Nhà đầu tư cần bình tĩnh, cơ quan quản lý phải sẵn sàng kịch bản ứng phó khi giá vàng, chứng khoán, USD nhảy múa trước sự kiện ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua giành chức Tổng thống Mỹ.
Vàng khó tăng sốc như dự báo
Giá vàng chịu tác động mạnh nhất của cuộc bầu cử và nhiều lần khiến nhà đầu tư phải đau tim. Mặc dù vậy, ngay sau cuộc bầu cử khá bất ngờ, diễn biến giá vàng thế giới. Cụ thể, trước khi cuộc bầu cử diễn ra, giá vàng thế giới ở mức 1.277 USD/oz. Tại thời điểm đang bầu cử, khi ông Trump thắng thế, giá vàng vọt lên 1.337 USD/oz, nhưng khi có kết quả bầu cử chính thức, giá vàng hạ nhiệt, xuống quanh mức 1.300 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng trong nước ngày 9/11 (ngày Mỹ công bố kết quả bầu cử) tăng tới gần 1 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới khoảng 1,8 triệu đồng/lượng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ làm thị trường tài chính toàn cầu bất an, khiến giá vàng kéo dài xu hướng tăng.
Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, diễn biến giá vàng trong nước thời gian tới như thế nào vẫn rất khó đoán.
“Khả năng sau khi ông Trump đắc cử, giá vàng thế giới sẽ tăng. Giá vàng trong nước tất nhiên sẽ diễn biến theo giá thế giới, song do Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép xuất nhập khẩu vàng, nên sẽ có những thời điểm có sự khác biệt nhất định. Ngay cả khi giá vàng thế giới tăng, tôi cho rằng, thị trường vàng trong nước cũng khó xảy ra bất ổn, do giá vàng tăng chủ yếu do tác động gián tiếp từ giá thế giới”, ông Đinh Nho Bảng nhận xét.
Theo ông Bảng, việc giá vàng thế giới có nhảy vọt lên 1.400 - 1.500 USD/oz như dự báo của một số tổ chức tài chính quốc tế đưa ra trước đó hay không còn là ẩn số. Cụ thể, nếu ông Trump hành động cũng thất thường và gây sốc như phát ngôn, thì có thể giá vàng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, giữa nói và làm có một khoảng cách lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng thời gian qua được lợi nhờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, khi kết quả đã được phân định, thị trường hết yếu tố bất ngờ. Thêm vào đó, tiêu thụ vàng thế giới quý III/2016 giảm 10% và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD vào tháng 12 tới, khiến vàng khó tăng mạnh.
Bình tĩnh với tỷ giá
Trong khi vàng vẫn thiên về xu hướng tăng giá sau kết quả bầu cử, thì USD và thị trường chứng khoán lại sụt giảm nghiêm trọng và xu hướng này dự báo còn kéo dài. Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã cho rằng, USD mạnh sẽ đe dọa năng lực cạnh tranh của Mỹ và nhận định, Fed đã cố tình giữ lãi suất quá thấp. Vì vậy, việc ông Trump thắng cử đã khiến USD ngay lập tức giảm tới 2%.
Ngay sau khi Mỹ công bố kết quả bầu cử, Nhật Bản đã phải họp khẩn, bởi đồng yên tăng giá quá mạnh so với USD. Trước đó, đồng yên cũng đã tăng mạnh so với USD sau sự kiện Brexit.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không loại trừ một số nước phải tính tới kịch bản điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ.
“Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để giữ ổn định tỷ giá, nhưng chúng ta phải theo dõi diễn biến của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới và cân nhắc việc ổn định tỷ giá có lợi hay không. Nếu nhiều nước điều chỉnh tỷ giá mà VND vẫn giữ ổn định thì sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu”, ông Hiếu khuyến nghị.
Lạc quan hơn, TS. Cấn Văn Lực nhận định, tác động của cuộc bầu cử Mỹ tới thị trường Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn. “Ông Donald Trump thắng cử có thể khiến chứng khoán Mỹ mất 10 - 13 điểm, vàng tăng giá, USD giảm giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở nước ta, các tác động tới thị trường tài chính sẽ ở mức độ thấp hơn. Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư phải bình tĩnh, tỉnh táo, chờ đợi; nhà hoạch định chính sách thì phải theo dõi sát sao những biến động của thị trường và có kịch bản ứng phó để kịp thời hành động khi cần thiết”, ông Cấn Văn Lực nói.
Thùy Liên / baodautu