Theo một báo cáo mới đây của VCBS, trong những năm tới, nhu cầu mua hàng công nghệ thông tin và điện thoại di động của Việt Nam sẽ tăng trưởng khá.
Ảnh minh họa.
Độ tuổi trung bình hiện nay của dân số Việt Nam là 31, đây là nhóm tuổi có nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ tiên tiến để thể hiện phong cách. Theo GFK, số lượng điện thoại thông minh trong năm 2017 của Việt Nam có thể đạt 23,636 triệu máy, tới năm 2019 có thể ở mức gần 29 triệu máy, cao hơn nhiều mức ước tính trong năm 2016.
GFK cũng nhận định ngành bán lẻ công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2017. Hiện nay sự tăng trưởng của ngành chỉ tập trung chủ yếu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực nông thôn hiện nay vẫn bị các doanh nghiệp bỏ qua, tuy nhiên tại những khu vực này trong tương lai có thể cũng tăng trưởng do thu nhập trung bình của người dân tăng cùng nhu cầu mua sắm tăng thêm.
Thói quen mua sắm của người dùng trong thời gian tới cũng sẽ có sự thay đổi. Tỷ trọng doanh thu bán hàng trực tuyến hiện nay chiếm khoảng 5% của tổng doanh thu ngành trong năm 2016 và dự báo sẽ tăng thêm 20% trong 5 năm tới.
Thị trường tăng trưởng và cách mua hàng của người dùng thay đổi, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài trong ngành hàng công nghệ vẫn khó có được lợi thế khi tham gia thị trường Việt Nam. Theo VCBS, một doanh nghiệp nước ngoài khi xây dựng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam phải có được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa các công ty nước ngoài chưa có nhiều hiểu biết về thị trường trong nước. Những khó khăn này khiến họ khó có được lợi ích thương mại nhanh chóng.
Trong khi đó các doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam vẫn đang chiếm thị phần lớn ở cả mặt hàng điện thoại di động, công nghệ thông tin và điện máy. Những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam hiện nay không còn chịu nhiều ảnh hưởng của nhà nhập khẩu mà đã dần chuyển sang làm việc trực tiếp với nhà sản xuất, giúp chủ động về lượng hàng và giá sản phẩm có lợi hơn.
Do vậy trong những năm tới lợi thế vẫn sẽ thuộc về những “ông lớn” bán lẻ Việt Nam và lợi thế này sẽ khó thay đổi trong thời gian tới.
Tùng Linh / BizLIVE