Ngành dệt may được kỳ vọng hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (dự kiến có hiệu lực vào năm 2018), nhưng TPP cũng đang tạo ra sức ép, đòi hỏi các doanh nghiệp may mặc và nguyên phụ liệu ở trong nước phải liên kết lại.
Nếu cứ mãi gia công, doanh nghiệp dệt may sẽ bị rơi vào bẫy sản xuất với giá trị gia tăng thấp. Ảnh: THÀNH HOA
Liên kết dọc trong các ngành công nghiệp không phải là vấn đề mới nhưng lại được nhiều doanh nghiệp dệt may đặt ra trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, họ cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này khi TPP ngày càng đến gần.
TPP với quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi đối với hàng dệt may, đòi hỏi doanh nghiệp may mặc phải có được nguồn vải sản xuất tại Việt Nam (tại các nước thành viên TPP), nếu không, họ có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi TPP, hoặc mãi gia công với mức tiền công thấp.
Mới đây, trong một hội thảo bên lề “Triển lãm quốc tế lần thứ 26 ngành công nghiệp dệt và may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2016” (Saigon Tex 2016) diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn - SECC từ ngày 30-3 đến ngày 2-4, một số doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu (có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) và doanh nghiệp may mặc đã gặp gỡ nhau, bàn cách liên kết.
Muốn liên kết thì đừng gia công
Tại đây, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong TPP tạo cơ hội để Việt Nam đầu tư vào khâu thượng nguồn (sản xuất vải và phụ liệu).
Hiện doanh nghiệp may mặc trong nước vẫn phải nhập khẩu vải để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, tuy sản xuất vải ở Việt Nam chưa mạnh, nhưng giá trị vải xuất khẩu hàng năm cũng đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Điều này chứng tỏ sự kết nối, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước còn yếu kém nên mới có chuyện nơi thừa nơi thiếu.
Do đó, ông Cẩm cho rằng doanh nghiệp dệt may cần liên kết với nhau. Và để làm được điều này, ít nhất, doanh nghiệp may mặc phải thực hiện những đơn hàng FOB thực sự (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) thay vì gia công. Với việc thực hiện các đơn hàng gia công, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu qua khâu trung gian và khách hàng lo toàn bộ phần nguyên phụ liệu. “Nếu mãi gia công, doanh nghiệp sẽ bị rơi vào bẫy sản xuất với giá trị gia tăng thấp, vì vậy, cần phải tìm cách nâng dần vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Cẩm nói.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Trường, Phó chủ tịch VITAS, đồng thời là thành viên HĐQT Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, cho biết ở Việt Nam cũng có những doanh nghiệp đầu tư lớn sản xuất nguyên phụ liệu. Việt Tiến vừa mới chọn nguồn cung phụ liệu là một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã đầu tư 25 triệu đô la Mỹ, chuyên sản xuất khóa kéo cung cấp cho Nike, Adidas. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không biết nhà máy này, vì lâu nay họ chủ yếu gia công nên được khách hàng chỉ định mua nguyên phụ liệu. “Nếu chỉ làm gia công, doanh nghiệp có bao giờ phải cạnh tranh mà cần liên kết (với những nhà cung cấp nguyên phụ liệu - PV). Một áo sơ mi cộc tay có giá gia công 1,5 đô la Mỹ. Còn thì khách hàng chỉ định và ký kết phần cung cấp nguyên liệu”, ông Trường nói.
Trên thực tế, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM (AGTEK), Tổng giám đốc Tổng công ty 28, doanh nghiệp thực hiện đơn hàng FOB nhưng khách hàng chỉ định công ty cung cấp để doanh nghiệp mua nguyên liệu (FOB “giả” - PV), doanh nghiệp chỉ chủ động được phụ liệu.
Các nhà đặt hàng thường chỉ định mua nguyên liệu của công ty tại Trung Quốc vì nguồn cung nguyên liệu tại đây rất phong phú. Ngoài ra, một số nhà đặt hàng chỉ định mua nguyên liệu tại công ty họ có đầu tư. Chẳng hạn một công ty Nhật Bản đặt sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam nhưng họ có đầu tư cổ phần tại công ty sản xuất nguyên liệu ở Trung Quốc thì cho dù nguyên liệu đó Việt Nam có sản xuất họ cũng không có ý định mua.
Tuy nhiên, với cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan mà TPP đem lại, bắt buộc nguyên liệu phải được mua tại Việt Nam vì nhìn chung, các nước TPP khác có ngành sản xuất vải không mấy phát triển. Vậy làm thế nào để sử dụng vải tại Việt Nam?
Theo ông Hùng, Việt Nam hiện chỉ có vài doanh nghiệp sản xuất vải nên rất dễ “tìm thấy” họ. Trước tiên, doanh nghiệp may và sản xuất vải phải gặp nhau, thử mẫu. Việc khó nhất là thuyết phục người đặt hàng kiếm vải tại Việt Nam, nhưng dù khó cũng phải thực hiện, để đến năm 2018 doanh nghiệp may mặc mới có thể yên tâm có nguồn cung nguyên liệu.
Cũng theo ông Hùng, tình hình đầu tư dệt nhuộm trong nước còn yếu do ngành này đòi hỏi nhiều vốn, trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp. Hiện các công ty Trung Quốc có năng lực đang đổ vốn đầu tư sản xuất vải tại Việt Nam để bán vải cho doanh nghiệp trong nước.
Thiết lập liên kết bền vững
Xu hướng nội địa hóa và liên kết chuỗi là tất yếu. Vậy điều gì đang ngăn cản doanh nghiệp trong nước liên kết với nhau?
Theo ông Nguyễn Đình Trường, bản chất liên kết chuỗi phải có ràng buộc, phải xuất phát từ lợi ích kinh tế, nếu không có lợi ích kinh tế ràng buộc thì không thể giữ chuỗi bền vững.
Ông Trường cho rằng có một số động lực để liên kết chuỗi, đó là doanh nghiệp may mặc và doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu sở hữu cổ phần của nhau; nếu không thì phải tạo được sự tin tưởng, lòng trung thành và có những thỏa thuận về giảm giá, mua lại phần nguyên phụ liệu sử dụng không hết... Ngoài ra, doanh nghiệp nguyên liệu cũng phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả cạnh tranh, thời gian giao hàng...
Vị này cho biết thêm, khách hàng Nhật của Việt Tiến khi đặt hàng cũng chỉ định mua nguyên liệu từ những công ty của họ đầu tư ở nước ngoài. Và từ bao năm nay, họ vẫn trung thành với tiêu chí giá rẻ, chất lượng cao.
Ông Trường cho rằng, trước mắt, doanh nghiệp phải gặp gỡ nhau để xem có bao nhiêu khâu nguyên phụ liệu mà Việt Nam đã sản xuất được, công suất bao nhiêu... “Trong TPP chúng ta phải liên kết từ nút, chỉ,... để hưởng lợi ngay từ đầu. Khâu phụ liệu này chiếm 25% giá thành sản phẩm nên nếu nội địa hóa được thì tốt. Hiệp hội Dệt May cần giới thiệu trên trang mạng của hiệp hội để hỗ trợ kết nối nhà cung cấp với công ty may mặc”, ông nói.
Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu đang gặp một số khó khăn. Theo ông Đặng Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phụ liệu dệt may Nha Trang (chuyên sản xuất khóa kéo, nút), nếu cứ theo cơ chế thị trường, nhà sản xuất - cung cấp nguyên phụ liệu mà có sản phẩm chất lượng, giá rẻ, dịch vụ tốt thì sẽ được doanh nghiệp may mặc mua nguyên liệu. Tuy nhiên, việc cung cấp lại gặp khó đối với các doanh nghiệp nhà nước (chưa theo cơ chế thị trường thực sự). Ông cho biết thường thì người lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước ngồi ở vị trí của mình trong thời gian không dài, có thể chỉ sau vài năm là nghỉ hoặc được thuyên chuyển. Việc hợp tác với những công ty này có thể không bền vững khi có người mới thay, do đó, cần có cơ chế đảm bảo sự hợp tác bền vững.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp khách hàng đặt lợi ích cá nhân lên trên nên nhà cung cấp phải có hoa hồng cho bên mua, thay vì cạnh tranh lành mạnh về giá cả, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Thu Nguyệt / thesaigontimes.vn