Cho dù lượng phân bón do các nhà máy trong nước sản xuất thừa đáp ứng nhu cầu về phân ure, trong năm 2015 lượng phân ure nhập khẩu vẫn lên tới 652.000 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2014.
Vận chuyển phân bón tới các điểm tiêu thụ - Ảnh: TL. |
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết một số doanh nghiệp nhập phân ure để tái xuất đi các thị trường khác, không phải cho nhu cầu trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2015, Việt Nam đã nhập về 4,56 triệu tấn phân bón các loại, với tổng giá trị nhập khẩu là 1,43 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 20% về lượng và 15% về giá trị so với 2014. Hai mặt hàng phân bón nhập khẩu tăng cao là ure và SA. Ngoài lượng phân ure nhập khẩu tăng gấp 3 lần, lượng nhập khẩu phân SA cũng tăng 13% lên 1,05 triệu tấn.
Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm gần 47% tổng giá trị nhập khẩu, phần còn lại là từ Indonesia, Malayxia, Hàn Quốc, Bỉ...
Vào đầu năm 2015, theo Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, tổng lượng phân bón mà Việt Nam cần trong cả năm vào khoảng 10,83 triệu tấn, trong đó có 2,1 triệu tấn ure. Sản xuất trong nước là gần 8,3 triệu tấn, trong đó, ure dự kiến là 2,27 triệu tấn. Như vậy, lượng phân bón các loại cần nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước chỉ là 2,53 triệu tấn.
Do đó, nếu so sánh lượng nhập khẩu đến hết năm 2015 là 4,56 triệu tấn và theo lời ông Nguyễn Hạc Thúy đã nói ở trên, lượng phân bón tạm nhập tái xuất trong năm qua phải hơn 2 triệu tấn các loại.
Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến 15-10-2015, lượng phân bón xuất khẩu các loại đạt gần 647.500 tấn, giá trị xuất khẩu là gần 233 triệu đô la Mỹ. Như thế, căn cứ trên những con số dự báo và thực tế thì có thể thấy dự báo của cơ quan quản lý đã không khớp với nhu cầu thực tế hoặc có thể vào thời điểm này vẫn còn một lượng phân bón còn tồn kho trong doanh nghiệp, nông dân để chuyển sang đáp ứng nhu cầu vụ đông xuân 2016.
Theo Ngọc Hùng - Saigontimes