“Phát triển hệ thống logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không đơn thuần là bài toán giảm chi phí mà còn hướng đến đa lợi ích góp phần thúc đẩy phát triển cho cả vùng”, đó là kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị “Thu hút đầu tư kinh doanh logistics vùng ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ.
Tân cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhập tàu trọng tải 20.000 tấn.
Đầu tư cho vận tải thủy quá thấp
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong những năm qua tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng đường thủy nội địa chỉ chiếm hơn 2% và đường biển chỉ chiếm 3,5%, như vậy tổng mức đầu tư cho hạ tầng giao thông đường thủy chỉ chiếm khoảng 5,7% trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Sự mất cân đối trong đầu tư đã làm cho hệ thống giao thông đường thủy còn rất nhiều hạn chế. Luồng tuyến giao thông thủy tuy dày đặc nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu.
Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải qua kênh Chợ Gạo nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Kênh Chợ Gạo suốt thời gian vừa qua đã trở thành một điểm ùn tắc thường xuyên trong vận tải đường thủy trong vùng do lưu lượng giao thông tăng. Ùn tắc không những làm tăng chi phí kho vận cho các chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong vùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. Đến nay, mặc dù đã được hoàn thành nâng cấp mở rộng giai đoạn I nhưng vẫn cần tiếp tục nâng cấp giai đoạn II mới đáp ứng được yêu cầu.
Việc thiếu hệ thống báo hiệu hay công nghệ định vị hỗ trợ vận tải thủy vào ban đêm. Số cảng, bến thủy nội địa tuy nhiều nhưng phần lớn trang thiết bị bốc xếp hàng hóa chưa được đầu tư hiện đại hóa, hoặc đã được hiện đại hóa nhưng chưa đồng bộ nên năng lực bốc dỡ hàng hóa thấp; nhiều bến cảng thiếu đường bộ kết nối.
Bên cạnh đó, việc thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hải tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long mạnh dạn đầu tư phát triển để tăng cường khả năng kết nối trong vận tải đường thủy nội địa…
Chưa có các tuyến vận tải ven biển để giảm tải cho đường bộ, đồng thời tăng năng lực thu gom, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các cảng biển lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT: Ngoài những yếu kém trên còn phải nói đến tình trạng đầu tư không đồng bộ, hệ quả của nó là trên các tuyến giao thông thủy đang tồn tại đến 286 cây cầu tĩnh không không đáp ứng cho tàu trọng tải lớn ra vào, đây cũng là một hạn chế như đang bị “ngăn sông, cấm chợ”. Do hạn chế về năng lực cảng biển, hơn 70% hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ cự ly từ 100 - 300 km để thông qua hệ thống cảng TP.HCM và Đông Nam Bộ, thời gian vận chuyển mất từ 4 - 8 giờ với chi phí tăng thêm khoảng từ 1 - 3 USD/tấn, gây áp lực quá tải cho đường bộ.
Logistics hứa hẹn sẽ sôi động
Sự kiện con tàu Pioneer V1631S có chiều dài hơn 118 m, sức chở 610 TEU, tổng trọng tải hơn 7.000 tấn của Công ty Cổ phần Vận Tải Biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping), thành viên của Tân Cảng Sài Gòn lần đầu tiên cập Tân Cảng Cái Cui là một bước ngoặc trọng đại của ngành hàng hải trong khu vực, đó là sự chờ đợi gần nữa thế kỷ qua của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn: nếu vận chuyển bằng đường thủy từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về hệ thống cảng ở TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu thì chi phí giảm từ 1-3 USD/tấn so với đường bộ. Với sản lượng bốc xếp vận chuyển hóa của Công ty trong năm 2016 cho cả vùng đạt 50.000 TEU thì đã góp phần tiết kiệm cho cả vùng hàng tỷ USD do giảm được chi phí vận chuyển. |
Với bờ biển dài hơn 700 km, hệ thống sông, kênh dài 28.000 km, trong đó hơn 13.000 km có khả năng khai thác vận tải, chiếm 70% chiều dài đường sông của cả nước. Tuyến sông Hậu, sông Tiền kết nối liên thông với Campuchia nên rất có tiềm năng để kết nối với cả khu vực Asean.
Theo Bộ Công Thương dự báo lượng hàng qua các cảng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến 2030 là rất lớn, đến 2020 sẽ vào khoảng 25 - 28 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 11,5 - 14,0 triệu tấn/năm); đến năm 2030 là từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 21,7 - 26,2 triệu tấn/năm). Số liệu này cho thấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư phát triển hoạt động logistics, cả về cơ sở hạ tầng logistics cũng như phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics để phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển lưu thông, phân phối hàng hóa trong vùng và liên vùng, phụ phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu.
Là vùng xuất khẩu nông sản chủ lực của cà nước nên các địa phương cũng đề xuất sớm triển khai 2 Trung tâm logistics loại II theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cho cà vùng. Đồng thời cũng sớm nghiên cứu khả năng đầu tư xây dựng (nếu khả thi về kinh tế kỹ thuật) các cảng tại ngoài khơi vùng biển cửa sông Hậu thuộc huyện Duyên Hải - Trà Vinh, cửa Trần Đề - Sóc Trăng, Gành Hào - Bạc Liêu, Hòn Khoai - Cà Mau…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Chi phí cho logistics ở các nước phát triển chiếm 10 - 13% GDP và các nước đang phát triển là 15 - 25% GDP, nên nếu tiết kiệm tối đa chi phí cho logistics sẽ góp phần rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Với Việt Nam khi chi phí Logistics đang ở mức cao 20 - 25% GDP thì việc tiết kiệm chi phí này một cách hiệu quả càng có ý nghĩa và có lợi ích trên nhiếu mặt.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần xem xét toàn diện các vấn đề liên quan tới hệ thống logistics, đề xuất chính sách huy động các nguồn lực để phát triển lĩnh vực này cũng như có hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư vào lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai đơn vị là Cảng Cái Cui (thuộc Vinalines) và Tân Cảng Cái Cui (thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) phải sớm nghiên cứu liên kết để cùng nhau hoạt động có hiệu quả vì mục tiêu chung. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Vinalines trong khi Cảng Cái Cui còn chưa khai thác có hiệu quả thì lại đề xuất đầu tư tiếp một cảng khác gần đó thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang thì có cần thiết không? Hay như tại KCN Hậu Giang cách TP.Cần Thơ không xa đã có kho trữ, bảo quản Trung tâm logistics Mekong đang hoạt động tốt, thì liệu Cần Thơ có nhất thiết phải đầu tư thêm kho trữ nữa không?...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Vinalines và Tập đoàn quốc tế Năm Sao
Cũng nhân dịp này đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ phát triển logistics tại khu vực.
Đại diện Vinalines và Tập đoàn quốc tế Năm Sao ký kết xây dựng và khai thác cảng biển trung tâm phân phối hàng hóa tại Campuchia và Khu ngoại quan tại Long An.
Tập đoàn xi măng Vissai và Công ty Thế giới Nhà ký kết đầu tư Trung tâm trung chuyển xi măng với số vốn 100 tỷ đồng tại KCN Hưng Phú 1 - TP.Cần Thơ.
Phú Khởi / baodautu