“Nạn tiêm tạp chất, bơm tôm chỉ diễn ra ở một số địa phương nhưng nếu không sớm ngăn chặn triệt để sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chung của cả nước”, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) bày tỏ lo ngại.
Bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,08 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm là mặt hàng thủy sản tăng trưởng mạnh với tổng lượng xuất khẩu đạt 1,35 USD, tăng 5,9%. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng cao do hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực. Các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Thị trường Trung Quốc nhập khẩu 16% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Duy chỉ có thị trường Nhật Bản lượng tôm giảm 9% do nhiều nước xuất khẩu cạnh tranh nên giảm giá. Vasep nhận định, thời gian qua thủy sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì kinh tế các nước chưa phục hồi rõ nét, nhu cầu nhập khẩu giảm, nhiều đối thủ cạnh tranh khác xuất hiện. Tuy nhiên, đối với sản phẩm chế biến đáp ứng đúng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Riêng mặt hàng tôm sẽ tăng trưởng trong thời gian tới nhưng không đáng kể.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia trong ngành, vấn đề bất cập nhất hiện nay ảnh hưởng đến thị trường hoạt động xuất khẩu tôm chính là chất lượng không đáp ứng thị trường. Tình trạng tôm bẩn đang trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”. Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam từng than phiền về vấn nạn tôm bẩn đang có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu khó tính. Theo vị này, 90% tôm mua ở các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh và bị bơm chích agar. Nhằm đảm bảo chất lượng mặt hàng tôm xuất khẩu Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam phải chuyển vùng cung cấp nguyên liệu.
Giới kinh doanh cho rằng, nhiễm khuẩn là do nước đá, dụng cụ phục vụ cho hoạt động sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, “tôm bẩn” tồn tại vì cá nhân, doanh nghiệp tham lợi nhuận tự ý bơm tạp chất. “Muốn giải quyết vấn nạn này rất cần sự phối kết hợp của lực lượng quản lý thị trường cùng các bộ phận, đơn vị quản lý khác kiểm tra tận gốc và dẹp bỏ sớm”- ông Trương Đình Hòe kiến nghị. Song song với giải pháp ngăn chặn tình trạng “tôm bẩn”, Vasep yêu cầu sớm xây dựng chương trình tôm sạch. Bởi vì đây là chương trình thiết thực, cấp bách nếu Việt Nam chứng minh được tôm sạch chắc chắn nhu cầu thị trường khó tính cũng như thị trường truyền thống sẽ tăng trưởng nhanh.
Trước thông tin “tôm bẩn” có nguy cơ gây khó cho thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tìm ra giải pháp tháp gỡ cho doanh nghiệp. “Chương trình tôm sạch cần có hướng tiếp cận bền vững vì nếu không đảm bảo quy chuẩn sản xuất sạch sẽ không đủ tiêu chuẩn tiếp cận thị trường thế giới. Trong đó có nhiều thị trường tiềm năng sắp mở ra khi hiệp định thương mại song phương và đa phương có hiệu lực”, ông Trần Tuấn Anh nêu quan điểm. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, phải có sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm bảo quy trình nuôi trồng đến chế biến sạch. Dự kiến sẽ đưa ra quy chế phối hợp với giữa các Bộ liên quan cùng hiệp hội cùng thực hiện một cách tốt nhất.
Theo Đại đoàn kết