Những cốc trà sữa trân châu đường đen từng là món đồ uống của giới trẻ với những dòng người xếp hàng chờ mua. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi.
Trân châu đường đen hết ngọt
Đầu tháng 8, Ten Ren, một thương hiệu trà sữa đã chính thức ngừng kinh doanh. “Chúng tôi nhận thấy mô hình kinh doanh hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng. Với kết quả chưa đạt như kỳ vọng, chúng tôi sẽ ngừng kinh doanh chuỗi cửa hàng Ten Ren và hoạch định lại chiến lược phù hợp cho lĩnh vực này", thông báo của đơn vị quản lý cho biết.
Ten Ren được mang về Việt Nam năm 2017, khi cơn sốt kinh doanh trà sữa lên cao. Thương hiệu trà sữa có nguồn gốc từ Đài Loan và được The Coffee House mua nhượng quyền để kinh doanh.
Đơn vị này từng tham vọng sẽ đổ khoảng 100 tỷ đồng để đạt mục tiêu có 30 đến 40 cửa hàng trong năm 2018. Họ cũng từng kỳ vọng trong năm 2018 sẽ tìm cho mình được công thức thành công nhằm chinh phục khách hàng, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh từ năm 2019 về sau, trở thành thương hiệu trà - trà sữa được yêu thích nhất Việt Nam.
Thực tế là đến hết năm 2018, Ten Ren có đúng 23 cửa hàng. Từ đó đến nay, họ không khai trương thêm bất cứ cửa hàng nào nữa mà tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh kinh doanh.
Cùng với Ten Ren, nhiều thương hiệu trà sữa khác cũng dần đóng cửa sau khi kinh doanh nhượng quyền và thị trường ít ghi nhận sự góp mặt của những tên tuổi mới. “Trà sữa sắp hết thời rồi” được nhắc đi nhắc lại suốt 5 năm nay.
Một số báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) nhận định thị trường trà sữa tại Việt Nam sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới và dự đoán sẽ chỉ duy trì ở mức tăng trưởng tự nhiên 5,7%/năm. Tức là tốc độ tăng trưởng chỉ còn 1/4 so với giai đoạn đỉnh điểm.
Còn nhớ cách đây vài năm, thị trường chứng kiến hàng trăm chuỗi trà sữa ra đời, từ các thương hiệu ngoài nước đến nội địa. Theo một nghiên cứu thị trường đồ uống thực hiện năm 2018, bên cạnh trà sữa xếp thứ hai trong số những đồ uống được ưa thích nhất tại thị trường Việt Nam, sau đồ uống đá xay và xếp trên cả cà phê.
Từ các chuỗi trà sữa lớn như Bobapop, Dingtea, TocoToco, Royaltea,... cho đến các chuỗi trà sữa mới nổi như LeeTee, Alley,... đều liên tục mở thêm hàng chục, hàng trăm cơ sở trên cả nước mỗi năm.
Kể sơ sơ, chỉ tính riêng phố Chùa Láng (Hà Nội), có ít nhất chục quán trà sữa thuộc đủ các thương hiệu nổi tiếng khác nhau: Chago, Bobapop, Dingtea, Yu Tang, Hefkcha, Super Tiger, Xing Cha, RoyalTea,...
Chuỗi cửa hàng đều nằm ở vị trí đẹp, giao thông thuận lơi, không gian bên trong thiết kế gần gũi với giới trẻ, sản phẩm được chú ý đầu tư không chỉ chất lượng mà còn ở hộp đựng, tem nhãn.
Hết trào lưu
Đại diện hãng trà sữa trên chia sẻ: “Sau gần 2 năm, chúng tôi vẫn chưa tìm ra được mô hình kinh doanh đúng khi thói quen tiêu dùng của người dùng Việt liên tục thay đổi”.
“Doanh thu không hề bết bát như mọi người tưởng, mà luôn dao động giữa lời và lỗ. Việc Ten Ren dừng lại đơn giản vì chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra mô hình kinh doanh đúng để có thể scale-up (mở rộng) nó thành công như đã làm. Tuy nhiên, không loại trừ chúng tôi sẽ trở lại ngành hàng này một ngày nào đó", ông cho biết.
Trà sữa hết vị ngọt
Nhìn vào thị trường cho thấy, nhóm các thương hiệu trà sữa nhượng quyền từ Đài Loan hay Trung Quốc đang gặp phải khó khăn lớn từ chi phí nhượng quyền và điều kiện kinh doanh chặt chẽ. Những thương hiệu này chỉ loanh quanh khoảng 50 cửa hàng trên toàn quốc. Trong khi đó, nhóm chiếm thị phần khoảng 20 cửa hàng trên toàn quốc mặc dù có nhiều thương hiệu tên tuổi nhưng vẫn không bứt phá được trong việc mở rộng chuỗi.
Mặt bằng vẫn là gánh nặng đối với các cửa hàng trà sữa. Bài toán mặt bằng chưa bao giờ là dễ dàng trong ngành F&B. Phúc Long, một ông lớn có tên tuổi từng phải đóng 2 cửa hàng đắc địa ở TP.HCM mới đây.
Chưa kể, phí nhượng quyền của các thương hiệu trà sữa hiện nay không nhỏ. Nếu thương hiệu nhỏ trong nước có giá chuyển nhượng từ 300-500 triệu đồng; các thương hiệu lớn mang tính khu vực có giá đến... 5 tỷ đồng.
Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi nhiều “ông lớn” khác trong ngành ăn uống như KFC và các nhà hàng Thái, Nhật... cũng đưa món trà sữa vào menu trên toàn hệ thống và món này xuất hiện ở nhiều kênh từ trung tâm thương mại, siêu thị, khu ẩm thực, đến cửa hàng riêng lẻ bên ngoài. Không chỉ vậy, ngay bản thân các thương hiệu trà sữa cũng tự làm mất giá khi dính phốt về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, sự bùng nổ của dịch vụ giao thức ăn nhanh như GrabFood, Go-Food dẫn tới việc nhiều khách hàng chuyển từ đến quán uống trà sữa sang đặt hàng về nhà... cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của các cửa hàng trà sữa.
Sự ra đời nhiều món mới cùng với thị hiếu luôn thay đổi của giới trẻ đang làm cho trà sữa gặp nhiều khó khăn. Thị trường chắc chắn sẽ còn nhiều người rời bỏ cuộc chơi.
Theo Duy Anh / vietnamnet