Trong thời gian qua năng suất lao động của các công ty trong ngành Cao su đã có những cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên để nâng cao lợi thế cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp ngành Cao su cần phải thay đổi tư duy và đưa ra những giải pháp bài bản từ quy trình trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến.
Nâng cao năng suất, chất lượng, sẽ nâng khả năng cạnh tranh cho ngành Cao su
Theo ông Tào Mạnh Cương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa: “Hiện chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu xu thế hội nhập quốc tế. Cụ thể: Văn bản pháp luật về năng suất chất lượng cao su thiên nhiên chưa hoàn chỉnh, chưa có tổ chức làm trọng tài để kiểm soát về chất lượng của ngành cao su. Bên cạnh đó thì chất lượng giữa các công ty trong ngành cũng không đồng đều. Thêm vào đó, vẫn còn không ít công ty chưa cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo trong việc thúc đẩy chương trình tăng năng suất chất lượng. Đội ngũ cán bộ về năng suất chất lượng còn thiếu và yếu về chuyên môn. Việc áp dụng một số công cụ năng suất chất lượng còn hạn chế, tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng còn cao”.
Để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, ông Tào Mạnh Cương cho rằng, trước hết lãnh đạo các doanh nghiệp phải quan tâm và có cam kết mạnh mẽ về việc triển khai các chương trình năng suất chất lượng. Đồng thời phải ưu tiên nguồn tài chính cho công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho chế biến mủ cao su; áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn cũng như tăng cường năng lực đo lường, thử nghiệm phục vụ kiểm soát quá trình chế biến….
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ, cán bộ làm công tác năng suất chất lượng cần được doanh nghiệp quan tâm hơn nữa và từng bước xây dựng tích hợp, tinh gọn, áp dụng có hiệu quả các hệ thống quản lý tiên tiến phù hợp với đặc thù của ngành Cao su như: hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quả lý môi trường ISO 140001, hệ thống quản lý năng lực phòng thử nghiệm ISO/IEC 17025, hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 và hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chú ý nâng cao hiệu quả của công tác đánh giá nội bộ nhằm xác định hiệu quả của việc duy trì các hệ thống quản lý, cũng như tìm ra các cơ hội để cải tiến. Nếu được các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án “ Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của ngành Cao su giai đoạn 2016 - 2020”. Thông qua đó sẽ giúp các công ty cao su có định hướng về chương trình năng suất chất lượng phải thực hiện trong những năm tới một cách có bài bản hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần áp dụng các công cụ năng suất chất lượng như 5S, KPIs, 7 công cụ kiểm soát chất lượng, nhóm chất lượng, KAIZEN… để tăng năng suất chất lượng, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển thương hiệu…
Ông Tào Mạnh Cương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa: “Để công tác nâng cao năng suất chất lượng được duy trì thường xuyên và liên tục thì một yêu cầu cần thiết cũng được đặt ra đó là lãnh đạo các công ty phải thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện năng suất chất lượng tại các quá trình sản xuất. Qua đó phát hiện và kịp thời động viên khen thưởng những cá nhân điển hình thực hiện tốt chương trình năng suất chất lượng và xử lý những trường hợp sai phạm”. |