Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân được tổ chức hàng năm tại TP. Hải Phòng từ mùng 7-9/2 âm lịch. Lễ hội thể hiện trách nhiệm và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay đối với công đức to lớn của nữ tướng Lê Chân trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc.
Lễ hội được tổ chức ngay tại tượng đài nữ tướng Lê Chân
Lễ hội nữ tướng Lê Chân được tổ chức công phu tại quận Lê Chân - thành phố Hải Phòng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kế thừa và phát triển các nghi lễ truyền thống. Đây như một bài học lịch sử sống động nhắc nhở những thế hệ tiếp nối về thân thế, sự nghiệp và tri ân công lao to lớn của nữ tướng Lê Chân. Đồng thời phát huy các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của tượng đài nữ tướng, đền Nghè, đình An Biên, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc, sinh hoạt lễ hội truyền thống, lễ hội du xuân của nhân dân địa phương.Nữ tướng Lê Chân quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đến vùng đất nơi ngã ba sông Tam Bạc nối liền sông Cấm, lập ấp Vẻn, sau đổi là An Biên Trang. Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xâm lược, bà là một nữ tướng tài ba, anh dũng, lập nhiều chiến công vang dội, được Trưng Vương phong chức Chưởng quản binh quyền nội bộ, giao trọng trách trấn giữ miền Hải Tần. Hệ thống thờ tự nữ tướng Lê Chân được hình thành và trường tồn gần 20 thế kỷ qua.
Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa, đặc biệt ấn tượng góp phần tăng cường quảng bá các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói chung, quận Lê Chân nói riêng đến với du khách trong và ngoài thành phố.
Lễ hội được diễn ra tại quần thể khu di tích nữ tướng Lê Chân. Cùng với phần lễ gồm: lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ thì phần hội luôn là điểm nhấn hấp dẫn du khách thập phương với các sinh hoạt văn hóa mang đậm nét truyền thống như: biểu diễn pháo đất, võ dân tộc, chợ quê, múa lân sư, trống hội hay các tiết mục văn nghệ: hoạt cảnh chèo, hợp ca, diễn xướng chầu văn, hát dân ca, chèo cổ...
Đánh trống khai hội
Để lễ hội được diễn ra đúng nghi thức, đồng thời nhấn mạnh giá trị văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử, trước đó nhiều tháng, Ban tổ chức lễ hội đã đi thực tế ở nhiều lễ hội trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, sau đó rút kinh nghiệm, phục dựng lại các nghi lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ, lễ rước theo đúng phong tục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Lễ rước kiệu
Qua lễ hội truyền thống này, thành phố Hải Phòng nói chung cũng như quận Lê Chân nói riêng muốn quảng bá, giới thiệu cụm di tích tượng đài nữ tướng Lê Chân. Với phương châm thu hút du khách đến tìm hiểu, thưởng ngoạn giá trị văn hóa, lễ hội nhằm phát huy văn hóa truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.Lễ rước thường được chia thành 2 đoàn rước với hàng nghìn người tham gia. Một đoàn rước là của 7 phường và các đoàn dâng lễ xuất phát từ đền Nghè đến tượng đài nữ tướng; thứ hai là đoàn rước của 8 phường và đình An Biên, xuất phát từ đình An Biên đến phố Cát Cụt, Nguyễn Đức Cảnh đến tượng đài nữ tướng, đây là điểm nhấn chính trong lễ hội.