Từ lâu Lễ hội Dinh Thầy Thím đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc riêng của Bình Thuận. Hàng năm, vào các ngày từ 14 đến 16 tháng 9 Âm lịch, tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận diễn ra lễ hội lớn nhân ngày giỗ Thầy Thím, đây là một trong số ít lễ hội phía Nam được đưa vào từ điển lễ hội Việt Nam. Vào dịp này, rất đông người dân địa phương và du khách đến Dinh để cầu sức khỏe, hạnh phúc gia đình và công việc làm ăn của mình được thuận lợi.
Bên cạnh những nghi lễ dân gian như: Nghinh thần, rước Sắc phong và Bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc trưng miền biển như: giải việt dã, thi đấu cờ người, thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, biểu diễn lân – sư - rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình nghệ thuật dân tộc. Ngoài ra, Lễ hội còn có các chương trình tạp kỹ, biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc và trích đoạn cải lương với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ.
Một số hình ảnh tại Lễ hội:
Năm 1997, Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nội dung không chỉ mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục mà còn đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím. Lễ hội Dinh Thầy Thím không chỉ thu hút đông đảo du khách tìm đến trong những ngày diễn ra các hoạt động lễ hội mà đã trở thành mùa lễ hội trong suốt tháng 9 âm lịch. Ước tính, trung bình hàng năm vào mùa lễ hội này, thị xã La Gi đón khoảng 300.000 lượt khách. Có thể nói lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím đã trở thành một địa chỉ kết nối du lịch tỉnh Bình Thuận và được nhiều người trong, ngoài nước biết đến. |
ST