Việc Việt Nam ban hành chính sách cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 7/2015 đã có tác động tích cực đến thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, chính sách này còn được nhận định có phần thoáng hơn so với chính sách tương tự của Indonesia mới ban hành.
Chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã tác động tích cực tới thị trường BĐS |
Theo đánh giá của Công ty JLL Việt Nam, từ khi chính sách mới có hiệu lực, JLL ghi nhận doanh số bán nhà cho người nước ngoài có tăng lên rõ rệt, và tỷ lệ bán hàng tại nhiều dự án cũng tăng lên đáng kể. Như trong một số báo cáo được công bố của JLL, tổng số căn hộ bán ra trên thị trường năm 2015 tăng gấp đôi năm 2014, một phần của sự tăng trưởng này là nhờ mặt tích cực từ chính sách nói trên. ILL dự báo năm 2016 sẽ tiếp tục xu hướng này và câu chuyện về người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục được quan tâm, đặc biệt thị trường sẽ còn có thêm sự quan tâm hơn nữa từ các nhà đầu tư trên khu vực.
Ngoài ra, JLL cũng cho biết, dù có nhiều tích cực song trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực thi chính sách mới này như: Những hướng dẫn thực thi còn chưa rõ ràng và cụ thể đối với người nước ngoài hay liên quan đến vấn đề chuyển tiền để mua nhà và các điều kiện liên quan đến hỗ trợ tài chính từ ngân hàng cũng chưa rõ ràng. Vì hiện nay trên thực tế chưa có nhiều ngân hàng mạnh dạn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết để tiến hành mua BĐS tại Việt Nam. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức tín dụng cũng như nhà phát triển dự án trong việc thu hút và mở rộng đối tượng mua nhà tại Việt Nam.
Liên quan đến sự khác biệt về chính sách mở cửa cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam so với một số nước trong khu vực, ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam - cho rằng, chính sách này có thể so sánh với Indonesia vì Chính phủ nước này cũng vừa triển khai chính sách cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS. Về cơ bản thì người nước ngoài cũng sẽ có những quyền tương tự với người Indonesia trong việc mua căn hộ. Thời gian sở hữu căn hộ là tổng cộng 80 năm, trong đó đầu tiên được cấp 30 năm, sau đó gia hạn tiếp 20 năm và gia hạn lần cuối cùng là 30 năm. Tuy nhiên chính sách này tác động rất nhỏ đến thị trường BĐS trong nước, vì yêu cầu để được mua nhà là phải có thị thực/giấy phép làm việc tại Indonesia một cách liên tục, nếu không thì BĐS sẽ bị thu hồi. Sẽ không có nhiều người nước ngoài chịu ở lại Indonesia liên tục 80 năm để có thể tiếp tục sở hữu BĐS đã mua đó.
Như vậy có thể nói rằng điều kiện cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thoáng hơn, sau đó có thể chuyển nhượng cho người khác, điều này có tác động đến thị trường BĐS trong nước vì sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư cũng như mong muốn sở hữu được BĐS tại Việt Nam của nhiều người nước ngoài.