Đầu tư từ Trung Quốc vào VN trong khoảng 10 năm trở lại đây đang ngày một lớn và đã đạt con số 10 tỷ USD, tuy nhiên nếu nhìn thực chất của các dự án đầu tư gần đây thì thấy rằng, rất nhiều dự án đầu tư không những gây ô nhiễm môi trường mà còn gây ra những xáo trộn cho các DN VN, mà câu chuyện ngành gỗ là một ví dụ.
Các DN gỗ trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với các DN gỗ của Trung Quốc đầu tư mạnh nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan theo lộ trình các FTA. Ảnh: Quốc Tuấn
Bình Định là một trong ba trung tâm chế biến gỗ XK hàng đầu cả nước, mỗi năm chỉ riêng ngành này đã mang về kim ngạch khoảng 300 triệu USD, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch toàn tỉnh. Thế mạnh của gỗ Bình Định là đồ gỗ ngoài trời, riêng trong lĩnh vực này Bình Định là số 1. Nhiều năm nay, đồ gỗ của Bình Định có mặt ở hầu hết các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thị phần ngày càng teo tóp
Nếu ví năm 2015 là một năm đầy năng lượng cho ngành gỗ của Bình Định thì kể từ năm 2016, tình hình lại trở lên u ám hơn bởi đơn hàng ngày càng sụt giảm do nhu cầu thị trường đi xuống. Còn ở trong nước, các DN gỗ tỉnh này đang phải cạnh tranh khốc liệt với các DN gỗ của Trung Quốc đầu tư mạnh nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan theo lộ trình các FTA. Không chỉ thế, các DN Trung Quốc sẽ thu hút được lao động lành nghề và đẩy giá nguyên liệu lên cao.
Gần đây, ông Đỗ Xuân Lập -Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định đại diện cho các DN gỗ tỉnh này đã kêu gọi tỉnh không tiếp tục khuyến khích hoặc cấp đất cho các DN Trung Quốc đầu tư trong ngành gỗ.
Đem câu chuyện này trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), ông Quyền cho biết, Hiệp hội vừa có chuyến thị sát các DN ngành gỗ ở một số tỉnh phía Nam và thừa nhận có tình trạng trên. Ông cho biết trong số hơn 500 DN FDI trong ngành gỗ thì có tới 1/3 là các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan.
“Lý do quan trọng khiến các DN Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào ngành gỗ là hiện nay sản phẩm gỗ của Trung Quốc XK vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá rất cao nên đầu tư vào VN là bước tính khôn ngoan của các DN Trung Quốc nhằm hưởng lợi từ việc miễn thuế từ các FTA, nhất là TPP”- ông Quyền nhìn nhận.
Nguy cơ gian lận thương mại
Nhưng điều mà ông Quyền cũng như nhiều DN gỗ khác lo lắng hơn cả lại là khả năng gian lận thương mại và lẩn trốn thuế của các DN gỗ Trung Quốc. Đó là khi đầu tư sản xuất đồ gỗ ở VN, các DN Trung Quốc sẽ nhập khẩu nguyên liệu gỗ, thậm chí là một số đã là bán thành phẩm từ Trung Quốc, chuyển sang VN chỉ còn lại công đoạn lắp ghép và sơn rồi lấy chứng nhận xuất xứ (C/O) VN để xuất khẩu.
Năm 2015 cũng đã từng có các vụ điều tra lẩn trốn thuế và chống bán phá giá của các nước Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… với mặt hàng gỗ tấm MDF và gỗ dán của VN. Các nước này cho rằng các DN gỗ Trung Quốc đã chuyển gỗ bán thành phẩm vào VN lắp ghép rồi gắn nhãn xuất xứ VN để tránh thuế.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, Hiệp hội đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hạn chế đón nhận đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc bởi các sản phẩm gỗ của Trung Quốc hiện đang bị các nước, nhất là Mỹ, EU áp thuế chống bán phá giá rất cao. Việc các sản phẩm tiếng là của VN nhưng do các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư sản xuất sẽ nguy cơ bị các thị trường này “soi” khả năng lẩn trốn thuế chống bán phá giá, gây bất lợi cho ngành gỗ VN.
Rõ ràng, kim ngạch XK ngành gỗ Việt hoàn toàn có thể đạt được con số 10 – 20 tỉ USD, nhưng số tiền này các DN trong nước sẽ đóng góp được bao nhiêu mới là câu chuyện đáng bàn.
Quốc Anh / DĐDN