Lễ hội đền Cuông diễn ra hàng năm tại huyện Diễn Châu - Nghệ An. Lễ hội tưởng nhớ công lao dựng nước và giữ nước của Thục An Dương Vương và các chư thần đã sáng lập nên quốc gia Âu Lạc.
Diễn ra từ ngày 13-16/2 âm lịch, lễ hội đền Cuông là biểu hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, là biểu thị truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta. Thông qua lễ hội đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, giáo dục tình yêu nước và thưởng ngoạn các giá trị lịch sử văn hóa ngàn đời cho con cháu.
An Dương Vương có tên là Thục Phán, là con cháu 18 đời của vua Hùng và là người có sức khỏe phi thường, thông minh mưu lược. Thục Phán đã có công lớn trong việc đoàn kết các bộ lạc phía Bắc nước ta để đánh tan quân xâm lược nhà Tần. Trong lễ khởi hoàn ca, Thục Phán được tôn vinh lên ngôi vua, hiệu An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì được 50 năm (từ 257-208 TCN). Dưới thời An Dương Vương, đất nước ta phát triển về nhiều mặt, đặc biệt có bước tiến mới trong sản xuất lúa nước và quốc phòng. An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa xoáy hình trôn ốc, ngoài thành là con sông Đào nối các nhánh sông Hồng ngày đêm thuyền chiến tuần tra nghiêm ngặt. Đặc biệt, đã chế tạo ra loại nỏ rất linh nghiệm, bắn một phát diệt nhiều tên địch (gọi là nỏ thần).
Dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân, tiên tổ
Lúc bấy giờ, ở phương Bắc, cha con Triệu Đà không khuất phục nhà nước phong kiến Trung Quốc và nổi dậy cát cứ xưng vương ở phía Đông Nam. Với âm mưu bành trướng mở mang bờ cõi, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược Âu Lạc. Nhưng An Dương Vương có thành cao, hào sâu, có binh hùng, tướng mạnh, có vũ khí lợi hại nên đã nhiều lần đánh tan quân xâm lược Triệu Đà. Không thể chiến thắng Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà đã gian xảo dùng kế mưu hoà, kết tình thông gia và cho con trai là Trọng Thuỷ lấy công chúa Mỵ Châu chờ thời cơ thôn tính Âu Lạc. An Dương Vương có ngờ đâu chính tình yêu đôi lứa và hạnh phúc của Mỵ Châu - Trọng Thủy và thủ đoạn đê hèn của Triệu Đà dẫn đến quốc họa khôn lường cho Âu Lạc.
Về với đền Cuông là dịp để đồng bào các miền xuôi - ngược, nông thôn, miền biển gặp gỡ, giao lưu cùng nhau, khoe tài các nét văn hoá truyền thống của mỗi địa phương, đặc biệt cùng ôn lại lịch sử truyền thống của cha ông, cùng cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, trời yên biển lặng, cá tôm đầy khoang, xóm làng yên vui, nhà nhà hạnh phúc, ấm no.
Các trò chơi dân gian tại lễ hội
Nhớ về lễ hội đền Cuông là nhớ về cội nguồn, về thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc cùng với những huyền thoại, truyền thuyết về "Thánh hiển linh", "Núi Đầu Cân", "Bàn Cờ tiên", "Lời thề hóa đá", "Tổ sư nghề rèn"... Đặc biệt tưởng nhớ đến công ơn của Thục An Dương Vương - người đã có công đánh Tần đuổi Triệu, mang lại độc lập tự do cho dân tộc.
Lễ hội đền Cuông được tổ chức với hai phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ sẽ có lễ rước Tướng Cao Lỗ từ nhà thờ họ Cao xã Diễn Thọ về đình Xuân Ái; lễ rước Vua và Công chúa từ đình Xuân Ái về đền Cuông và Lễ Đại tại. Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra lễ hội còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao sôi nổi như: thi đấu bóng chuyền nam nữ, tổ chức các trò chơi dân gian gồm: đu dây, chọi gà, múa lân, nhảy bao bố, triển lãm ảnh...
Hoàng Trinh / baocongthuong.com.vn