Chính phủ đã ban hành giá điện ưu đãi mới để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, với quy định thời gian được hưởng giá ưu đãi quá ngắn, trong khi tình hình thực tế đang đối diện với nhiều khó khăn, liệu các tổ chức, cá nhân có tận dụng kịp những ưu đãi được đưa ra?
Điện mặt trời được lắp đặt ở chợ Buôn Ma Thuột với công suất 438 kWp. Ảnh: Lê Minh
“Chạy đua” hưởng ưu đãi
Ngày 6-4-2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 22-5-2020. Quyết định mới này thay thế cho Quyết định 11/2017/QĐ-TT ngày 11-4-2017 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 30-6-2019.
Theo đó, giá mua điện đối với điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời áp mái đều thấp hơn so với mức giá ưu đãi cũ (tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg là 9,35 cent/kWh), tuy nhiên, mức giá mới vẫn khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cụ thể, giá mua điện mới được áp dụng với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh (tương đương 7,69 cent/kWh); giá mua điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh (tương đương 7,09 cent/kWh) và giá mua điện mặt trời trên mái nhà là 1.943 đồng/kWh (tương đương 8,38 cent/kWh). Quyết định 13 quy định: mức giá ưu đãi được áp dụng trong 20 năm, kể từ ngày vận hành thương mại/vận hành phát điện.
Đối với dự án điện mặt trời nối lưới, các dự án có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1-7-2019 đến hết ngày 31-12-2020, thì dự án hoặc một phần dự án sẽ được áp dụng biểu giá ưu đãi mới theo Quyết định 13.
Còn với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, để được hưởng giá ưu đãi như nêu trên, thì hệ thống phải có thời điểm đưa vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1-7-2019 đến ngày 31-12-2020.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, Quyết định 13 chỉ mới được ban hành vào ngày 6-4-2020 (sau khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực cách đó gần một năm) và chính thức có hiệu lực từ ngày 22-5-2020, trong khi để được hưởng giá ưu đãi, dự án phải đưa vào vận hành trước ngày 31-12-2020. Điều này có nghĩa, thời gian dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư để được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 13 là quá ngắn. Nói cách khác muốn được ưu đãi phải “chạy đua” với thời gian!
Liệu có tận dụng được?
Để hoàn thành một dự án năng lượng mặt trời phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện dự án. Như vậy, liệu các tổ chức, cá nhân có tận dụng được những ưu đãi của Quyết định 13 hay không?
Liên quan vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến bàn về Quyết định 13 diễn ra mới đây, theo ông Đào Du Dương, Chủ tịch HĐQT Bảo Long Solar Energy Group, Phó trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TPHCM, cho biết có không ít lập luận cho rằng nhiều dự án đã được chuẩn bị sẵn trước đó (tức có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019 như đã nêu) nên quy định này là khả thi. “Nhưng các dự án như vậy là không nhiều”. Ông Dương cũng cho biết một thực tế là kể cả khi doanh nghiệp đã có sẵn đất cho dự án thì việc đấu nối đường dây vào lưới, có liên quan nhiều hộ dân cần giải tỏa, là cả vấn đề! “Thực tế tại dự án tôi làm, người dân đã hai lần biểu tình phản đối việc thu đất”, ông nói và cho rằng việc đề ra thời hạn để được hưởng ưu đãi của Quyết định 13 là bất cập.
Từ những bất cập nêu trên, ông chủ của Bảo Long Solar Energy Group đề nghị nên kéo dài chính sách cho hưởng ưu đãi về giá điện mặt trời trong Quyết định 13 đến ngày 31-12-2021. “Đồng thời, cần có chính sách lâu dài hơn, thời hạn rõ ràng hơn cho việc phát triển điện mặt trời. Đặc biệt, trước khi hết thời hạn được hưởng ưu đãi (ví dụ đến 31-12-2021) thì trước đó sáu tháng phải xây dựng cơ chế ưu đãi mới, chứ không lặp lại tình trạng như Quyết định 11 đã hết hiệu lực ngày 30-6-2019 mà mãi tới gần một năm sau mới có Quyết định 13 thay thế”, ông Dương đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), cho rằng cần kéo dài thời gian ưu đãi giá điện trong Quyết định 13 ít nhất đến ngày 31-12-2021. “Trường hợp không kéo dài thì ngay bây giờ phải ban hành chính sách giá ưu đãi sau năm 2020”. Theo bà Khanh, các chính sách phải được chuẩn bị liên tục và ban hành rõ ràng, kịp lúc thì mới tạo được điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường.