Lễ hội Trùng Cửu mùng 9/9 âm lịch hàng năm, tổ chức tại Nhà Lớn Long Sơn đây là lễ cầu an, là lễ hội cầu cho vạn dân bá tánh được mạnh khỏe an lành, lễ hội diễn ra vào đêm mồng 8 và ngày 9/9 âm lịch. Nhà Lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTT và DL) công nhận là di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia năm 1991
Một góc quần thể Nhà Lớn - Ảnh: Nguyễn Long
Từ TP.HCM, theo Quốc lộ 51 hướng về Thành phố Bà Rịa, cách cổng chào Thành phố Bà Rịa khoảng 8km, du khách gặp ngã 3 bên phải là con đường dẫn vào xã đảo Long Sơn, nơi có quần thể di tích Nhà Lớn Long Sơn khá nổi tiếng với đạo Ông Trần. Xã đảo Long Sơn nằm trên núi Nứa án ngữ bên vịnh Gành Rái và phía Nam Rừng Sác, Nhà Lớn là khu đền thờ đạo Ông Trần do ông Lê Văn Mưu một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vốn xuất phát từ vùng Bảy Núi (An Giang) xây dựng năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành, trùng tu năm 1991. Có diện tích rộng 2 ha, chia thành 3 khu: khu đền thờ; khu trường học; khu nhà Long Sơn Hội (Nhà lớn hay Đền Ông Trần), Nhà Lớn nằm bên sườn phía Đông Núi Nứa là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý, tọa lạc tại thôn 10, xã Long Sơn, Tỉnh BR-VT.
Du khách thập phương xếp hàng cúng lễ - Ảnh: Nguyễn Long
Tương truyền rằng Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do Quản cơ Trần Văn Thành làm thủ lĩnh. Năm 1900, sau khi khởi nghĩa thất bại, ông Lê Văn Mưu cùng 20 người trong gia tộc đi bằng thuyền buồm dừng chân ở chợ bến Long Điền để lánh nạn. Sau khi nhận thấy đảo núi Nứa chưa có người khai phá, Ông bèn chọn nơi này mở đất lập nghiệp, lập lên ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Ông cho xây cất quần thể kiến trúc Nhà Lớn để thờ Trời, Phật, Tiên, Thánh và xây những dãy phố cho dân tới tạm cư trong khoảng 6 tháng. Một thời gian sau, xã Long Sơn trở thành một nơi có đông dân cư sinh sống, lập nghiệp.
Sinh thời, ông Mưu thường cởi trần tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân quen gọi là Ông Trần. Ông giúp đỡ người nghèo khó phiêu dạt từ nơi khác đến, không nhà cửa, ruộng vườn; được Ông cấp nhà để ở, ruộng đất để cày, khi nào ổn định được cuộc sống thì ra riêng; nhường nhà, nhường ruộng cho người mới đến. Đến nay, hàng trăm năm đã trôi qua nhưng Ban Điều hành Nhà Lớn vẫn giữ truyền thống này để giúp đỡ những người nghèo, những người di cư đến Long Sơn tìm kế mưu sinh. Khi Ông Trần mất, trong dân gian hình thành tín ngưỡng đạo Ông Trần, hay còn gọi là Ông Nhà Lớn, đạo Ông Trần giữ tròn 5 chữ “Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”, coi đó là đạo làm người. Đã thành tục lệ, hàng năm cứ vào ngày mùng 9/ 9 âm lịch, những người theo đạo Ông Trần thường tụ hội về đây để cầu an và tưởng nhớ đến công đức của Ông Trần.
Lễ hội Trùng cửu diễn ra vào đêm mồng 8 và ngày 9/9 âm lịch, đêm ngày mùng 8 lễ Tiên Thường kỉnh mặn (cúng mặn); Ngày mùng 9 lễ chánh giỗ kỉnh chay (cúng chay) lễ vật trong buổi lễ là các sản vật do bá tánh dâng cúng. Lễ hội không tổ chức linh đình, không rực rỡ cờ hoa, không rộn rã chiêng trống như nhiều lễ hội khác, nhưng được tổ chức chu đáo, thể hiện đậm nét văn hóa của đạo Ông Trần (chủ yếu là dâng hương, cầu nguyện, và tưởng nhớ đến công đức của ông Trần)… thu hút được hàng vạn du khách thập phương hội tụ về, đặc biệt là người ở các tỉnh Miền đông và Miền tây Nam bộ. Du khách đến đây có thể tìm thấy những điều mới lạ mà người dân nơi đây đã tạo ra theo ý muốn và ước vọng của họ, bổ sung cho kho tàng hiểu biết của mình. Ngày lễ hội Trùng Cửu không chỉ là dịp để bà con, bá tánh về Nhà Lớn cầu an, cầu may mà còn là dịp để họ trở về với nguồn cội, lắng mình trong không gian thanh bình. Nhà Lớn Long Sơn là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Đến xã đảo Long Sơn du khách không chỉ khám phá nét văn hóa độc đáo của di tích Nhà Lớn, còn được hòa mình cùng thiên nhiên hoang sơ của vùng sông nước, du khách có thể chọn những thú vui như tham quan các bè cá nổi trên sông; khám phá rừng ngập mặn trên sông Chà Và, sông Rạng; thưởng thức hải sản tươi, sống tại các nhà hàng nổi trên bè, du khách được tận tay bắt hải sản và xem chế biến món ăn theo sở thích, với các món: cá mú, cá bớp, cá chẽm, hàu, cá nâu nướng muối ớt, ghẹ nướng, cua rang me... mang đậm chất Nam bộ thời khẩn hoang, đó là những trải nghiệm mới mẻ, thú vị khiến Long Sơn ngày càng hấp dẫn hơn.
Điều ấn tượng khác với du khách khi đến Long Sơn còn là hình ảnh những vị ông già, bà lão mặc quần áo bà ba đen, tóc búi tó gọn sau gáy như kiểu củ hành, những ai đã từng một lần đến Long Sơn đều công nhận nét cuốn hút của xã đảo này nằm ở di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Lớn và những phong tục tập quán cổ xưa. Những phong tục tập quán tốt đẹp có từ thời Ông Trần đến nay vẫn được bá tánh, những người theo đạo Ông Trần gìn giữ, lưu truyền và phát huy từ hàng trăm năm nay.
Cùng với lễ hội và tập tục xưa cổ được bảo lưu, giữ gìn, Nhà Lớn Long Sơn là địa chỉ hấp dẫn du khách khi đến Vũng Tàu.
Nhà Lớn Long Sơn là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, các nhà lầu nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không ngăn lối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, biểu hiện sinh động và rất ấn tượng đối với du khách về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo. Ban đầu Nhà Lớn được làm bằng gỗ ván, tre nứa, nhưng sau này khi trùng tu đã thay thế một phần bằng gạch ngói và xi măng. Bên trong các ngôi nhà các trụ cột và xà nhà đều có treo câu đối, câu liễn và hoành phi. Nổi trội nhất là các bộ bao lam đều chạm trổ hình hoa, hình thú rất khéo léo, công phu và đều được tô son thiếp vàng rực rỡ. Trong các gian thờ là vô số kỷ vật cổ (đa phần bằng gỗ quý), Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì Ông Trần đã sưu tầm được khá nhiều vật dụng của cả ba miền Nam-Trung-Bắc như bàn ghế, tủ thờ, những bức hoành phi, liễn thờ... Trong đó có giá trị nhất là bộ bàn ghế bát tiên được cẩn hoa cương và xà cừ là của Vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh tại thành phố Vũng Tàu, và bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ gồm 33 chiếc, có nguồn gốc từ vùng Hà Đông. Ngay phía sau khu chính điện (nơi ông Trần thường ngồi giảng đạo lý) vẫn còn lưu giữ bộ ảnh Chữ Nôm truyện Lục Vân Tiên, trước vẽ trên lụa, sau được phục chế trên kính là một di vật quí.
K.L