Đầm Ô Loan thuộc địa phận huyện Tuy An, có diện tích toàn mặt nước là 1.570ha, cách thành phố Tuy Hoà về phía bắc 20 km. Nước trong đầm thuộc loại nước lợ (nước xà hai) do đầm ăn thông ra biển bằng cửa Lễ Thịnh, đưa nước mặn vào đầm mỗi khi thuỷ triều lên; đầm cũng nhận nước ngọt từ sông Cái và các con suối nhỏ chung quanh đổ vào. Do thế đất đồi là đất sỏi nhớt nên mùa mưa làm xói lở, kéo theo lượng phù sa khá lớn bồi lắng lòng đầm. Do vậy, lòng đầm chỗ sâu nhất khoảng 6 mét, chỗ cạn, thường là ven bờ, khoảng trên 1 mét. Riêng phía trên cửa Lễ Thịnh thuộc địa phận An Hải mực nước sâu tới 10 mét.
Tuy vậy, khi đứng trên đỉnh đèo Quán Cau, du khách phóng tầm nhìn bao quát khắp cả vùng thì đầm Ô Loan như một mặt hồ rộng yên ả được bao bọc bởi những dãy đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt…Nhìn từ phía nam, đầm Ô Loan giống như chim phượng hoàng đang xoải cánh, còn trên bản đồ Ô Loan giống con thiên nga đang thong thả bay trên bầu trời cao xanh thăm thẳm.
Cũng từ đỉnh đèo Quán Cau nhìn xuống, khi tầm mắt chạm vào núi Từ Bi có một doi đất chảy ra đầm Ô Loan, thì lại thấy đầm trông giống như con chim hạc vừa giang đôi cánh rộng vừa vục đầu xuống đầm uống nước. Núi Từ Bi là một nhánh nhỏ của đèo Quán Cau, có con suối cùng tên Từ Bi, bắt nguồn từ hòn Chồng. Suối chảy ngoằn ngoèo qua các khe núi rồi đổ ra đầm, tạo nên cảnh quan thơ mộng.
Từ mạn Tây Bắc chạy ra tới An Ninh Đông là bãi cát vàng óng, có rừng phi lao chạy dài theo men bờ nước, xưa kia là nơi trú ẩn của các loài chim thú như le le, chàng bè, bồ nông, cò, diệc và nhiều nhất là vịt nước. Chúng sinh sống thành từng đàn, bắt cá dưới lòng đầm.
Khi đứng ngắm mặt đầm buổi bình minh, du khách dễ có những tưởng tượng, rằng các dãy đồi phía Đông-Nam như hình dáng con chim khổng lồ đang chuẩn bị cất cánh bay lên trời cao lộng gió và nắng. Nhưng khi hoàng hôn buông xuống, lại thấy cánh chim xoải rộng như đang xoè đậu bên cạnh mặt hồ lăn tăn gợn sóng… Đây không phải là ảo giác mà chỉ vì quanh đầm có những ghềnh đá nhô xa ra ngoài đầm tạo thành những mỏm mới thoạt nhìn có nhiều hình dạng khác nhau tuỳ theo nhãn quan và tâm trạng mỗi người trong từng thời điểm khác nhau: như mỏm Cây Sanh có lúc như cánh chim vươn cao, lúc nhìn như tà áo lụa xanh bay lất phất trong nắng sớm. Có lẽ chính bởi thế núi đồi, vị trí của đầm nên nhiều tao nhân mặc khách đã không tiếc lời ngợi ca qua nhạc họa thơ văn, mà tiêu biểu là nhà thơ Xuân Diệu khi đứng nhìn mặt đầm đã thốt lên: “Mặt đầm, đôi cánh chim Loan mở”. Còn trước đó khá lâu, thi sĩ Tản Đà đã ghé ngang qua đây và thốt lên rằng: “Lấy chi vui với thu tàn; Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”. Dung dị và mộc mạc hơn, trong dân gian còn lưu truyền câu ca dao đánh dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng của nhân dân Phú Yên và riêng của Lê Thành Phương, người anh hùng của quê hương đã ngẩng cao đầu trước lưỡi gươm kẻ thù:
“Ô Loan nước lặng như tờ
Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương
Trải bao gối đất nằm sương
Một lòng vì nước nêu gương anh hùng.”
Trong đầm còn có những rạng ngầm dưới mặt nước, là nơi để những con hàu bám vào sinh sống, một loại hải sản ngon, mát bổ. Đầm Ô Loan có nhiều hải sản sinh sống như tôm, cá, ghẹ, cua huỳnh đế, điệp, cá mú… nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là con sò huyết Ô Loan cơm dày, thịt ngọt và rất thơm, thơm hơn sò huyết các nơi khác, được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Trước đây, sò huyết Ô Loan không chỉ có mặt khắp nơi trong nước mà còn xuất khẩu sang Singapore, Thái Lan…
Dữ dội và quyết liệt - Ảnh: sưu tầm |
Hiện nay, đầm Ô Loan được Bộ VHTT xếp vào di tích danh thắng cấp quốc gia. Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhân dân sống quanh đầm tổ chức lễ hội đua ghe truyền thống, thu hút nhiều đội ghe đua ở các địa phương khác đến tham gia. Trước đó, ngư dân cũng tổ chức cúng thần, cầu ngư, hò bá trạo…Trong dân gian có nhiều huyền thoại về tên gọi đầm Ô Loan, nhưng gần gũi nhất là câu chuyện về nàng Loan và chim Ô thước đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Theo lời kể của ông Cao Phi Yến một nhân sĩ và là nhà nghiên cứu văn hoá dân gian kể lại rằng: Ngày xưa, có nàng tiên trên trời rất xinh đẹp tên nàng Loan, nhưng tính tình hay tinh nghịch. Một ngày nọ nàng Loan mượn con chim Ô thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát, nên khi ngang qua Tuy An, chim không còn đủ sức để bay, nên hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi, sau này mượn tên chim Ô thước của nàng Loan ghép chung với tên nàng, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm.
Dị bản: Cũng y với câu chuyện này, nhưng chi tiết được thêm thắt nên câu chuyện có một vài thay đổi: Nàng Loan vốn là tiên nữ trên trời, nàng thích ngao du sơn thuỷ để nhìn ngắm cảnh đẹp sông nước, núi non. Một ngày kia, nàng Loan cỡi con chim quạ bay ngang qua đất Phú Yên, thấy trên mỏm Cây Sanh có một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú đang cuốc đất khẩn hoang trồng cây lương thực. Nàng cho quạ hạ cánh xuống gần đó và núp trong bụi cây quan sát. Càng nhìn, lòng nàng càng vương vấn; càng ngắm nàng càng thấy mình không thể rời xa chàng được nữa. Thế là nàng Loan quyết định ở lại cõi hồng trần, xe duyên kết tóc với chàng thanh niên nọ, ra sức khai phá đất đai, lập nên đất Tuy An và sanh con đẻ cái lập thành làng mạc trù phú.
Vượt qua đối thủ - Ảnh: sưu tầm |
Những truyền thuyết, huyền thoại về một vùng đất sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn và vẻ đẹp của vùng đất ấy, cho nên quanh đầm Ô Loan, những truyền thuyết không chỉ dừng lại ở đây, mà con đem cả sự tích Cao Biền, một sự tích có vẻ hoang đường nhưng được người đân địa phương nhiều thế hệ kế tiếp nhau mượn cớ tô vẽ nhằm góp phần điểm xuyết cho Ô Loan thêm mỹ miều thơ mộng hơn.
Lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan Tuy An thường được tổ chức vào dịp 7/1 tết. Đây là nét đẹp văn hóa mang tính sinh hoạt tập thể của nhân dân vùng sông nước huyện Tuy An với mong muốn cầu cho một năm trời im, sóng lặng, khai thác được nhiều tôm, cá, hải sản.
Niềm vui chiến thắng - Ảnh: sưu tầm |
Nét đẹp văn hóa mang tính sinh hoạt tập thể của nhân dân vùng sông nước huyện Tuy An với mong muốn cầu cho một năm trời im, sóng lặng, khai thác được nhiều tôm, cá, hải sản. Hàng năm cứ đến dịp tết đến xuân về người dân Tuy An lại náo nức phấn khởi chuẩn bị cho ngày hội lớn của quê hương mình.
Chị em cũng không hề kém cạnh - Ảnh: sưu tầm |
Lễ hội “đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan” đã có từ trước ngày giải phóng đến nay được tổ chức ngay trên danh thắng quốc gia là nét đẹp truyền thống của cộng đồng dân cư các xã của huyện Tuy An sống ven đầm.
Ngoài dua thuyền ra vẫn còn nhiều tiết mục khác - Ảnh: sưu tầm |
Ngoài phần nghi lễ, hội Đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan, đã thu hút 210 vận động viên nam, nữ của 11 xã, thị trấn về tham gia và tranh tài 04 nội dung thể thao gồm đua thuyền rồng nam, thuyền chài 04 người, sõng lưới 02 người (nam, nữ) và sõng chống sào. Đây là hoạt động chính của lễ hội, thể hiện tính đoàn kết, sức khỏe dẻo dai, mạnh mẽ của thanh niên, thanh nữ để lao động, đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội.
Nguồn: Tổng hợp