Luật Nhà ở 2014 quy định kể từ ngày 10/6/2016 không cho sử dụng chung cư làm văn phòng đã khiến không ít DN có quy mô vừa và nhỏ tại Hà Nội và TP HCM hoang mang không nhỏ.
Quy định cấm đặt văn phòng tại chung cư sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến giá thuê văn phòng trong thời gian tới. Ảnh: Văn phòng làm việc của một công ty ở khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính.
Bà Nguyễn Thu Hằng – Phó Giám đốc Công ty TNHH H&C cho biết, từ khi quy định có hiệu lực DN bà thấp thỏm không yên bởi nguy cơ phải dọn trụ sở ra ngoài các tòa chung cư đồng nghĩa với việc DN bà đang quản lý phải đối mặt với một khoản chi phí thuê mặt bằng đắt hơn gấp nhiều lần so với hiện tại.
DN nhỏ điêu đứng
Bà Hằng cho biết, DN của bà hiện bà kinh doanh mặt hàng online có thuê văn phòng tại tòa nhà 34T Trung Hòa – Nhân Chính với giá 1.000 USD mỗi tháng. “Do việc kinh doanh online nên nhân sự chúng tôi chỉ có 5 người và chỉ làm việc tại chỗ với máy móc. Quyết định của Bộ Xây dựng được thực thi không biết những DN như chúng tôi sẽ đi đâu về đâu khi giá thuê tại các khu văn phòng đắt gấp 2-3 lần mức thuê chung cư”.
Cùng chung cảnh ngộ trên là bà Lan Anh đang thuê hai căn hộ chung cư liền kề nhau tại quận 1, TP HCM làm trụ sở công ty phân phối đồ dùng học tập. Bà Lan Anh cho rằng, nếu cơ quan chức năng cấm sử dụng nhà chung cư làm văn phòng tức là can thiệp quá thô bạo vào quyền sở hữu nhà ở của người dân.
Thống kê sơ bộ của hệ thống sàn giao dịch CEN Group cho thấy, tỷ lệ khách hàng thuê chung cư làm văn phòng tương đối cao, lên tới trên 60%. Báo cáo quý 3 của CBRE cũng cho thấy, diện tích trống tại các tòa nhà trong thành phố vẫn còn tương đối lớn. Tỷ lệ lấp đầy các tòa tháp văn phòng thấp nhất 47% và cao nhất là 85%. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến mâu thuẫn này là do giá cả. Nhiều Cty lo ngại, quyết định của Bộ Xây dựng sẽ gây sức ép lên DN khi giá cả chào thuê tại các khu văn phòng còn cao.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Bộ Xây dựng ra quy định cấm sử dụng chung cư làm văn phòng. Trước đó, năm 2009, Bộ Xây dựng có Công văn số 2544/BXD-QLN yêu cầu một số địa phương tiến hành rà soát và có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng nhà chung cư làm văn phòng. Sau lệnh cấm đó, gần như các địa phương không tổ chức thực hiện ngoài một số báo chí tuyên truyền khá rầm rộ, ủng hộ. Bởi thế, đến nay ngày càng nhiều văn phòng tại các chung cư mặc nhiên tồn tại. Trên các trang rao vặt vẫn nhan nhản thông tin cho thuê chung cư làm văn phòng.
Cấm không được nên đã có năm Bộ Xây dựng dự thảo đề xuất cho phép sử dụng chung cư làm văn phòng (năm 2011). Mới đây nhất là Điều 80 Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở (2014) lại quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong sáu tháng, kể từ ngày 10/12/2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này). Sau ngày 10/6/2016, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.
"Mặc dù ấn định hạn chót người kinh doanh phải di chuyển khỏi chung cư là 10/6/2016, song đến nay vẫn chưa thấy một quy định cụ thể nào liên quan đến chế tài xử phạt hay cưỡng chế…"
Có thấu tình, đạt lý?
Mặc dù ấn định hạn chót người kinh doanh phải di chuyển khỏi chung cư, song đến nay đã quá 3 tháng mà chưa thấy một quy định cụ thể nào liên quan đến chế tài xử phạt hay cưỡng chế những trường hợp này (nếu không thực hiện). Thậm chí, khi được hỏi việc không được phép sử dụng căn hộ làm văn phòng, nhiều chủ đầu tư và ban quản lý vẫn thờ ơ. Hầu hết đều cho rằng, họ chỉ có trách nhiệm xây và bán cho cư dân. Việc cư dân ở hay cho thuê là quyền của người dân nên chủ đầu tư khó can thiệp. Trong khi đó, nhiều ban quản lý tòa nhà ngạc nhiên cho rằng, không biết quy định phải di chuyển việc kinh doanh ra khỏi tòa nhà trước 10/6/2016.
Một lãnh đạo DN tại tập thể Thành Công (Hà Nội) cho biết, thời điểm bị cấm, Cty cũng định xuống phố thuê nhưng thấy các đơn vị khác vẫn “yên vị” nên ở lại. Giá tiền thuê nhà hơn 5 triệu đồng/tháng dễ thở hơn các khu cao ốc hay nhà mặt phố. Thậm chí, nhiều tổ chức kinh doanh còn “rỉ tai” nhau chiêu “lách”, lấy địa chỉ đăng ký kinh doanh một nơi và sau đó chuyển hoạt động về làm việc tại chung cư để tiết kiệm kinh phí.
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, do quản lý lỏng lẻo nhà chung cư nên người dân có thói quen mua căn hộ rồi cho thuê làm văn phòng, điều này rất nguy hiểm. Bởi lẽ, mỗi công trình đều được thiết kế theo mục đích riêng và người sử dụng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn thiết kế. Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Cho dù DN “sốc” thì các cơ quan chức năng vẫn phải tiến hành. Không chỉ vì nhu cầu một vài DN mà bỏ qua việc đảm bảo tính mạng và an toàn cho cả công đồng cư dân trong tòa nhà”.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí cho rằng, quy định trên về cơ bản là rất tốt nhưng lại không hợp lý cho DN nhỏ, không bình đẳng về quyền sở hữu nhà và đặc biệt là không tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp. “Nếu quy định này áp dụng vô hình chung sẽ làm khó cho DN nhỏ do đó nên nới lỏng hơn, phân chia DN nhỏ, siêu nhỏ với DN lớn để tạo điều kiện cho DN được thuê tiết kiệm chi phí có như vậy mới thấu tình, đạt lý” – ông Trí cho biết.
Lưu Vân / DĐDN