chiếm giữ vỏ bình trái phép đối tượng chiếm giữ sẽ bị xử lý như thế nào, trao đổi với phóng viên, luật sư Ngụy Thành Thắng- Đoàn luật sư Hà Nội cho biết rằng hành vi thu gom, chiếm giữ vỏ bình gas khoogn thuộc sở hữu nhằm chiếm đoạt, hoán cải là hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, sang chiết gas trái quy định của pháp luật; gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp khác và đặc biệt là người tiêu dùng, được quy định tại khoản 4, điều 3 Luật Cạnh tranh 2004. Hành vi này có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến doanh nghiệp bị chiếm đoạt… Tùy vào mức độ, tính chất nghiêm trọng, đối tượng chiếm giữ vỏ bình gas có thể bị xử lý hình sự hoặc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền.
Theo Hà Châu (Gia đình & Xã hội)