Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã mạnh tay hành động chống thực phẩm bẩn, nhưng kết quả còn hạn chế. Nhiều sản phẩm tới tay người tiêu dùng còn chưa đảm bảo, nhiều sự cố an toàn thực phẩm xảy ra gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Theo kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016 được ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) công bố, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%; mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%.
"Theo đó, các mặt hàng thủy sản hiện đang là loại thực phẩm chứa nhiều chất cấm, hóa chất, kháng sinh nhất", ông Tiệp cho biết.
Trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, Cục Thú y đã tổ chức khảo sát trực tiếp tình hình sử dụng kháng sinh tại các hộ nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy tỷ lệ cơ sở, hộ nuôi cá tra và nuôi tôm có sử dụng kháng sinh khá cao. Trong 139 hộ nuôi cá tra thương phẩm tại Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang có tới gần 83% hộ sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, trong các loại kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh được sử dụng rộng rãi có cả những loại cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng trong thủy sản như: Amoxicillin, Ampi, Colistin, Cephalosporin, Doxycycline, Enrofloxacin, Sunfa, Tetracyclin...
Tương tự, kiểm tra 139 cơ sở sản xuất cá giống tại 3 địa phương này, cơ quan chức năng phát hiện có gần 76% cơ sở sử dụng kháng sinh, trong đó có nhiều loại kháng sinh cấm sử dụng.
Từ số liệu trên có thể thấy rằng các loại kháng sinh này đã được sử dụng tràn lan trong nuôi trồng thủy sản. Sự lạm dụng này đang dần làm suy yếu thương hiệu thủy sản Việt Nam được thị trường thế giới công nhận bấy lâu nay. Minh chứng cho điều này là hàng loạt lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị nhiều thị trường trả về với lý do có lượng tồn dư kháng sinh vượt mức cho phép.
Theo ông Tiệp, dù số lượng các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo và trả về trong thời gian qua đã giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức báo động, với 31 lô hàng trong quý I bị nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép và buộc phải trả về.
"Tuy nhiên, người dân không biết những lô hàng bị trả về này đã được sử dụng vào mục đích gì, có được các doanh nghiệp tuồn vào thị trường nội địa để tiêu thụ, đầu độc chính người tiêu dùng Việt Nam hay không?", ông Tiệp lo ngại nói.
Từ đó, ông Tiệp cho rằng khung pháp lý và chính sách quản lý an toàn thực phẩm phải đạt được mức cơ bản đầy đủ, hài hòa với quy chuẩn, thông lệ quốc tế và áp dụng thống nhất toàn quốc. Các thành tố quan trọng trong quản lý an toàn thực phẩm gồm quản lý dựa trên nguy cơ, kiểm soát nguy cơ an toàn thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn; quy định, quy trình giám sát, kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm phải dựa trên cơ sở khoa học, hài hòa với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Ông Tiệp cũng cho rằng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trước tiên thuộc về cơ sở sản xuất kinh doanh và cơ quan chức năng cần tăng cường minh bạch khi công khai luật, quy định, kết quả thanh tra, kiểm tra đồng thời truy xuất, điều tra và xử lý nghiêm sự cố, vi phạm an toàn thực phẩm.
Tuyết Nhung / motthegioi.vn