Thị trường “con bò” đã ngự trị giá vàng trong ba tuần qua, kể từ khi giá vàng thế giới rớt về dưới 1.500 đô la Mỹ/ounce vào trung tuần tháng 3. Hiện tại, giá vàng thế giới đã vượt mốc 1.700 đô la/ounce, trong khi giá vàng trong nước vẫn neo cao và bám sát theo xu thế toàn cầu. “Cơn sốt” giá vàng có tiếp diễn hay không?
Giá vàng quốc tế tăng mạnh có thể thúc đẩy giá vàng trong nước tăng trở lại sau chuỗi ngày đi ngang kể từ đầu tháng 4 tới nay. Ảnh: TTXVN
Fed bơm tiền làm hạ nhiệt nhu cầu nắm giữ đô la
Kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu trong lịch sử cắt khẩn cấp 1,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành khiến thị trường lo ngại về bóng đen khủng hoảng tài chính cận kề, thì đô la Mỹ đã lên giá mạnh so với hầu hết các loại tài sản.
Các tài sản trước nay được biết tới như là hầm trú ẩn an toàn nhất đều bị bán tháo và vàng là điển hình. Giá vàng đã sụt mạnh về mức thấp nhất 1.455 đô la/ounce khi lúc đó hầu như các chuyên gia đều cho rằng vàng sẽ vượt qua mốc đỉnh 1.700 đô la, tiến tới 1.800 đô la/ounce. Tất cả đã bị bán để nắm giữ đô la Mỹ - loại tiền tệ được dự trữ toàn cầu và cũng là đồng tiền được chấp nhận thanh toán rộng khắp.
Đứng trước thực trạng này, Fed đã liên tiếp bơm tiền mạnh mẽ để duy trì thanh khoản đô la Mỹ không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Trước hết là cam kết nới lỏng định lượng không giới hạn và mới đây là gói bơm tiền trị giá 2.300 tỉ đô la hướng tới các khoản tín dụng giá rẻ cho các doanh nghiệp và chính quyền liên bang.
Ngoài các gói bơm tiền hướng tới kinh tế trong nước, Fed còn đưa ra các chương trình hỗ trợ thanh khoản cho thị trường toàn cầu, bởi nhu cầu về đô la Mỹ không chỉ dừng lại ở Mỹ. Sau khi Fed hạ lãi suất mạnh thì lãi suất đô la Mỹ tại nhiều quốc gia trên thế giới thậm chí không giảm mà còn tăng mạnh hơn, cho thấy cầu về đồng tiền này trên thế giới là rất lớn. Lãi suất đô la Mỹ trên thị trường Libor (Lãi suất tham chiếu cho thị trường tài chính thế giới) cũng không giảm sau khi Fed hạ lãi suất.
Trên thị trường Liên ngân hàng Việt Nam (LNH), lãi suất đô la Mỹ cũng neo cao quanh vùng 1,1-1,5% kỳ hạn qua đêm tới một tuần sau quyết định khẩn cấp từ Fed. Và để giải quyết nhu cầu thanh khoản toàn cầu, Fed đã sử dụng các hợp đồng hoán đổi tiền tệ và các gói cho vay thông qua kênh repo.
Cụ thể, Fed mở hạn mức và thực hiện hoán đổi đô la Mỹ với đồng tiền của 14 ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên thế giới, trong đó có 9 NHTƯ lần đầu được mở. Đối với các NHTƯ không có hạn mức, Fed thực hiện cho vay đô la Mỹ thông qua các hợp đồng repo trái phiếu chính phủ Mỹ nếu NHTƯ đó nắm giữ tài sản này trên bảng cân đối. Các tổ chức ngoài Mỹ nắm một lượng lớn - khoảng 6.860 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ, thì kênh bơm tiền này sẽ rất hữu hiệu để hạ cơn sốt đô la Mỹ giai đoạn này.
Những biện pháp bơm tiền diện rộng đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Lãi suất đô la Mỹ trên thế giới đã giảm mạnh trong tuần trước: trên thị trường Libor, lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm 0,2% so với đầu tháng 4 về mức 0,23% tại ngày 9-4. Lãi suất đô la Mỹ trên LNH tại Việt Nam cũng giảm mạnh về 0,1-0,5% kỳ hạn từ qua đêm tới 1 tuần; giảm mạnh so với mức 1,5% thiết lập vào đầu tháng.
Chỉ số Dollar index (DXY) đo lường sức mạnh của đô la Mỹ cũng giảm về dưới 100 điểm, mất 3,34% so với đỉnh 102,9 điểm thiết lập vào trung tuần tháng 3 và trở thành động lực cho đà phục hồi ấn tượng của vàng trong tháng 4.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ các kỳ ngắn hạn đã tăng trở lại so với thời gian lợi suất âm trong nửa cuối tháng 3 sau quyết định hạ lãi suất của Fed. Điều này cho thấy nhu cầu nắm giữ đô la Mỹ và các dạng tài sản an toàn được trả lãi bằng đồng tiền này như trái phiếu chính phủ Mỹ đã giảm dần.
Tựu chung lại, có thể thấy các gói bơm tiền của Fed một mặt đáp ứng được nhu cầu nắm giữ đô la Mỹ đang cao trước mắt, một mặt có tác dụng hạn chế sự đổ vỡ của ngân hàng, doanh nghiệp mà hệ quả của nó là hiệu ứng “bán tháo tài sản để nắm giữ đô la” gia tăng phi mã như đã diễn ra trong nửa đầu tháng 3 (hay còn gọi là hiệu ứng flight to liquidity) - điều này về lâu dài sẽ làm giảm bớt nhu cầu nắm giữ đô la Mỹ.
Các gói bơm tiền của Fed đang kích thích giá vàng?
Vậy khi nhu cầu nắm giữ đô la Mỹ giảm dần và các gói bơm tiền của Fed vẫn tiếp diễn thì điều gì sẽ xảy ra với vàng? Dòng tiền sẽ chảy về đâu khi nguy cơ suy thoái ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết?
Giả sử như nguồn cung đô la Mỹ trở nên quá dư do hệ quả từ các chương trình nới lỏng của Fed, trong khi kinh tế chìm trong suy thoái, dịch bệnh tiếp tục làm tê liệt du lịch, thương mại và tiêu dùng thì có lẽ dòng tiền sẽ chảy sang các tài sản an toàn như vàng. Bởi lẽ trong viễn cảnh suy thoái, tiền giấy sẽ tràn ngập với lãi suất thấp và lạm phát thì vàng không có lạm phát sẽ được tìm đến như một hầm trú ẩn tối ưu.
Tuy nhiên, nó có thể không đi kèm với sự suy yếu của đô la Mỹ bất chấp Fed đưa quá nhiều tiền ra thị trường bởi đồng tiền này vẫn là một kênh trú ẩn an toàn với những đặc tính riêng biệt. Và có lẽ trong bối cảnh đó, thì vàng và đô la Mỹ sẽ cùng tăng.
Vàng đã từng chạm tới vùng này trong giai đoạn tăng nóng khi dịch bắt đầu bùng phát sau đó quay đầu giảm mạnh. Vàng đóng cửa ngày 13-3-2020 ở giá 1.713 đô la/ounce và xác nhận đã phá hoàn toàn vùng kháng cự và mô hình tam giác kể trên. Điều này cho thấy khía cạnh kỹ thuật đang củng cố cho một đà tăng mạnh của vàng ngay trong ngắn hạn.
Như vậy, khía cạnh kỹ thuật và cơ bản đều chỉ ra đà tăng giá vàng ngay trong ngắn hạn. Và giá vàng quốc tế tăng mạnh có thể thúc đẩy giá vàng trong nước tăng trở lại sau chuỗi ngày đi ngang kể từ đầu tháng 4 tới nay.
Ngược lại so với trong nước, giá vàng quốc tế đã tăng liên tiếp kể từ đầu tháng và độ chênh giữa giá vàng trên hai thị trường tiến sát nhau (trước đó giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế khá nhiều). Nếu thời gian tới giá vàng quốc tế tăng mạnh, đây sẽ là yếu tố mạnh đẩy giá vàng trong nước tăng theo và cũng không loại trừ viễn cảnh tiến sát với 50 triệu đồng/lượng.