Đình Bình Thủy nằm trên một khu đất rộng diện tích chiếm khoảng hơn 4.000m², cách trung tâm thành phố Cần Thơ 5 cây số, nằm bên dốc cầu Bình Thủy trên tuyến quốc lộ 91. Nơi từng được coi là cái nôi văn hóa của làng cổ Long Tuyền. Nơi đây, những địa danh như Bà Đồ, Rạch Cam, Rạch Chanh, Miễu Ông, Ngã Tư Bé, Ngã Tư Lớn, Bà Chủ Kiểu, Cồn Linh… như một chứng tích của thời kỳ khai hoang lập ấp với đầy vẻ tự hào của một vùng đất.
Đình Bình Thủy – Ngôi đình xưa nhất Đông Nam Bộ |
Tên gọi Đình Bình Thủy theo thông tin ghi chép lại, vào năm 1852, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên một hải thuyền, gặp phải một trận cuồng phong, nhưng nhờ ẩn nấp kịp nơi vàm rạch Bình Hưng nên vô sự. Thoát nạn, Huỳnh Mẫn Đạt cho tổ chức tiệc mừng để vui cùng nhân dân địa phương và cho đổi lại tên rạch và tên đất này là “Bình Thủy”. Đồng thời ông tấu trình lên vua Tự Đức, xin ban sắc phong cho thần Thành hoàng làng. Từ đó, làng có tên mới là Bình Thủy, và ngôi đình cũng được người dân gọi là đình Bình Thủy. Đến đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1908), làng Bình Thủy được đổi tên thành làng Long Tuyền (do rạch Bình Thủy có hình tựa con Rồng nằm), nên người dân nơi đây còn gọi là đình thần Long Tuyền hay Long Tuyền Cổ Miếu.
Đình Bình Thủy, tên chữ là Long Tuyền Cổ Miếu (龍泉古廟), là một đình thần tại Thành phố Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam bộ. Đình tọa lạc tại địa điểm ngày nay thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ. Đình nằm sát với khu cư dân được bao quanh bởi hàng rào tứ giác: Mặt Bắc cách bờ sông Hậu khoảng 200 m, mặt Đông là bờ con rạch Bình Thủy, còn mặt Nam sát đường Lê Hồng Phong. Từ trung tâm Thành phố Cần Thơ, nếu đi theo đường Nguyễn Trãi qua đường Cách mạng tháng tám và Lê Hồng Phong 5 km là tới đình Bình Thủy.
Cổng đình Bình Thủy |
Đình được xây cất trên mặt bằng cao ráo, thoáng rộng, mát mẻ, trước cổng Tam quan có đề hàng chữ Hán to: “Long Tuyền Cổ Miếu”, còn gọi là đình Bình Thủy, một di tích kiến trúc nghệ thuật xưa nhất ở Nam bộ được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1989.
Trong quá trình khẩn hoang miền Nam, sau khi đất đai, rừng rậm trở thành nơi ăn chốn ở, quy tụ được nhiều người sinh cư, lập nghiệp thì triều đình nhà Nguyễn bắt đầu cho thành lập làng xã và cư dân tự đứng ra xây dựng mỗi nơi một ngôi đình. Lúc đầu chỉ cất đơn sơ, sau đó trùng tu, tôn tạo dần với qui mô ngày càng rộng lớn hơn, điển hình như đình làng Bình Thủy, một ngôi đình cổ kính rất lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long.
Vào năm Giáp Thìn 1844, dân làng đã bắt đầu dựng lên một ngôi đình bằng cây, tre, lá đơn sơ để thờ. Đến năm 1852, Long Tuyền cổ miếu được vua Tự Đức sắc phong là “Bổn cảnh Thành Hoàng”. Trong suốt nửa thế kỷ, dân làng lúc nào cũng thờ cúng trang nghiêm, thường xuyên tu bổ và tôn tạo cho ngôi đình mỗi ngày thêm phong quang rực rỡ. Đến năm 1909, dân làng mới họp bàn thống nhất xây dựng lại ngôi đình bề thế hơn với một lối kiến trúc độc đáo và đầy trí tuệ, nay vẫn còn nguyên vẹn khiến cho nhiều nhà khảo cổ và kiến trúc sư phải khâm phục.
Di tích lịch sử văn hóa Đình Bình Thủy |
Khác hẳn nhiều công trình cùng loại ở miền Bắc, đình Bình Thủy được cất trên một nền cao ráo, thoáng rộng và có chiều sâu, gồm khu đình chính và khu “lục ấp”. Khu đình chính được bố cục theo lối chữ nhất, ngoài hai nhà vuông là tiền đình và chánh điện, còn có ba ngôi nhà khác nối hai nhà vuông lại với nhau. Khu “lục ấp” gồm nhà hát và khu nhà chuẩn bị đồ cúng lễ. Ngoài ra còn có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, hai miếu khác thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn thủy ở gần cổng đình.
Đình Bình Thủy nhìn từ xa |
Cấu trúc hai nhà vuông khá đặc biệt với 6 hàng cột ở mỗi cạnh, mỗi hàng gồm 6 cột tạo nên một kết cấu vững chắc. Tại nhà tiền đình thiết kế hai mái ngói chồng lên nhau và ở nhà chánh điện là ba mái ngói chồng lên nhau theo kiểu “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc trang trí cặp rồng uốn lượn theo lối “lưỡng long tranh châu”, các gác mái đình lại bài trí nhiều hình bát tiên, các linh vật như long, lân, qui, phụng… tạo nên vẻ sinh động độc đáo. Dọc theo các hàng cột và vì kèo là hệ thống hoành phi, câu đối rất phong phú với những nét chữ chỉnh chạc, đặc biệt có những câu đối dài 3 – 4m được sơn son thếp vàng trông thật cổ kính uy nghi.
Không gian nội thất bên trong Đình Bình Thủy |
Trên các thanh xà dưới mái đình, một số hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, từ trước đến sau trông uy nghi cổ kính.
Tại chánh điện, thờ hai tượng thần: Nam Tào, Bắc Đẩu ( Ông Thiện - Ông Ác ) đứng giữa hai hàng Lỗ bộ (loại binh khí ngày xưa, trông oai nghi đường bệ). Trước bàn thờ, có bộ đỉnh đồng to đặt trang trọng giữa cặp hạc đồng thẳng đứng. Chỗ bệ thờ to rộng ngay gian giữa là chân dung các vị thần Phúc Đức với phong thái trầm mặc. Đồng thời, đình còn thờ các anh hùng liệt sĩ có công làm rạng rỡ đất nước như Đức Trần Hưng Đạo – Phan Bội Châu – Bùi Hữu Nghĩa… Đặc biệt tại bàn thờ Hậu hiền gần nhà khách có thờ chân dung Bác Hồ.
Gian giữa chánh điện Đình Bình Thủy |
Phương pháp bố cục thờ tự ngăn nắp hài hòa giữa các mảng đề tài trang trí rất đa dạng và phong phú qua các đường nét, màu sắc tinh tế tạo cho cảnh quan ngôi đình một nét sinh động, tôn nghiêm nổi bật trên nền trời xanh.Nghệ thuật khắc chạm gỗ ở đình Bình Thủy hết sức tinh tế, thể hiện qua những mảng chạm, những họa tiết trang trí rất gần gũi với đời sống và nghệ thuật dân gian cổ truyền. Hệ thống chữ Hán trên các long bài, bài vị, hoành phi, câu đối ở đây cũng có giá trị cao, trở thành điểm tham khảo thú vị đối với những ai yêu nghệ thuật thư pháp.
Bố cục bên trong chánh điện |
Đáo lệ đình có 2 lễ hội Kỳ Yên rất lớn: Lễ Thượng Điền là lễ hộ lớn nhất trong năm diễn ra vào các ngày: 12, 13, 14-4 âm lịch. Trong các ngày lễ, dân làng tề tựu, tham dự đông đảo, có những dân làng đi làm ăn xa, nhớ ngày cũng hội về dự lễ, có cờ hoa rực rỡ, đèn đuốc sáng choang, khói nhang ngút ngàn. Những tuồng hát cổ mang tính truyền thống dân tộc, đặc sắc được trình diễn liên tục cho đến khi chấm dứt lễ hội. Còn lễ “Hạ Điền chỉ tổ chức 1 ngày nhằm ngày 14 tháng Chạp hàng năm vẫn theo nghi lễ: Chánh tế, thay khăn sắc thần, cúng thần, hát tuồng…
Đình Bình Thủy là di tích có giá trị nghệ thuật kiến trúc văn hóa cao, đây là nơi tập trung lòng tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Di tích này là trung tâm văn hóa cổ ở Nam bộ nơi từng là xứ đô hội và là nơi cường độ giao lưu văn hóa Việt Nam – Khơme – Hoa tương đối mạnh. Đình Bình Thủy là chứng tích lịch sử của buổi đầu ông cha ta khai cương thác địa vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ngày nay, đất nước đổi mới, các lễ hội về nguồn càng được quan tâm sâu sắc nên đình Bình Thủy càng ngày được tổ chức long trọng chu đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để hậu thế noi gương sáng các bậc tiền bối đã góp công khai hóa vùng đất Nam bộ. Điều này, chứng tỏ dân ta thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Lyly