Dịch bệnh dần kiểm soát và tín dụng tăng mạnh trở lại khiến các ngân hàng nhỏ đặt mục tiêu tham vọng. Kết thúc quý đầu năm nay, tín dụng cao đẩy lợi nhuận tăng ở khối ngân hàng này.
Ngân hàng Bản Việt dự kiến, năm 2022, tổng tài sản đạt 97.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 27% so với năm 2021.
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20-40%
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, quý đầu năm 2022, tăng trưởng dư nợ toàn ngành đạt 4,05%, gấp 2,5 lần mức tăng cùng kỳ, riêng tín dụng tháng 3/2022 tăng tới hơn 2%. Năm 2022, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên, theo Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú, mục tiêu này có thể được điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế.
Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh nhận định, kinh tế tăng trưởng, sức khỏe doanh nghiệp hồi phục sẽ đẩy tín dụng tăng trưởng. Thực tế, dư nợ toàn ngành ngân hàng tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2022 là cơ sở để các ngân hàng, trong đó có nhà băng nhỏ đặt mục tiêu lợi nhuận cao trong cả năm.
Cụ thể, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 190 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với kết quả năm 2021. Tương tự, BacA Bank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so năm 2021. VietBank đưa ra mục tiêu 3.000 tỷ đồng lợi nhuận...
Ngân hàng Bản Việt dự kiến, năm 2022, tổng tài sản đạt 97.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 27% so với năm 2021. Tổng huy động và dư nợ cấp tín dụng theo kế hoạch năm 2022 lần lượt là 71.200 và 53.400 tỷ đồng, tăng trưởng 28% và 15% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế tăng 44%, đạt mức 450 tỷ đồng.
Trong khi đó, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 430 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 33% so với năm 2021. Tổng tài sản đạt 43,659 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Vốn huy động đạt 38,453 tỷ đồng, tăng 7,8%, trong đó huy động vốn thị trường 1 đạt 30,848 tỷ đồng, tăng 9,9%.
Đẩy mạnh số hóa giữ đà tăng lợi nhuận
Bám sát mục tiêu đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua, ngay từ quý I/2022, Ngân hàng Bản Việt đã đẩy mạnh tốc độ dịch chuyển sang bán lẻ thông qua việc cải thiện các chính sách, đưa ra chương trình, sản phẩm hiệu quả, theo danh mục và phù hợp khách hàng.
Cụ thể, quý I/2022, dư nợ tín dụng của Ngân hàng Bản Việt tăng trưởng 6,8% so với tháng 12/2021; thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 23%, đạt mục tiêu đặt ra với 173 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu tháng 4/2022, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực, công nghệ một cách hiệu quả để hoạt động chuyển đổi số có chỉ số sinh lời và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. “Chúng tôi đặt trọng tâm trong các chương trình hành động giai đoạn 2021-2023 là trở thành ngân hàng bán lẻ dễ tiếp cận từ sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đến dễ tiếp cận về địa lý, nâng cao trải nghiệm khách hàng”, ông Trung nói.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, việc ngân hàng đẩy mạnh số hóa nhằm gia tăng nguồn thu ngoài lãi, đóng góp tích cực vào lợi nhuận cho ngân hàng. Thực tế, nguồn thu từ dịch vụ đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận năm qua.
Quý I/2022, Bac A Bank báo lãi trước thuế gần 246 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ. So với kế hoạch cả năm lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng, Ngân hàng đã thực hiện được 25% sau quý đầu năm.
Tương tự, PG Bank cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt gần 127 tỷ đồng trong quý I/2022, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được gần 30% kế hoạch. Chi phí hoạt động của Saigonbank giảm 10%, xuống 107,3 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 177 tỷ đồng, tăng 223,5%. Ngân hàng này cũng trích gần 78 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 98,7 tỷ đồng, tăng 68,4% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo mới nhất từ SSI Research, mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các ngân hàng trong quý I/2022 sẽ đạt từ một đến hai chữ số thấp. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng, trong đó khối ngân hàng tư nhân có thể đạt lợi nhuận tương đối tốt, bình quân khoảng 25-27% so với cùng kỳ.Lợi nhuận ngân hàng nhỏ cải thiện ngay quý đầu năm