11 ngân hàng vừa được tăng room tín dụng, trong đó đơn vị được nới cao nhất lên đến 23,4% cả năm, tăng 6% so với chỉ tiêu được cấp trước đó.
Ngân hàng Nhà nước vừa cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quý IV cho các ngân hàng thương mại.
Trong đó, TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm nay, tăng thêm 6% so với mức 17,4% trước đó. 3 ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank 22,1%, MSB 22% và MB 21%.
Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng như VIB 19,1%, VPBank 17,1%, OCB 15%, ACB 13,1%. Trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước, room tín dụng được nới lên như Vietcombank 15%; VietinBank 12,5% và BIDV 12%.
Một vài ngân hàng được nới room tín dụng xác nhận về mức tăng trưởng như trên nhưng từ chối đưa ra các bình luận. "Ngân hàng không thông tin chủ động về việc nới room tín dụng", đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết.
"Đọc trên báo tôi mới biết room tín dụng của ngân hàng mình được lên từng đó. Ban lãnh đạo không chủ trương chia sẻ thông tin vấn đề này", đại diện truyền thông một ngân hàng vừa được nới room tín dụng lên trên 20% chia sẻ.
"Hạn mức tín dụng vừa được cấp không như kỳ vọng nên không có gì để nói đâu. Chúng tôi vẫn tuân thủ quy định cho vay đã đặt ra, bên cạnh nhóm khách hàng cũ, nhóm khách hàng ưu tiên, ngân hàng cũng sẽ tìm kiếm các khách hàng tiềm năng mới", lãnh đạo một ngân hàng nói.
Việc mở cửa trở lại những tháng vừa qua có thể giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay đạt 13% (Ảnh: Mạnh Quân).
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng năm nay, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng đã làm giảm nhu cầu tín dụng trong nửa sau của năm nay.
Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại những tháng vừa qua có thể giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay đạt 13%, cao hơn so với năm 2020 liền trước.
Với mức tăng trưởng này, dự kiến riêng quý IV, toàn ngành ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng 5,1%.
Theo BSC, mục tiêu tín dụng kể trên được hỗ trợ bởi việc Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quý IV cho các ngân hàng.
Trong đó, nhiều ngân hàng thương mại đã được cơ quan quản lý tiền tệ cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong những tháng cuối năm. Điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng thời gian tới trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng sau 9 tháng đầu năm.
Suốt từ đầu 2020 đến nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp lớn là hai nhóm khách hàng bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh quay trở lại. Trong khi, hai nhóm khách hàng này đóng góp ở mức trung bình 75 - 80% cơ cấu cho vay của toàn ngành. Ở quý 3/2021, trong khi tốc độ cho vay cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, cho vay SME và doanh nghiệp lớn đều chậm lại do giãn cách kéo dài khiến gián đoạn sản xuất kinh doanh.
"Do đó, chúng tôi kỳ vọng việc mở cửa trở lại toàn quốc từ đầu quý IV sẽ giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động", nhóm nghiên cứu tại BSC nhận định.
Đánh giá về việc các ngân hàng được nới room tín dụng, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trong 3 quý đầu năm nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp.
Trong đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại không chịu tác động bởi dịch Covid-14 lần thứ 4. Về khía cạnh tăng trưởng cho vay, với việc tốc độ triển khai tiêm vaccine diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, do vậy nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.
Số liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến ngày 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Riêng khu vực Hà Nội, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 9 và tăng 10,4% so với đầu năm.
Trong khi tính đến hết quý IV, tăng trưởng tín dụng nhóm các ngân hàng niêm yết đạt 7,7%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (ngoại trừ Agribank) tăng trưởng khá tốt, đạt 7,8% và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng tích cực hơn, đạt 8,8%.
Đặc biệt, một số ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm Techcombank, TPBank, VIB, MB và MSB. Theo đó, tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiệp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, MB và TPBank.
Có thể nói, mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng tại các ngân hàng đã tiệm cận với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp mới trong quý IV. Do vậy việc nới room là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay cho các nhà băng có thêm tiềm lực để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng...