Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, lượng xe nhập từ Trung Quốc về Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 9.400 chiếc, tăng 6 lần cùng kỳ năm trước.
Đây là đợt tăng mạnh nhất lượng xe từ Trung Quốc về Việt Nam tính từ năm 2018 trở lại đây và ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục của các dòng xe du lịch và thương mại.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, lượng xe nhập Trung Quốc 5 tháng 2020 chỉ đạt 1.500 chiếc, cùng kỳ năm 2019 là hơn 2.000 chiếc và cùng kỳ năm 2018 chỉ hơn 315 chiếc.
Xe nhập Trung Quốc tăng mạnh trở lại ở Việt Nam (Ảnh minh họa).
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, lượng xe nhập từ Trung Quốc 5 tháng đầu năm nay gấp 6 lần. Còn nếu so với cùng kỳ 2019, lượng nhập về tăng gần 5 lần và con số này là... gần 30 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Điều đáng quan tâm là lượng xe nhập từ Trung Quốc 5 tháng qua vượt hơn 2.000 chiếc so với tổng lượng xe nhập của cả năm 2020, tăng hơn 4.000 chiếc so với lượng nhập xe từ nước này trong năm 2019...
Số liệu này cho thấy xe Trung Quốc đã quay trở lại nhập số lượng lớn vào Việt Nam. Lượng xe nhập của nước này vào Việt Nam hiện chiếm thứ 3 chỉ sau Thái Lan, Indonesia.
Hiện khoảng 70% xe nhập Trung Quốc về Việt Nam là xe chuyên dụng như xe tải siêu trường, siêu trọng, xe tải cỡ lớn và cỡ nhỏ. 30% còn lại là các mẫu xe dưới 9 chỗ ngồi và xe thương mại. Sự tăng trưởng của xe nhập Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy xe dưới 9 chỗ ngồi từ nước này đang nhập vào Việt Nam nhiều hơn. Riêng mẫu xe Beijing X7 đã chiếm lượng nhập gần như tuyệt đối ở dòng xe dưới 9 chỗ nhập khẩu.
Beijing X7 là mẫu xe dưới 9 chỗ nhập nhiều nhất vào Việt Nam thời gian qua (Ảnh minh họa).
Xe nhập dưới 9 chỗ ngồi từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện có giá bình quân chỉ dưới 600 triệu đồng mỗi chiếc, khá rẻ so với thị trường. Hầu hết là xe nội địa, ít mẫu xe liên doanh của các thương hiệu toàn cầu có mặt tại Trung Quốc nhập vào Việt Nam.
Mới đây, một số hãng xe Trung Quốc như Great Wall Motors, SAIC trước đó là Geely đã lộ rõ tham vọng tấn công vào thị trường các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, nơi giá xe bình quân vẫn đắt đỏ và quá túi tiền của nhiều người. Nhà sản xuất của những thương hiệu như MG, Haval hay Dongfeng... đã và đang tỏ rõ ý định thâm nhập thị trường các quốc gia Đông Nam Á sau khi đặt trụ sở kinh doanh tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Ngày 9/6, tại Thái Lan, hãng xe Great Wall Motors - chủ quản của mẫu xe chiến lược Trung Quốc là Haval đã ra mắt nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Trung Quốc tại Thái Lan. Nhà máy 700 triệu USD được cho là sẽ sản xuất, lắp ráp hàng loạt mẫu xe xuất khẩu Haval ra toàn Đông Nam Á nhằm tận dụng lợi thế bỏ thuế nhập khẩu.
Các mẫu xe điện Trung Quốc đang thị uy sức mạnh với thế giới và khu vực, có thể thời gian tới đây là những mẫu lăn bánh trên đường phố Việt Nam (Ảnh minh họa).
Hiện mẫu Haval H6 được coi là một trong những niềm tự hào của ngành xe hơi nội địa Trung Quốc, doanh số cao nhất trong nhóm xe trong nước, thậm chí luôn lọt top đầu (trong đó có cả xe Đức, Mỹ, Nhật) các mẫu xe bán chạy nhất tại Trung Quốc. Năm 2020, bình quân, mẫu xe này có doanh số 30.000 - 50.000 chiếc/tháng, tương đương 300.000 - 600.000 chiếc/năm, con số bằng tổng lượng xe bán ra tại Việt Nam.
Nếu ra mắt tại Thái Lan, mẫu Haval có thể là nỗi ác mộng của các hãng xe, thương hiệu và doanh nghiệp xe tại ASEAN bởi lợi thế lớn từ quy mô và chất lượng mẫu xe này có thể khiến áp lực cạnh tranh ngày một quyết liệt hơn ở thị trường hơn 650 triệu dân trong ASEAN.