Theo công bố mới nhất của Savico, liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi giữa công ty này và đối tác ComfortDelgro đã quyết định ngừng hoạt động kinh doạnh taxi để nghiên cứu cơ hội kinh doanh khác. Trước đó nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, lợi nhuận sa sút, việc kinh doanh lao đao vì Uber và Grab...
Liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico và đối tác Singapore đã phải tuyên bố đóng cửa để bảo toàn khoản đầu tư. |
Mới đây, CTCP Dịch Vụ Tổng hợp Sài Gòn đã tuyên bố ngừng kinh doanh hoạt động taxi của mình. Một trong những lý do được đưa ra là áp lực cạnh tranh từ Uber, Grab.
Theo công bố mới nhất của Savico, liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi giữa công ty này và đối tác ComfortDelgro đã quyết định ngừng hoạt động kinh doanh taxi để nghiên cứu cơ hội kinh doanh khác.
Quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn góp của 2 bên.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Savico, công ty này cho biết hoạt động mảng kinh doanh taxi gặp nhiều khó khăn vì phải chịu cạnh tranh gay gắt từ Uber và Grab. Sau đó đại hội đã quyết định tái cấu trúc hoạt động kinh doanh taxi.
Năm 2017, liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi có tài sản 92 tỷ đồng nhưng cả năm chỉ có lợi nhuận hơn 235 triệu đồng. Năm trước đó liên doanh này đạt lợi nhuận trước thuế 4,1 tỷ đồng còn năm 2015 lãi 7 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (MASCO - Mã CK: MAS) cũng đã có văn bản giải trình về việc lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính bộ phận năm 2017 đã được kiểm toán kết thúc vào ngày 31/12/2017 thì lợi nhuận trước thuế của năm 2017 đạt 13,5 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm 2016, tương ứng lợi nhuận sau thuế giảm 15% so với cùng kỳ.
Theo MASCO, tổng doanh thu giảm 4,5% so với cùng kỳ đã làm cho lợi nhuận trước thuế giảm 14% và lợi nhuận sau thuế giảm 15%. Một trong các nguyên nhân được đưa ra đó là do việc phải tăng chi phí để giữ ổn định hoạt động kinh doanh taxi trước bối cảnh cạnh tranh với Uber, Grab.
Ngoài ra, một loạt "ông lớn" trong ngành vận tải như taxi Vinasun, Mai Linh cũng "than vãn" gặp khó trước làn sóng cạnh tranh áp đảo từ loại hình vận tải như Uber, Grab…
Trong đó, Vinasun đang là doanh nghiệp taxi có những phản ứng mạnh mẽ nhất với các doanh nghiệp taxi công nghệ. Mới đây, hãng này đã khởi kiện Grab và yêu cầu Grab bồi thường với khoản lợi nhuận mà hãng này bị sụt giảm trong năm 2016 và nửa đầu 2017 là 40 tỷ đồng.
Vinasun lập luận: Grab mặc dù tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực tế hoạt động, Grab là doanh nghiệp kinh doanh taxi, cùng lĩnh vực với Vinasun. Ngoài ra Grab còn liên tục đưa ra các phương thức cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra khuyến mại tràn lan, phá giá.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh cũng có văn bản gửi Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn của công ty. Trong văn bản này, Mai Linh cho biết cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt không công bằng của Uber, Grab. Cụ thể là điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch hoạt động của công ty. Doanh thu hoạt động kinh doanh của Mai Linh giảm khoảng 30% so với các năm chưa có Uber, Grab.
Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cũng đã cùng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản hồi về chủ trương cho phép tiếp tục thí điểm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định số 24 của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT).
Đại diện hiệp hội taxi 3 miền cũng cho rằng, việc tiếp tục cho thử nghiệm mà không sửa ngay Quyết định 24 để đảm bảo tính pháp lý và sự công bằng đối với hoạt động của taxi hiện hữu thì sẽ tiếp tục làm cho các hậu quả trầm trọng hơn.
Mặt khác, chờ để sửa đổi Nghị định và Luật Giao thông đường bộ thì thời gian đòi hỏi sẽ kéo dài, ít nhất phải 2-3 năm. Với thời gian dài như vậy cộng với lỗ hổng pháp lý và chiêu trò kinh doanh của Uber, Grab, đại diện hiệp hội taxi 3 miền cho rằng điều này đủ để hệ thống taxi tan rã.
Đại diện này cho biết, hiện nay chỉ riêng ở TP.HCM, 1/2 số đơn vị taxi thành viên Hiệp hội taxi ở TP. HCM đã tan rã, các đơn vị còn lại cũng giảm đến 30% số xe. Tại Hà Nội số lượng đầu xe cũng giảm trên 35% số lượng đầu phương tiện.
Nguyễn Khánh
Dân trí