Nhiều năm trở lại đây, các dự án FDI vào Việt Nam khá sôi động tuy nhiên làm sao để tăng thêm số lượng và chất lượng các dự án thì đòi hỏi nhiều đột phá trong chính sách cũng như công nghệ.
Một số mục tiêu trong thu hút FDI chưa như mong muốn
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) trong 10 năm trở lại đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khá sôi động, trong đó đã có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao (CNC). Tiên phong cho hoạt động này phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự góp mặt của những tập đoàn lớn như: Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec… Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư.
Ngoài các nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực CNC tại Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ như: Intel, IBM (Hoa Kỳ), Cap Gemini và Accenture (Pháp) đã có dự án sản xuất quy mô hoặc đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Tại các khu CNC, vốn FDI đổ vào ngày một nhiều. Tại Hà Nội, Khu CNC Hòa Lạc đến thời điểm hiện tại đã cấp phép cho hơn 60 dự án, với tổng vốn đạt trên 31.000 tỷ đồng. Trong hơn 60 dự án đã cấp phép, có 29 dự án đã triển khai, trong đó có 17 dự án đã đi vào hoạt động.
Tại Khu CNC TP.HCM, sau 7 năm đi vào hoạt động, đã thu hút nhiều dự án lớn như: dự án 1 tỷ USD của tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới Intel Corp và nhiều dự án sản xuất khác từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Ý), Sonion (Đan Mạch),…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2016, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả năm. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ 2, chiếm 7,79% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3, chiếm 6,9% tổng vốn đầu tư….
Theo thống kê trên, kết quả thu hút FDI trong năm 2016 cho thấy nguồn vốn FDI đa phần vẫn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, một số mục tiêu trong thu hút FDI chưa được như mong muốn.
Hiện nay FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu.
Đầu tư vào bất động sản còn cao trong khi đầu tư trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp còn thấp (hiện nay chỉ chiếm 1,6% vốn FDI đăng ký), chưa kể số dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng quá ít. Đặc biệt, thu hút FDI chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao, công nghệ nguồn) và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, FDI vào nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra là do không xây dựng được quy hoạch nguồn vốn FDI cũng như các dự án cụ thể cần ưu tiên vận động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều “điểm sáng” hút dự án FDI
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục được cải thiện.
Ông Mại dẫn chứng, số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, nếu so về số dự án đầu tư, thì số lượng dự án đầu tư mới và tăng vốn trong năm 2016 cao hơn năm 2015 rất nhiều. Cụ thể, số dự án mới tăng 27% và số dự án tăng vốn tăng tới 50,5% so với năm 2015 .
Để tăng cường thu hút các dự án FDI trong năm 2017, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Việt Nam cho rằng, cần phải có đột phá chính sách cho những ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn. Bên cạnh đó, trong hoạt động xúc tiến đầu tư nên hướng tới các quốc gia, vùng lãnh thổ có công nghệ tốt, có lý lịch tốt trong phát triển công nghệ hơn là xúc tiến đầu tư lan tràn.
Bên cạnh đó, để thu hút nhiều hơn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang khơi dậy phong trào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, sản lượng.
Điều này không những có tác động về kinh tế mà còn đem lại những tác động xã hội lớn, giúp cho tiêu dùng được sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn, môi trường được đảm bảo, xuất khẩu tốt hơn và đem lại uy tín tốt hơn cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Còn theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ có xu hướng tăng lên và đi vào chất lượng trong thời gian tới; đặc biệt là sẽ thu hút những dự án có công nghệ cao và có tính lan tỏa.
“Những đóng góp của khu vực FDI là rất lớn, là sự lan tỏa, là động lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển, khơi dậy các nguồn lực đầu tư. Mặc dù, thời gian qua, công nghệ chuyển giao chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã có những dự án chuyển giao công nghệ bằng cách gián tiếp. Do vậy, chúng ta cần sàng lọc kỹ từng dự án khi đầu tư tại Việt Nam”, ông Hoàng nhấn mạnh.
“Điều cần quan tâm là chọn được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào khoa học công nghệ...”, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết: “Đứng trước xu hướng nguồn vốn đầu tư chuyển dịch sang các nền kinh tế mới nổi. Hiện Việt Nam đang tăng cường thu hút nguồn vốn FDI để tập trung đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang áp dụng rộng rãi mô hình đầu tư đối tác công – tư (PPP). Đây là mô hình đang được nhiều nước trong khối APEC áp dụng thành công và là một trong những giải pháp đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên, với những chính sách cởi mở, tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư. Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết khả năng để hỗ trợ nhà đầu tư, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của nhà đầu tư để xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh hơn“.
Nha Trang / DĐDN