Liên tiếp xảy ra sự cố đứt cáp quang biển AAG, nhưng cách ứng xử của nhà mạng với hàng chục triệu khách hàng khiến họ càng thêm mất lòng tin …
“Chưa có thời hạn khôi phục”, “Chưa có lịch sửa chữa từ phía đối tác” là thông tin mà Vinaphone và Viettel trả lời phóng viên Báo Đầu tư ngay sau sự cố đứt cáp quang biển AAG khu vực Hồng Kông vào hồi 17h15 (ngày 18/02/2017), khiến hoạt động kết nối quốc tế của các doanh nghiệp, người dùng Internet bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, sự cố xảy ra trên tuyến cáp dưới đáy biển, nên thời gian khắc phục không thể nhanh được. “Thông thường cần từ 2 - 3 tuần để khắc phục sự cố, khôi phục 100% lưu lượng Internet quốc tế trên tuyến cáp”, ông Bình nói. Như vậy, ít nhất phải đến ngày 4 - 5/3, mới có thể khắc phục hoàn toàn sự cố đứt cáp quang AAG lần này. Trong sự cố đứt cáp quang AAG trước đó (ngày 10/1), phải đến 28/1, mới được khắc phục hoàn toàn.
Theo các doanh nghiệp, người dùng Internet, sự cố đứt cáp quang khiến đường truyền Internet chậm, mạng ngắt quãng… nhất là các sever có máy chủ ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong thông tin gửi Báo Đầu tư, đại diện Vinaphone vẫn khẳng định: “Dịch vụ Internet cung cấp cho khách hàng không bị ảnh hưởng nhiều, vì VNPT đã xây dựng kịch bản ứng cứu thông tin trong trường hợp xảy ra sự cố từ trước...”. Khẳng định như vậy, nhưng trong thông tin gửi báo chí, Vinaphone cho biết: “sự cố cáp AAG chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng dịch vụ Internet của khách hàng, do dung lượng băng thông bị hạn chế”. Như vậy, chỉ ngay trong cùng một nội dung trả lời báo chí, Vinaphone khiến người dùng Internet “chán nản”, khó hiểu vì “trước sau bất nhất”.
Còn đại diện của Viettel phát đi thông báo khẳng định: “Khách hàng của Viettel không bị ảnh hưởng bởi sự cố này”, do trước Tết Nguyên đán 2017, Viettel đã chủ động bổ sung và nâng cấp dung lượng kết nối quốc tế trên tuyến APG nhánh đi Hong Kong, Nhật Bản và các hướng đất liền qua Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Bên cạnh đó, Viettel cũng đã triển khai giải pháp đẩy lưu lượng cache cho các server máy chủ của Google, Facebook tại Việt Nam.
Đầu tháng 1/2017, việc cùng lúc 3 tuyến cáp quang biển (AAG, Liên Á –IA và APG) xảy ra sự cố, đã khiến người dùng Internet thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nhưng, các nhà mạng vẫn im lặng trước thiệt hại lớn của khách hàng.
Trước bức xúc của cộng đồng người dùng Internet, đại diện Vinaphone trả lời: "Chúng tôi sẽ đề nghị phân tích, đánh giá mức ảnh hưởng của vụ đứt cáp và đề xuất phương án hỗ trợ, bù đắp tối ưu thiệt hại trong khả năng, thẩm quyền". Còn đại diện Viettel cũng “gửi lời xin lỗi đến khách hàng, vì sự bất tiện trong thời gian xảy ra sự cố”.
Tú Ân / baodautu