"Đắk Lắk là vùng đất không phải cái nóng rát của cao nguyên như mình vẫn hay nghĩ. Không lạnh như Đà Lạt, nhưng phảng phất hơi đất đỏ trong cái âm ấm của vùng cao nguyên rất dễ chịu", Quốc Cường chia sẻ.
Nhân vật trải nghiệm: Phạm Quốc Cường
Hiện đang sinh sống tại Nha Trang
Phương tiện di chuyển:
Bạn có thể đến Đắk Lắk bằng rất nhiều cách, với các phương tiện như: máy bay, hoặc xe bus. Từ Sài Gòn hoặc Hà Nội có các chuyến bay thẳng đến thành phố Buôn Ma Thuột. Từ sân bay về trung tâm thành phố rất gần khoảng 10 km.
Địa điểm lưu trú:
Bạn có thể chọn lưu trú tại các homestay, nhà rông được decor kiểu thổ cẩm như K’pan, Lá và Lúa. Tuy nhiên vì di chuyển nhiều, để cho tiện nghi, trong hành trình này anh chàng Quốc Cường đã chọn Highland House, liên hệ thẳng fanpage với giá 350k/đêm/phòng 2 người.
"Khách sạn sạch sẽ, gần quán cà phê đẹp, khu ăn uống, đường lớn. Các bạn nhân viên rất dễ thương. Trong homestay còn có một quán cà phê, tiện cho bạn ngồi đọc sách hoặc làm việc buổi tối. View hồ Lắk, phòng ốc decor kiểu thổ cẩm Tây Nguyên cực kỳ tinh tế và sang chảnh, mỗi phòng đều có ban công hướng hồ, không khí cực kỳ thư giãn" anh chàng 9X chia sẻ thêm.
Những địa điểm tham quan nổi tiếng ở Đắk Lắk
Chùa Sắc tứ Khải Đoan (free): đây là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng ở Cao Nguyên. Kiến trúc toàn gỗ kiểu nhà rường Huế với tone màu nâu vàng chủ đạo, là điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến Buôn Mê. Trừ khuôn viên phía dưới, còn lại muốn lên trên chiêm bái, tất cả mọi người đều phải bỏ giày đi chân đất để giữ gìn vệ sinh cho nhà chùa.
Vườn thực vật Troh Bư, Buôn Đôn (25k): Một vườn thực vật tư nhân, được xây dựng theo mục tiêu chính là bảo tồn các loài lan rừng tự nhiên Việt Nam vùng cao nguyên. Có xích đu tổ chim kiểu Bali khá độc đáo thú vị.
Đá Voi Mẹ (free): Tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam. Một nơi để thử thách nhẹ lòng gan dạ khi leo từng bước chênh vênh lên dốc đá thoai thoải không có chỗ bám giữa gió trời cao nguyên.
Hồ Lắk: Hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai ở Việt Nam (sau hồ Ba Bể). Ở Buôn Mê, voi không có nhiều ở trung tâm thành phố, phải chạy 50-60 cây số ra Bản Đôn hoặc Hồ Lắk. Ở đây người ta làm dịch vụ cưỡi voi. 200k/2 người cho quãng đường tầm 15 phút. "Tuy nhiên để bảo vệ phúc lợi động vật thì mình không khuyến khích các bạn dùng dịch vụ này. Nhớ check in trên thuyền độc mộc ở hồ nhé, nếu không sẽ rất phí vì khung cảnh ở đây thực sự rất diễm lệ", chàng 9X nhấn mạnh.
Buôn Đôn: chính là Bản Đôn với bài hát chú voi con đã đi vào huyền thoại.
Thác Draysap- Draynur- Gia Long: cụm 3 thác huyền thoại ở Tây Nguyên. Tuy nhiên nếu có thêm thời gian bạn nên chọn tham quan một thác.
Làng Cà phê Trung Nguyên: Có chung chủ đầu tư với Bảo tàng Cà phê là tập đoàn Trung Nguyên, đây thực chất là một quán cà phê có diện tích rộng 20.000m² trang trí các công trình kiến trúc cho khách uống cafe và tham quan. Vào cửa free.
Bảo tàng Thế giới Cà Phê: điểm check in mới nổi, kiến trúc Tây Ta sang trọng, tinh tế. Mới mở cửa đón khách từ cuối tháng
"Thiết kế nương ở đây nương theo không gian quen thuộc của nhà rông Tây Nguyên, sử dụng chất liệu xây dựng mang tính bản địa. Ấn tượng nhất là không gian triển lãm nghệ thuật sắp đặt cực kỳ Tây, sang trọng và đẳng cấp. Giá vé 75k/người. Phải bỏ tất cả các loại giày dép và túi xách ngay cổng vé", Quốc Cường chia sẻ thêm.
Ngoài ra các bạn có thể ghé thăm:
Tháp Chàm Yang Prong: một trong những công trình cổ còn sót lại của người Chăm Pa cổ tại vùng đất Tây Nguyên này. Nó còn có tên gọi khác là tháp Chàm Rừng Xanh.
Khu du lịch sinh thái Kotam: đầy mới mẻ và cuốn hút.
Buôn Jun – Buôn Lê: tìm hiểu về nét văn hóa của người dân tộc ở Tây Nguyên.
Ăn gì ở Đắk Lắk?
Đến vùng đất này bạn nhớ đừng bỏ những món đặc trưng nhất Buôn Mê như: Cơm gà 52, 111 Lê Thánh Tông, phở hai tô 39 Lê Thánh Tông, lẩu cá lăng Sáu Quang, 247 Y Jut, Thắng Lợi, BMT...
Tóm lại sau hành trình này, tổng chi phí của anh chàng Quốc Cường chỉ hết 1 triệu 479k, quá rẻ cho một hành trình khám phá đầy thú vị và nhiều trải nghiệm về vùng đất cà phê nổi tiếng.
Theo Huyền Châu (Thế giới trẻ)