Cầu vốn doanh nghiệp chưa thể kỳ vọng tăng mạnh, trong khi vay mua nhà, tiêu dùng của cá nhân có chiều hướng cải thiện. Đó là lý do để các ngân hàng tập trung đẩy mạnh tín dụng cá nhân.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hầu hết ngân hàng đưa ra cho năm nay có chiều hướng tăng cao hơn so với năm trước. Thậm chí, một số ngân hàng có thế mạnh về nền tảng bán lẻ và đã có công ty tài chính trực thuộc còn xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao gần gấp đôi so với mục tiêu của ngành.
Chẳng hạn, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 33,8% so với năm 2015.
VPBank cho biết, mức tăng trưởng cho vay cao là hợp lý trong bối cảnh 3 năm qua, Ngân hàng đã xây dựng hệ thống quản trị rủi ro, vận hành, duy trì hoạt động an toàn.
Nhu cầu vốn tiêu dùng ngày càng gia tăng, trong khi cho vay cá nhân có biên lãi cao hơn so với doanh nghiệp
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho hay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm 2016 ở mức 18 - 20%, cao hơn toàn ngành, trong đó, tăng trưởng tín dụng cá nhân ở mức 25%.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng cho hay, chiến lược của SCB năm 2016 là tiếp tục củng cố hoạt động, nền tảng công nghệ thông tin, từ đó đẩy mạnh bán lẻ trên cơ sở nền tảng công nghệ mà SCB đã đầu tư.
Trong chiến lược đẩy mạnh bán lẻ năm 2016 của SCB, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng bán lẻ 30%; tỷ lệ cho vay vốn trung, dài hạn chiếm khoảng 16% trong tổng dư nợ đặt ra là 16 - 18%.
Thực tế, nhu cầu vốn tiêu dùng ngày càng gia tăng, trong khi cho vay cá nhân có biên lãi cao hơn so với doanh nghiệp. Hiện lãi suất cho vay cá nhân dao động ở mức 10 - 12%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng cho vay doanh nghiệp 7 - 8%/năm. Chính vì thế, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng trong năm qua phần lớn đến từ cho vay cá nhân. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tín dụng cá nhân chiếm hơn 50% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng có thể đáp ứng đủ điều kiện tín dụng mà ngân hàng đưa ra để tiếp cận vốn. Vì vậy, không ít người đã tìm đến công ty tài chính để được hỗ trợ vốn vay tiêu dùng lãi suất cao hơn.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của VPBank cho biết, FE Credit (công ty tài chính trực thuộc VPBank) đóng góp lớn vào lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này. Cụ thể, sau khi cộng thêm cả 2 công ty con (FE Credit và VPBank AMC), thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay vốn tăng thêm 3.700 tỷ đồng và lãi trước thuế tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng.
Đây là lý do để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay phân tán (một hình thức cho vay tiêu dùng) để tìm lợi nhuận bù đắp tín dụng doanh nghiệp đang giảm mạnh. Hơn nữa, thực tế này cũng khiến các ngân hàng thương mại tìm cách thâu tóm công ty tài chính và mở rộng tín dụng tiêu dùng.
Không chỉ ngân hàng lớn có thế mạnh về bán lẻ và cho vay cá nhân mới đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao và đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, mà ngay cả những nhà băng nhỏ, đang trong quá trình tái cơ cấu cũng đặt trọng tâm vào chiến lược khách hàng mục tiêu cá nhân.
Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) cho biết, trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng trước, Kienlongbank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch thành lập hoặc mua lại công ty tài chính.
Có thể thấy, lợi nhuận khủng mà một số công ty tài chính có được là nhờ mức lãi vay tiêu dùng cao nhất thị trường hiện nay (lên đến 60 - 70%). Tuy lãi suất rất cao, song các công ty này vẫn thu hút được khách hàng, bởi họ có thể cho vay những món hàng nhỏ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, mà các ngân hàng thương mại không thể cho vay, lại phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp, bởi vay không cần tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tuy rủi ro cao thì lãi suất phải cao, song không vì thế mà các tổ chức tài chính tính lãi vay quá cao, bởi phải trả lãi lên đến mấy chục phần trăm quả là gánh nặng lớn, trong khi đối tượng vay tiêu dùng đa phần là người có thu nhập thấp.
Vân Linh / baodautu.vn