Không tránh khỏi những thiệt hại do dịch Covid-19 nhưng Việt Nam được đánh giá cao trong việc linh hoạt ứng phó, dự phòng các phương án chuyển đổi để tìm ra cơ hội phục hồi sau dịch bệnh.
Tính toán để ứng phó
Theo một báo cáo phân tích của Deutsche Bank vừa công bố cho thấy, tác động của dịch bệnh do virus Corona bùng phát tại Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với dịch viêm phổi SARS hồi năm 2003 nhiều bởi quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã gấp 4 lần và độ kết nối cao hơn với phần còn lại của thế giới.
Báo cáo này cho rằng, vì dịch bệnh viêm phối cấp do virus Corona, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ thấp hơn 1,5% trong quý 1/2020, so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức 4,6%. Tăng trưởng GDP toàn cầu giảm khoảng 0,5%.
Châu Âu và Mỹ chịu ảnh hưởng thấp nhất với mức giảm ước tính của Deutsche Bank khoảng 0,2% mỗi khu vực. Châu Á và Nhật Bản chịu ảnh hưởng thấp hơn mức trung bình của toàn cầu và cách khá xa mức thiệt hại của Trung Quốc. Mức giảm tăng trưởng của các nước châu Á chỉ khoảng 0,4% trong quý 1/2020.
Tính trong cả năm 2020, theo các chuyên gia đến từ Oxford Economics, dịch bệnh tại Trung Quốc kéo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 từ mức 2,5% trong dự báo trước đó, xuống còn 2,3%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Deutsche Bank ước tính tác động của coronavirus lên kinh tế thế giới trong quý 1/2020.
Theo Bộ kế hoạch & Đầu tư, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 0,53% so với mục tiêu hoặc xấu hơn (nếu hết quý 2 mới dập được dịch nCoV) là 0,71%-1% xuống tương ứng còn 6,27% và 6,09%-5,96%.
Ảnh hưởng nhìn thấy rõ nhất chính là lượng khách từ Trung Quốc đi các nước trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua tụt giảm ở mức hai con số do nỗ lực kiềm chế dịch bệnh của chính quyền Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, sự ngưng trệ của các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc cũng khiến nhiều nước khác lao đao. Theo Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNTAD), hiện Trung Quốc là nhà xuất khẩu các thiết bị điện và điện tử lớn nhất thế giới, với giá trị gấp 5 lần của Đức và chiếm 30% xuất khẩu toàn cầu trong lĩnh vực này.
Trên FT, nhà kinh tế Ana Boata đến từ Allianz Research cho rằng, sự bùng nổ của coronavirus có thể khiến lĩnh vực sản xuất toàn cầu suy thoái trong nửa đầu 2020. Và ngành điện tử và máy tính chịu nhiều rủi ro nhất.
Nhà sản xuất Fiat Chrysler đang phải vật lộn vì thiếu nguồn cung thiết bị từ Trung Quốc và có thể phải giảm 50% công suất trong nhiều tuần. Hyundai của Hàn Quốc cũng phải đón các nhà máy ở phía Nam, trong khi Volkswagen đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc cho tới 17/2.
Nhiều nền kinh tế mới nổi tại châu Á gặp khó vì sự ngưng trệ các chuỗi cung ứng toàn cầu tại Trung Quốc. Có tới hơn 1/3 số hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc, Indonesia và Philippines đến từ Trung Quốc.
Theo FT Research, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, mức phụ thuộc của nền công nghiệp vào Trung Quốc thấp hơn mức trung bình của thế giới và thấp hơn nhiều so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nhật, Hong Kong, Mỹ, Ấn Độ, Canaca, Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, Pháp, Thái Lan,...
Nhật, Mỹ và Hong Kong phụ thuộc gần 50% vào phụ kiện cho các đồ điện và điện tử nhập từ Trung Quốc. Ấn Độ, Canada, Mexico và Hàn Quốc khoảng 40%. Việt Nam khoảng 38-39%, trong khi mức trung bình thế giới là trên 40%.
Trong khu vực ASEAN, theo một báo cáo của Maybank Kim Eng, Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực họ phụ thuộc lớn vào thương mại và du lịch Trung Quốc. Malaysia và Việt Nam sẽ bị tác động ít hơn, Indonesia và Philippines ít bị ảnh hưởng nhất.
Theo FT Research, mức phụ thuộc vào phụ kiện cho các đồ điện và điện tử nhập từ Trung Quốc của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới.
Cơ hội để các nước thay đổi
Sự lan rộng của virus Corona, hay chính xác hơn là nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, đã giáng một đòn đáng sợ lên nền kinh tế Trung Quốc và sẽ kéo chậm tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung, nhưng không phải ở tất cả các ngành.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của SSI Research, nhiều nhóm ngành tại Việt chịu ảnh hưởng, trong đó có du lịch, dệt may, bán lẻ,... Nhưng một số ngành không chịu ảnh hưởng từ virus corona, thậm chí sẽ tăng như ngành sữa.
Thương mại điện tử và nhu cầu chuyển phát nhanh dự kiến sẽ tăng mạnh khi mọi người hạn chế ra ngoài trong thời gian sắp tới. Ngành ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản công nghiệp... cũng được cho là không chịu ảnh hưởng từ dịch cúm.
Một số ngành được đánh giá là trung lập hoặc tích cực như: ô tô, bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm, dược phẩm, xây dựng, công nghệ thông tin, xi măng, nước...
Báo cáo của SSI đánh giá tác động của dịch bệnh do virus corona lên các ngành kinh tế của Việt Nam.
Còn theo chứng khoán BSC, không chỉ dược phẩm, ngành ô tô Việt Nam có thể hưởng lợi ngắn hạn trong đại dịch virus Corona.
Trong một báo cáo mới nhất, theo ngân hàng lớn nhất của Mỹ J.P. Morgan, TTCK Việt Nam gặp khó trong ngắn hạn, nhưng có lời trong dài hạn vì Covid-19. Nhiều cổ phiếu ngành hàng không, khách sạn, nông nghiệp, thương mại... giảm mạnh nhưng Chính phủ Việt Nam có thể giảm tác động bằng cán cân thanh toán và các gói kích thích kinh tế.
Một số phân tích khác cũng cho rằng, dịch bệnh sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế châu Á và nhiều khả năng tình hình sẽ được kiểm soát trong 6 tháng do tỷ lệ tử vong của Covid-19 thấp hơn SARS và chính phủ Trung Quốc cũng đã đang chia sẻ nhiều thông tin hơn. Và các nước châu Á nói chung vẫn chứng kiến sự phát triển về mặt cấu trúc, như sự tăng lên của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung được ký vào tháng 1 sẽ giúp giảm thiểu tác động xấu của coronavirus. Năm 2003, Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng GDP 10% cho dù vật lộn với SARS.
Sự lan rộng của virus Corona đã giáng một đòn đáng sợ lên nền kinh tế Trung Quốc
Cú sốc coronavirus cũng được xem là cơ hội để nhiều quốc gia thay đổi để phát triển. Dịch bệnh cũng có thể làm thay đổi nhiều xu hướng trong dài hạn như các thức mà người châu Á sẽ chăm sóc sức khỏe, hoặc là việc các nhà sản xuất sẽ đa dạng hóa sản xuất, tránh một sự gián đoạn về các chuỗi cung ứng.
Trên Nikkei, các chuyên gia cho rằng, ngành sản xuất châu Á có thể sẽ có những thay đổi bước ngoặt nếu các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc, lựa chọn không trở lại Trung Quốc sau cú sốc Covid-19.
Trước đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến nhiều các công ty đa quốc gia đã và tính chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc tìm kiếm địa điểm thay thế để mua linh kiện, phụ tùng. Xu hướng này sẽ mạnh lên sau coronavirus.
Việt Nam, Ấn Độ, Mexico,... là một trong các điểm đến được nhiều doanh nghiệp của Nhật, Hàn, Mỹ,... tính đến. Trong năm 2019, xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam cũng khá rõ ràng với sự bứt phá ngoạn mục của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản công nghiệp cho thuê đất đai. Để thoát khỏi biến cố Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn là nước có nhiều lợi thế. Việt Nam cũng luôn được đánh giá cao trong ứng phó với dịch bệnh và với sự linh hoạt và chủ động chuyển hướng các đánh giá đều tin rằng Việt Nam đang có 1 cơ hội thay đổi và phát triển.
Theo M. Hà / vietnamnet.vn