Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngư dân các làng cá đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông ở Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Phước Hải (huyện Ðất Đỏ); Phước Tỉnh, Long Hải (huyện Long Ðiền); Ðình Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu)... Trong đó, tiêu biểu nhất là Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam. Lễ hội Nghinh Ông là Tết của ngư dân miền biển Bà Rịa - Vũng Tàu, diễn ra rộn ràng trong ba ngày, từ ngày 16 đến 18/8 Âm lịch hàng năm, thu hút hàng chục ngàn lượt khách thập phương
Theo truyền thuyết, tục thờ cá Ông được xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Chăm: “Vị thần tên là Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi”.
Lễ hội nghinh Ông hay là Lễ Cúng cá Ông (cá Voi) gắn liền với tục thờ cá Ông phổ biến, ngư dân quan niệm rằng, cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông thành một vị thần rất đỗi thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, con người bị hiểm nguy đe doạ, mỗi khi có thuyền lâm nạn vị Thần này đều nâng đỡ và đưa người lâm nạn vào bờ. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương.
Lễ hội Nghinh Ông Vũng Tàu là một trong những Lễ hội được Bộ Văn hoá Thông tin và Tổng cục Du lịch chọn trong 15 Lễ hội lớn của cả nước từ năm 2000, được xem là nét đẹp văn hoá tiêu biểu của ngư dân miền biển. Lễ hội Nghinh Ông Đình thần Thắng Tam được đề xuất tổ chức quy mô như một sự kiện Văn hóa-Du lịch lớn của tỉnh, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là 1 trong 9 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch nổi bật của tỉnh năm 2011 được công bố trong dịp Khai hội Văn hóa - Du lịch đầu năm. Đặc trưng Lễ hội của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có nét chung của Lễ hội Dân gian Nam bộ, vừa có nét riêng của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Bởi trong suốt các quá trình lịch sử, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn là vùng giao thoa, chuyển tải và ngưng tụ của quá trình hình thành, giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa Nam Trung bộ và Nam bộ.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân ở các làng cá ven biển đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông tiêu biểu nhất là Lễ hội Nghinh Ông Đình thần Thắng Tam được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 8 Âm lịch hàng năm, với sự tham dự của nhân dân trong vùng, mỗi ngày thu hút khoảng 5.000 lượt khách tham gia từ các tỉnh, thành lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long…Trong Lăng Ông Đình thần Thắng Tam còn lưu giữ nhiều bộ xương cá Ông, bộ xương sớm nhất được đưa vào năm 1868, khi cá Ông dạt tới bãi biển Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu, bộ xương này nặng khoảng 4 tấn và có chiều dài khoảng 30 mét. Hiện nay, Lăng Ông còn giữ được hai sắc thần được phong vào năm 1846 và 1850 dưới triều Tự Ðức.
Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm với một đoàn người gồm các vị kỳ lão, kỳ hương, quan hầu... lên một chiếc ghe lớn (có trang trí hoa, cờ, bàn thờ có bài vị Thuỷ tướng, đoàn nhạc ngũ âm, chiêng, trống và đội múa lân rộn ràng) từ khu vực Bãi Trước đến Miễu Bà (khu vực mũi Nghinh Phong) để dâng hương, rượu và cúng tế. Sau đó đoàn thuyền thỉnh Long vị Ông Nam Hải về lại Đình thần Thắng Tam tiếp đến là các lễ cúng Tiền Hiền, Hậu Hiền và các anh hùng liệt sĩ; thỉnh sắc thần vào Lăng Ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội, lễ cầu quốc thái dân an…đọc văn tế, sắc phong, học trò dâng trà, hoa, rượu... đây cũng là một lễ hội đặc trưng của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, Lễ hội Nghinh Ông Đình thần Thắng Tam còn có các tiết mục múa lân, sư, rồng và diễn Tuồng cổ phục vụ du khách. Lễ hội Nghinh Ông là dịp để bà con ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, có cuộc sống ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn; đồng thời Lễ hội cũng là dịp để mọi người báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn. Không chỉ rộn ràng bởi Lễ hội của ngư dân miền biển, Đình thần Thắng Tam còn chứa đựng những nét đẹp văn hoá tiêu biểu của kiến trúc đình làng ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo truyền thuyết, Đình thần Thắng Tam thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng Thắng (Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam) ở Vũng Tàu là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp nghiên cứu để nâng cấp Lễ hội từ năm 2011. Theo đó, phần lễ vẫn giữ nguyên những nét truyền thống như Lễ hội Nghinh Ông hàng năm, phần hội được nghiên cứu để đưa vào các nội dung sao cho hấp dẫn mà không làm mất đi giữa yếu tố truyền thống. Cần nghiên cứu kỹ các yếu tố để việc tổ chức các sự kiện không trùng lắp về thời gian, tránh lãng phí, đồng thời phải tạo được dấu ấn của Bà Rịa-Vũng Tàu với người dân địa phương và du khách.
Lễ hội Nghinh Ông Đình thần Thắng Tam được tổ chức ngang tầm sự kiện Văn hóa, Du lịch của tỉnh, là một hoạt động văn hoá đặc sắc của ngư dân miền biển Vũng Tàu. Du khách viếng thăm Đình thần Thắng Tam vào dịp có Lễ hội, hẳn đó là chuyến tham quan thú vị và sinh động nhất trong chuyến du lịch Vũng Tàu.
(Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh BR-VT)