Việt Nam đã có những bước tiến dài trong việc phát triển lĩnh vực logistics nhưng để nâng cao hiệu quả của ngành, phần nhiều phụ thuộc vào vai trò chỉ đạo của nhà nước. Bài viết này tập trung vào vai trò của nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng chính sách, điều tiết các hoạt động giao nhận, kho vận tạo tiền đề cho dịch vụ logistics phát triển.
Dịch vụ Logistics mang tính đòn bẩy
Sau 30 năm đổi mới, VN có mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 6,9%. Thu nhập đầu người vượt ngưỡng 2.000 USD/người, tăng hơn 14 lần. Tuy nhiên, động lực của tăng trưởng như nguồn nhân công giá rẻ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp tự cung tự cấp sang dịch vụ, công nghiệp đang dần mất đi và cũng sẽ không thể tiếp tục kéo dài trong giai đoạn mới. Để tạo động lực tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới, VN phải tìm và áp dụng những “đòn bẩy” mới.
Năng lực dịch vụ logistics là yếu tố cạnh tranh mang tính “đòn bẩy” mới, quan trọng nhất trong giai đoạn này. Đây cũng yếu tố thúc đẩy tăng trưởng dài hạn của VN nếu xét về tầm nhìn chiến lược cho nền kinh tế cũng như các đòi hỏi ngắn hạn về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lấy xuất khẩu làm đầu tàu.
Mặc dù chỉ số năng lực logistics (LPI) của VN năm 2014 đứng thứ 48/160 quốc gia, đưa VN đứng trong nhóm 30% các quốc gia đứng đầu về năng lực logistics nói chung, nhưng nếu so sánh với những nước có cùng mức độ lệ thuộc vào thương mại (tức là có tỉ lệ thương mại hàng hóa trên GDP từ 115% trở lên) và có đặc điểm địa lý, kinh tế tương đồng thì VN chỉ đứng cuối cùng trong nhóm này.
Năm 2009, VN đưa vào hoạt động cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép-Thị Vải nhằm thúc đẩy giao thương quốc tế, đi và đến các trung tâm XNK vùng Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cảng biển Cái Mép -Thị Vải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của VN nhờ lần đầu tiên trong lịch sử cho phép kết nối thẳng với các khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu mà không cần chuyển tải ở các đầu mối khu vực như Singapore hay Hồng Kông. Ngoài ra, với khoảng 2.000km hệ thống đường cao tốc tiêu chuẩn quốc tế ngày một phát triển, tăng cường sự kết nối giữa các vùng đến cuối năm 2020 đã giảm thời gian, chi phí cho các chuỗi cung ứng, tăng mạnh độ tin cậy của các hoạt động logistics cả chiều đi và đến, kết nối các đô thị với cảng biển cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải.
Vai trò của Nhà nước trong phát triển logistics
Theo kinh nghiệm của các nước có dịch vụ logictics phát triển như Mỹ, Singapore và các nước trên thế giới thì không có một thị trường dịch vụ logistics chất lượng cao nào có thể phát triển được nếu không có vai trò chủ động điều tiết của Nhà nước, cũng như không thể nếu không có sự đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân - đối tượng căn bản của phần lớn các chức năng quy hoạch, điều tiết, xây dựng chính sách.
Trong thời gian qua, VN cũng đã áp dụng nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào quy trình hoạch định, điều tiết, xây dựng chính sách, thông qua một loạt các phương thức với những mức độ thành công khác nhau.
Về thể chế chính sách Chính phủ đã thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, lấy kinh phí từ tiền đăng ký phương tiện, nhằm nâng cao chất lượng đường xá trong mạng lưới với các hoạt động đầu tư duy tu đường bộ phù hợp, rõ ràng, minh bạch; phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông kết nối; kiểm soát khá thành công tải trọng phương tiện giao thông. Năm 2014, bắt đầu áp dụng hệ thống thông quan điện tử chính thức có tên gọi VNACCS/VCIS (Hệ thống thông quan hàng hóa tự động và Hệ thống thông tin hải quan VN) thay cho hệ thống thông quan giấy tờ thiếu thống nhất, dễ gây ách tắc và thường xuyên tạo kẽ hở cho các hành vi tham nhũng, hối lộ trước đây… Những cải cách này đã giúp VN đạt được vị thế của một nước thu nhập trung bình thấp có mức xếp hạng LPI thuộc nhóm cao thế giới.
Về tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước Việc phân công đầu mối chủ trì chưa rõ ràng giữa Bộ GTVT hay Bộ Công Thương nên hình thành cơ chế phối hợp ở trung ương, địa phương. Bộ GTVT quản lý phần lớn quy trình hoạch định, xây dựng chính sách về vận tải, kho vận trong chuỗi cung ứng. VN nên xây dựng cơ chế phối hợp dưới sự chủ trì của Bộ GTVT nắm giữ vai trò cơ quan chủ trì đầu mối trong mô hình đa ngành này, hoặc có thể luân phiên chủ trì giữa các bộ ngành tham gia. Để hoàn thành chức năng nhiệm vụ, các bộ, ngành trong quản lý nhà nước đối với dịch vụ logistics cần làm tốt 3 chức năng sau:
- Quy hoạch, bố trí ngân sách, chi đầu tư cơ bản cho cơ sở hạ tầng công cộng (và hợp tác công-tư) như đường xá, cầu, cảng, sân bay, đường thủy.
- Hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích dịch vụ logistics phát triển thông qua quy định an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý hàng hóa, an toàn kho bãi, an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường, lao động, điều kiện kinh doanh cấp giấy phép/chứng chỉ, định giá, công bố thông tin và công tác thống kê.
- Xây dựng, thực hiện các chính sách, quy trình nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh thương mại: bao gồm những công việc như lập kế hoạch chiến lược toàn ngành, thu thập, phổ biến số liệu ngành, giám sát, đánh giá năng lực DN, các chương trình tín dụng, chương trình tập huấn, chương trình cấp chứng nhận doanh nghiệp.
Kiến nghị và Giải pháp
Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm riêng của VN trong quá trình triển khai trước đây, cũng như để phù hợp với đặc thù, điều kiện thể chế trong nước, VN cần xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện những vấn đề sau đây:
- Kiến nghị thành lập Ủy ban điều phối logistics quốc gia, xây dựng mô hình hợp tác chặt chẽ với các Hiệp hội, DN tư nhân ở cấp trung ương để tạo nền tảng cơ bản cho việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với phát triển dịch vụ logistics.
- Kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan trung ương duy nhất chủ trì, là đầu mối chính thức của chính phủ thường trực giải quyết các nội dung liên quan, bảo đảm hoạt động thường trực của Ủy ban, các Bộ, Ngành khác như: Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính tham gia với tư cách là thành viên. Các cơ quan này sẽ tập trung thảo luận từng vấn đề cụ thể, bảo đảm khả năng xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến mọi lĩnh vực trong quy trình hoạch định, xây dựng chính sách.
ThS. Trịnh Thế Cường