Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch còn lúng túng, thiếu tính liên kết, trong khi việc quảng bá, xúc tiến chưa chuyên nghiệp đã “kìm hãm” sự phát triển lĩnh vực này ở vùng ĐBSCL, theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ tại lễ khai mạc "ngày hội kích cầu du lịch TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".
Cầu đi bộ tại bến Ninh Kiều- điểm du lịch hấp dẫn của TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh.
Ngày hội diễn ra hôm nay, 3-7, tại TP Cần Thơ nhằm tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch. Đồng thời, để đẩy mạnh quảng bá nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với các địa phương ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết ĐBSCL là một trong bảy vùng du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua của cả nước. Bởi lẽ, nơi đây có ba khu dự trữ sinh quyển, năm vườn quốc gia, ba khu bảo tồn tự nhiên, ba khu bảo tồn loài, bảy khu bảo vệ sinh cảnh và khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học.
“Năm 2019, số lượt khách đến ĐBSCL đạt khoảng 47 triệu, trong đó, khách lưu trú đạt 13,5 triệu lượt, với tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 30.000 tỉ đồng”, ông Hiển dẫn chứng.
Theo ông Hiển, nếu ÐBSCL có lợi thế về sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, thì sản phẩm chủ lực của TPHCM là du lịch Mice (Meeting Incentive Conference Event - loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác); du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị.
“Sự liên kết giữa TPHCM với các địa phương ÐBSCL thời gian qua chẳng những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp mở rộng thị phần khách dễ dàng hơn", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hiển, việc đầu tư, khai thác du lịch vẫn chưa được kết nối một cách tổng thể dưới gốc độ của vùng. “Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù còn lúng túng, thiếu tính liên kết; công tác quảng bá, xúc tiến chưa chuyên nghiệp; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu so với yêu cầu”, ông nhấn mạnh và giải thích đó là lý do khiến tốc độ phát triển du lịch của ĐBSCL còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch trọng điểm khác trong cả nước.
Trong khi đó, đánh giá của các doanh nghiệp tham dự ngày hội cho biết, trong bối cảnh chưa thể mở cửa du lịch đối với khách quốc tế vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì việc thúc đẩy phát triển du lịch nội địa được xem là giải pháp thay thế để từng bước khôi phục ngành này.
Vì vậy, ngày hội kích cầu du lịch, diễn ra từ ngày 3 đến 4-7-2020, chẳng những được kỳ vọng giúp "định vị" lại ngành du lịch của vùng trong chiến lược lâu dài, mà còn giúp khôi phục hoạt động của ngành trong bối cảnh hiện nay.
Tuần lễ Thái Lan 2020 tại TP Cần Thơ
Tuần lễ Thái Lan 2020 tại TP Cần Thơ đã chính thức khai mạc tại địa phương này vào hôm nay, 3-7.
Khách tham quan một gian hàng Tuần lễ Thái Lan 2020 tại TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh
Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, sự kiện là nền tảng giúp doanh nghiệp hai nước hợp tác, tìm hiểu cơ hội giao thương, đầu tư và mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đồng thời, qua sự kiện, sẽ giúp các nhà phân phối và người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ đa dạng đến từ xứ Chùa Vàng.
Sự kiện lần này, diễn ra từ ngày 3 đến 5-7-2020 tại TP Cần Thơ sẽ giới thiệu các sản phẩm đặc sắc trong nhiều ngành công nghiệp như: thời trang và phụ kiện; sản phẩm dành cho trẻ em; sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; thực phẩm và đồ uống; thiết bị nhà bếp và đồ gia dụng.
Bà Suparporn Sookmark, Lãnh sự Thương mại, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Lan tại TPHCM, cho rằng, tuần lễ Thái Lan 2020 tại TP Cần Thơ sẽ là trọng tâm của mối quan hệ hợp tác, thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương và là nền tảng để các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam mở rộng mạng lưới hợp tác phát triển. "Sự kiện còn là cơ hội độc đáo để người tiêu dùng Cần Thơ khám phá hàng loạt sản phẩm và dịch vụ từ Thái Lan", bà nhấn mạnh.