Theo thông lệ năm nào cũng vậy cứ vào ngày rằm tháng giêng thì đồng bào khắp nơi nô nức đổ về Phước Thắng Cung dự khán nguyên tiêu.
Lễ hội Nguyên tiêu Phước Thắng Cung |
Phước Thắng Cung tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 44 km về hướng đông nam thuộc ấp Mé Rạch B, xã Đại An, huyện Trà Cú. Ngôi chùa được cộng đồng người Hoa ở đây xây dựng vào năm 1861. Qua thời gian Phước Thắng Cung dần dần được mở rộng và dung nạp thêm nhiều vị thần thánh. Về kiến trúc hiện tại Phước Thắng Cung gồm các công trình như: chính điện, đông lang, tây lang, cung Chúa Xứ, miếu Ông Tà, miếu Sơn Thần, miếu Tây Sơn Thần Vị, khu hồ bán nguyệt và tượng Quan Âm. Đặc biệt, chính điện Phước Thắng Cung có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Mặt bằng tổng thể gồm hai tòa nhà nằm ngang song song tạo thành tiền điện và chính điện. Dọc hai bên là hai dãy đông lang, tây lang hướng vào hai tòa nhà ngang tạo thành một công trình khép kín. Từ ngoài cổng đi vào qua khoảng sân khá rộng là đến tiền điện. Tiền điện là mặt tiền của chùa nơi đón khách thập phương đến chiêm bái cho nên rất được chú trọng về mặt mỹ thuật nhất là phần sảnh. Ngay trên cửa chính tiền điện có ghi ba chữ Phước Thắng Cung bằng Hán tự. Trên vách thì có phù điêu thanh long, bạch cùng các bức hội họa với nhiều đề tài khác nhau.
Tiếp nối tiền điện là chính điện gồm ba gian thờ. Gian giữa với bàn thờ và khánh thờ thờ ba vị thần Bảo Sanh Đại Đế, Quảng Trạch Tôn Vương, Phước Đức Chính Thần. Gian trái, gian phải thờ Ngũ Vị Chi Thần và Tam Bình Tổ Sư.
Bảo Sanh Đại Đế là vị thần chính thờ tự trong chùa, vì vậy mà Phước Thắng Cung còn được gọi là chùa Ông Bảo. Ông Bảo tức Ngô Chân Nhân hoặc Chân Nhân Tiên Sư hay Ngô Công Chân Tiên, Hoa Kiệu Công, Anh Huệ Hầu. Ở Việt Nam người Hoa thường gọi là ông “Lão Ýa”, “Lão Yề”. Ông họ Ngô tên Bản tự Hoa Cơ biệt hiệu Vân Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm Thái Bình Hưng Quốc thứ tư (979) đời Tống. Sinh thời ông là một vị thần y hết lòng vì người bệnh, cao thượng trong sạch nên khi mất được dân lập miếu tôn thờ, nhất là giới thuật sĩ và các thầy thuốc tôn làm thần phù hộ. Năm Càn Đạo thứ 7 (1169) được phong Đại Đạo Chân Nhân.
Tại Phước Thắng Cung hàng năm diễn ra nhiều lễ hội theo phong tục cổ truyền của đồng bào Hoa như: tết Nguyên đán, Thanh minh, Đoan ngọ, Vu lan, Trung thu, Trùng cửu... nhưng lớn nhất và thu hút đông đảo khách thập phương nhất là lễ hội nguyên tiêu diễn ra trong hai ngày rằm và mười sáu tháng giêng.
Sáng sớm ngày rằm bà con trong bổn hội ai có lòng thành thì vào chính điện dâng phẩm vật cúng bái. Đến trưa thì lễ hội chính thức bắt đầu. Vị chánh bái là người am hiểu nghi thức cúng tế đóng vai trò chủ tế dâng phẩm vật khấn vái kính báo đức ông nguyên tiêu đã đến, cung thỉnh đức ông về ngự chứng giám lòng thành mà phò hộ độ trì cho mọi người. Sau đó những người trong bổn hội còn tiến hành lễ thức tế Tiền chức tại bàn thờ Tiền hiền Hậu hiền, bàn thờ Bổn cung cố viên chức vị nhằm bày tỏ lòng tri ân đối với những bậc có công lao trong việc sinh cơ lập nghiệp. Ngoài ra, tại miếu Chúa Xứ, miếu Sơn Thần, miếu Neak Tà bổn hội cũng dâng phẩm vật tế lễ để các vị thần này cùng phối hưởng mà phù hộ, chở che cho mọi người mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc.
Càng về chiều thì không khí ở đây càng náo nhiệt hơn, hàng chục thanh thiếu nhi trong vùng tập trung về đây tiến hành hóa trang để diễu hành. Các em tranh thủ chặt cây lá quấn quanh thân thể, dùng lọ nghẹ, phẩm màu trang trí mặt, tóc hóa trang thành những “âm binh thần tướng”. Tùy sở thích của mỗi người hóa trang làm sao cho lạ mắt, thích thú là được. Đúng 6 giờ chiều khi trăng rằm vừa ló dạng, vị chủ tế cùng những người của ban hội tiến hành nghi thức xin keo để chọn giờ lành thỉnh kim thân ông lên kiệu du ngoạn thăm và ban phước cho bà con bổn phố.
Khi các kim thân yên vị xong, đoàn nghinh sắp xếp theo thứ tự ổn định thì 3 hồi tù và nổi lên báo hiệu cuộc du ngoạn bắt đầu. Dẫn đầu đoàn nghinh là các thanh thiếu nhi tay cầm đuốc múa mái hò reo, chạy đi chạy lại không nghỉ dọn và dẫn đường làm cho cuộc du ngoạn thêm kỳ ảo, náo động. Tiếp theo là đội lân, với tiếng trống sôi động rộn ràng làm vang động khắp vùng. Trên đường đi đoàn lân thỉnh thoảng còn ghé vào các nhà nghinh tiếp biểu diễn phục vụ và nhận những phần quà của các chủ gia treo trên cửa. Tiếp theo đội lân là hai người cầm hợp lồng đèn bảng hiệu Phước Thắng Cung, kế đến là vật cầm tinh. Năm nay năm Tân Mão (2011), vì vậy vật cầm tinh là một chú mèo ngộ nghĩnh có khung sườn bằng tre dán giấy bồi do các nghệ nhân địa phương chế tác. Kế đến là đội phèn la đi giữa đội cờ hiệu hai hàng đi hai bên, rồi đội lồng đèn và đuốc, đội cờ ông gồm cờ Bảo Sanh Đại Đế (màu xanh), Quảng Trạch Tôn Vương (màu đỏ), Phước Đức Chính Thần (màu vàng). Sau cờ ông còn có cờ Tam Bình Tổ Sư, Thiên Hậu Thánh Mẫu và nhiều loại khác với đủ sắc đỏ, xanh, vàng, tím... Tiếp theo đội cờ là kiệu binh đi kèm theo là người đánh trống cơm, người thổi tù và. Tiếp sau kiệu binh là kiệu ông đi giữa cùng hai hàng binh khí hai bên. Kế đến là nhóm Đường Tăng (Tam Tạng, Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng) rồi Ông Văn, Ông Võ, nhóm tam đa (Phước, Lộc, Thọ), dàn nhạc lầu cấu và sau cùng là những người trong bổn hội cùng dân chúng thập phương. Kiệu ông, kiệu binh được trang hoàng lộng lẫy với cờ, hoa, đèn... Trước đây do một nhóm thanh niên khỏe mạnh thay nhau khiêng, nhưng ngày nay thì dùng xe kéo để giảm bớt sức người.
Đoàn khởi hành từ Phước Thắng Cung theo con đường phía trước đi về phía chợ Đại An. Đến cầu Trà Kha đoàn hội nhập với các đoàn của Đình Minh Hương, Phước Long Cung, Phước Lộc Hòa đi về Bảo An Miếu. Đến Bảo An Miếu dừng lại cung thỉnh Thiên Hậu Thánh Mẫu tượng trưng bằng chiếc lư hương cùng ngự kiệu ông rồi vòng quanh bổn phố. Sau đó đoàn đi đến Thánh thất Cao Đài vào chính điện thực hiện nghi lễ và quay về cổng chùa Pnô Đôn. Trên đường đi tiếng trống, tiếng nhạc không ngớt, thỉnh thoảng ba hồi tù và nổi lên, nghi thức vẫy muối gạo được thực hiện với ý nguyện sẽ xua tan những điều xấu, đón nhận những điều tốt đẹp. Ở những nơi đoàn qua, nhà nhà đồng bào người Việt, người Hoa, người Khmer đều lập bàn hương án trước sân với hương hoa trà quả chờ sẵn nghênh tiếp. Khi kiệu ông đến người ta thắp nhang khấn váy và nhận lấy một ít muối gạo xem đây là lộc với nhiều may mắn.
Quá nửa đêm thì đoàn du ngoạn cũng về đến chùa. Trước cổng có người của bổn hội tay bưng khai hợp cùng lễ vật chờ sẵn để làm lễ thỉnh đức ông Bảo Sanh Đại Đế, Quảng Trạch Tôn Vương, Phước Đức Chính Thần cùng binh gia vào an vị trên các bàn thờ. Trước đó trên đường về đến Bảo An Miếu thì nghi thức an vị Thiên Hậu Thánh Mẫu cũng được thực hiện.
Nguyên tiêu thắng hội chính thức khép lại, Phước Thắng Cung trở về với không khí yên tĩnh thường nhật chờ đón lễ hội năm sau.
Nguyên tiêu thắng hội ở Phước Thắng Cung là lễ hội đặc sắc giàu tính nhân văn, sáng tạo đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của cư dân trong vùng. Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và các tín ngưỡng tôn giáo tại địa phương.
Dân gian có câu: “Tết quanh năm, không bằng rằm tháng giêng”. Đối với cộng đồng các dân tộc ở Đại An – Trà Trú câu nói ấy ắt không sai chút nào.
VĂN TƯỞNG