Hơn 800 ha lúa ma, loại lúa dại thân vươn dài theo nước lũ và chỉ trổ bông về đêm đang được nhân giống, bảo tồn tại Đồng Tháp Mười.
Trưa giữa tháng 11, chiếc xe điện từ Khu du lịch Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) chạy khoảng 5 km, đến trạm trung chuyển, khách tiếp tục đi bằng tắc ráng thêm 6 km nữa để vào vương quốc của một loài thực vật hoang dã huyền thoại ở Đồng Tháp Mười: lúa ma.
Một góc tiểu khu A1, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), nơi có cánh đồng lúa ma rộng hàng trăm ha. Ảnh: Hoàng Nam
Nhìn từ chòi canh tiểu khu A1, cánh đồng lúa ma hiện ra xanh rì phía xa, trải dài bất tận đến hàng trăm ha. Ở những vạt lúa mọc rải rác dọc bờ sông, cây lúa ma đang vào mùa trổ bông thoạt nhìn không khác gì cỏ dại. Nhưng những cái bông màu vàng xanh, cuối các hạt lúa nhỏ, dẹt là cái đuôi màu tím dài, tựa những chiếc chông nhọn đâm tua tủa lên nền trời.
"Vào mùa lũ, khi nước dâng đến đâu, cây lúa mọc theo đến đó, những năm lũ lớn, nó vươn dài đến 3-4 m là chuyện thường", ông Nguyễn Hoàng Minh Hải - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim nói.
Vườn quốc gia rộng 7.500 ha với 230 loài chim, 130 loài cá, 130 loài thực vật, được chia làm 5 tiểu khu, từ A1 đến A5. 8 năm trước, nơi này được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ 4 của Việt Nam. Ngoài những cánh đồng năn - bãi kiếm ăn của sếu đầu đỏ, đồng lúa ma là một trong những loài quý hiếm được ưu tiên bảo vệ tại đây bởi những đặc tính "có một không hai".
Theo ông Hải, mùa lúa ma trổ từ tháng 10 đến tháng 12, điểm khác biệt so với các loài lúa khác là hạt chỉ chín về đêm. Bông lúa chín chuyển dần từ màu xanh sang vàng, khi chắc hạt màu đen, mỗi đêm chỉ chín vài hạt và sẽ rụng ngay khi gặp ánh sáng mặt trời.
Hơn 30 năm trước, do việc canh tác nông nghiệp còn chưa mở rộng, khu vực quanh Vườn quốc gia Tràm Chim có đến 1.500 ha lúa ma. Những năm lũ lớn, phần lớn thực vật đều không phát triển được, cây lúa ma vì vậy trở thành nguồn thức ăn chính của các loài chim.
Nhưng nó cũng là lương thực chính nuôi lớn người dân vùng bưng biền một thời. "Hồi đó ai nấu cơm gạo lúa ma, trong nhà mở nắp nồi, người khác đứng tuốt dưới bờ sông cũng ngửi được mùi thơm nức mũi, bụng sôi cồn cào", bà Hai Sâu, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, bồi hồi nhớ lại.
Trong ký ức của bà lão 68 tuổi, cây lúa ma đã gắn bó với người dân xứ này từ thời trước ngày đất nước thống nhất, dân cư còn thưa thớt.
Thời đó, ngoài trồng lúa mùa năng suất bấp bênh, đầu tháng 9, khi gió bấc bắt đầu thổi lai rai, tầm 4h khuya, nhà nào đông con trai đều chuẩn bị dụng cụ đi gặt lúa ma. Gọi là gặt nhưng họ không sử dụng liềm cắt như lúa thường, mà dùng mê bồ (đan từ những thanh tre) cao một mét, dài hai mét đặt giữa xuồng. Thợ gặt dùng ba thanh tre dài gần bằng chiếc xuồng, một thanh cắm trước mũi, đầu buộc hai sợi dây gắn với đầu hai thanh tre hai bên.
Khi xuồng vào ruộng lúa ma chín, người sau lái dùng sào tre chống, người ngồi đối diện trước mũi ra sức kéo hai thanh tre xuống, đập mạnh từ ngoài vào xuồng. Bông lúa bị va đập, hạt rụng trúng phải mê bồ chắn giữ, rớt vô xuồng.
Người dân tham gia phục dựng mô hình chống xuồng thu hoạch lúa ma tại tiểu khu A1, năm 2012. Ảnh: Huỳnh Thanh Phong
Bà Hai Sâu bảo, có bữa gặp được cánh đồng lúa dày đặc, nhìn từ xa hạt chín đen như tổ ong ruồi, người chống xuồng rất nhanh mệt. Người đập lúa dù có thanh tre cắm ở mũi có chức năng trợ lực cũng dễ mỏi tay. Vì vậy, khi đuối sức, hai người sẽ thế chỗ cho nhau. Thời đó, một gia đình 5-6 con trai, bình quân ba chiếc xuồng, mỗi ngày thu hoạch 5-6 giạ lúa, nửa tháng kiếm hơn 100 giạ là chuyện thường tình. Lộc trời cho nên dân gian còn gọi lúa ma là lúa trời.
Lúa gặt xong, người dân đem về ngâm nước một đêm cho rụng hết đuôi, sau đó sẽ phơi, giã gạo. Hạt gạo lúa ma nhỏ hơn hạt gạo thông thường, dài, thơm, dẻo, ngoài nấu cơm có thể nấu cháo, làm bánh đúc.
Cách Tràm Chim hơn 40 km, giữa trưa chiếc máy xúc vẫn nhả khói đều đặn dọc bờ kênh nội đồng tại tiểu khu 12, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng, Long An). Đây là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 trên thế giới. Nơi này rộng 1.500 ha, chia làm 12 tiểu khu với 156 loài thực vật hoang dã cùng 149 loài chim, thú, cá... Hàng chục năm qua, nơi này cũng nhân giống, bảo tồn cây lúa ma với quy mô 30 ha. Toàn bộ diện tích này trước đây đều do các nhân viên trung tâm nhân giống từng bụi rồi cấy giặm qua các năm.
Năm nay lũ nhỏ, hệ thống kênh trong khu bảo tồn được tranh thủ nạo vét, be bờ để chủ động đưa nước vào. Trong khi chiếc máy xúc đang ì ầm chạy, phía bên kia con kênh, giữa cánh đồng lúa ma vang tiếng kêu "te te" của bầy trích hàng trăm con. Trong khi dùng mỏ xé phần cứng của thân lúa đan tổ, chúng không quên thưởng thức phần lõi trắng còn sót lại.
"Trung tâm chỉ làm nhiệm vụ nhân giống, còn thu hoạch lúa đã có thợ gặt khác lo", nhân viên khu bảo tồn giọng hóm hỉnh, chỉ tay về phía đàn chim sẻ, cu gáy đông nghịt đang sà xuống ăn hạt lúa chín.
Những hạt lúa chín chim ăn không kịp rơi xuống nước cũng không hề bị bỏ phí, là món khoái khẩu với bầy cá rô. Còn những hạt lúa cá bỏ qua sẽ vùi dưới lớp bùn, mùa khô đến tiếp tục tái sinh. Cách 2-3 năm, vào mùa khô cánh đồng sẽ bị đốt để dọn sạch lớp thực bì, giúp cây lúa ma tiếp tục sinh sôi. Bình quân từ một đến hai năm, các chuyên gia Nhật Bản đến Láng Sen để thu thập nguồn gene lúa ma đem về nghiên cứu.
Cánh đồng lúa ma 30 ha ở Láng Sen vào mùa trổ bông giữa tháng 11, phía sau là nhân viên khu bảo tồn chống xuồng kiểm tra mực nước. Ảnh: Hoàng Nam
Trả lời VnExpress, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Công Thành, nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Đại học Cần Thơ nhận định, cây lúa ma mang gene thích nghi với môi trường phèn, kháng được sâu bệnh. Trong điều kiện biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, nguồn gene này có thể dùng để lai tạo ra giống mới có khả năng thích nghi cao. Nhiều năm trước, các chuyên gia từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã lai tạo thành công giữa lúa ma và IR 64, cho ra giống OM 4900.
Theo Phó giáo sư, trước đây, để sản xuất chống đói các nhà khoa học đã lựa chọn giống mới năng suất cao. Thời gian đầu, các giống này ít sâu bệnh, tuy nhiên, do canh tác liên tục 2 đến 3 vụ trong năm, sau đó đã gây thiệt hại cho nghề nông. Ông đề xuất nên trở lại kiểu trồng lúa mùa như xưa, nhưng cần tiếp tục cải tiến theo hướng chất lượng.
Nhìn về cánh đồng lúa ma đang trổ bông, bà Hai Sâu bảo rằng thuở bà còn con nít, gặp những năm giặc giã đói kém, sống sót được là nhờ cây lúa ma. Những năm sau 1975, bà có chồng, sinh con, hạt lúa ma tiếp tục làm bạn đồng hành. Sau hơn một đời người sống ở Tràm Chim, bây giờ con cái đã lớn khôn, đời sống dù đã khá lên, bà vẫn không sao quên được mùi thơm hạt gạo lúa ma cùng tiếng lộp cộp của thanh tre va vào tấm mê bồ từ những chiếc xuồng gặt lúa giữa khuya.
Chồng bà Hai nói, nếu được hướng dẫn hỗ trợ, ông tin nông dân nếu bỏ lúa hiện tại trồng lúa ma thì vẫn "lời dư sức", lại còn bảo tồn được loài lúa quý cho con cháu mai sau. Ông cũng bảo, dĩ nhiên đó chỉ là ý tưởng, còn làm được hay không phải cần nhiều thứ khác.
"Bây giờ đời sống khắm khá rồi, nhiều người muốn ăn sạch, ăn ngon, cây lúa ma tuy năng suất thấp, bù lại không cần phân thuốc, gạo thơm dẻo khỏi chê, một giạ gạo có khi chế biến bán được chục triệu chứ đâu phải chơi", ông quả quyết.