Bao giờ thế hệ trẻ Việt Nam mới có thể đứng trong hàng ngũ của “công dân toàn cầu” nếu chỉ chăm chăm đáp ứng theo những chuẩn mực Việt Nam.
Xung quanh vấn đề luyện chữ có cần thiết đang thu hút nhiều tranh luận, người viết muốn được đặt lại câu hỏi với một số quan niệm phổ biến hiện nay.
Kiến thức, luyện chữ: cái gì cũng chọn?
Nếu phải lựa chọn: đầu tư cho con trẻ những kiến thức, trải nghiệm mới hay tiếp tục đưa con vào những “lò luyện” để chữ đẹp đẽ, bắt mắt, các ông bố bà mẹ sẽ quyết định thế nào?
Tôi chắc chắn rằng, nhiều người sẽ chọn cả hai, có nghĩa là vừa cho con học thêm những kiến thức mới, bổ ích khác, vẫn bắt các con phải “luyện chữ”. Đó là kiểu tư duy cầu toàn, cái gì cũng muốn của chúng ta,ít khi nào chúng ta cho phép mình trên một con đường rõ rệt, chấp nhận đi theo một định hướng chủ đích nào đó.
Thế thì tội nghiệp bọn trẻ quá! Thời gian của mỗi người đều hữu hạn, một ngày cũng chỉ có 24 giờ. Chưa kể, trẻ em có năng lực tiếp thu, sức khỏe, thể trạng khác người lớn.
Đã đến lúc người lớn chúng ta phải lựa chọn, phải xác định rõ ràng, cái gì cần thiết, cái gì không cần thiết. Đừng cố gắng theo kiểu “càng nhiều càng tốt”, và hãy tôn trọng chính quyền lựa chọn của con em mình.
Hơn nữa, thế nào là xấu, thế nào là đẹp đều rất vô chừng, mỗi nơi lại có những tiêu chuẩn, chuẩn mực khác nhau. Trong bối cảnh “thế giới phẳng” như ngày nay, liệu ta có thể áp đặt chuẩn mực cái đẹp của Việt Nam cho một “công dân toàn cầu”?
Điều cần thiết cơ bản nhất, điều kiện trước tiên trong ngôn ngữ viết đó là “sạch sẽ, rõ ràng. Không quá khó để giúp một đứa trẻ làm được điều này ngay từ những năm học phổ thông. Cái cần thiết hơn đối với một văn bản dù viết tay hay đánh máy là phải khiến người đọc hiểu, bởi có vậy mới có thể trao đổi, giao tiếp được. Do đó rất cần chú ý về bố cục văn bản, ý tứ, lời lẽ… thay vì chăm chăm chữ xấu, chữ đẹp.
Tôi nhớ có một bạn sinh viên, viết chữ rất đẹp, rất khuôn khổ, nhưng mỗi khi làm bài tôi không bao giờ thấy bạn ấy đọc lại bài, kiểm tra hay phải xem xét cẩn thận những gì mình viết. Để cuối cùng có thể bị sai sót, thiếu ý… Thế là bài làm của bạn ấy dù rất bắt mắt nhưng không thể nào đạt điểm cao. Riêng tôi có thể “có chút cảm tình” với bài làm của bạn ấy, nhưng không thể nào đi sai nguyên tắc chấm bài, thang điểm đã đưa ra.
Cứ chăm chăm đáp ứng "chuẩn Việt", bao giờ có nổi công dân toàn cầu? Ảnh minh họa
Luyện chữ là luyện sự tỉ mỉ, tính cẩn thận?
Theo cá nhân tôi nghĩ, luyện chữ chưa phải là phương pháp để rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận cho trẻ. Nó cũng sẽ chỉ giống như một môn ngoại khóa, nghệ thuật, rèn luyện tính thẩm mỹ, bồi dưỡng năng khiếu.
Mặt khác, tại sao chúng ta không chọn cho trẻ những hoạt động khác có thể vừa rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, vừa giúp tiếp thu thêm những điều mới mẻ, ứng dụng được trong cuộc sống thực tế.
Ở nước ngoài, bên cạnh các chương trình chính khoá, trẻ còn được tạo điều kiện học thêm các khoá học kỹ năng, thực hành các công việc thực tế, vô cùng hữu ích cho cuộc sống. Ví dụ: các hoạt động thể dục thể thao, thể chất cũng là một cách rèn tính kiên nhẫn, để tập luyện và thành thục một môn nào đó là một sự khổ luyện không ngừng nghỉ, ngoài ra nó còn có giá trị về sức khoẻ. Các khoá học làm bánh, nấu ăn… là cách để rèn tính tỉ mỉ, ngăn nắp, sự chuyên tâm và hơn hết các khoá học này sẽ giúp trẻ tự lập hơn, giúp các em tổ chức cuộc sống cho mình sau này.
Minh hoạ rõ nét nhất là đứng trong môi trường sinh viên quốc tế, tài hoa chưa thấy đâu, chỉ biết sinh viên chúng ta vẫn là những người yếu về thể chất, thiếu kỹ năng sống… Tôi từng chứng kiến nhiều bạn đi du học, chỉ suốt ngày chén đồ ăn nhanh và mì gói, vì không biết làm công việc nhà hay nấu nướng. Bố mẹ có xót ruột thì nấu món này món nọ, chuẩn bị đồ khô… gửi qua đều đặn theo đường hàng không.Trong khi sinh viên nước ngoài từ cái chén, cái bát, đến sửa cái xe, dựng cái nhà… thứ gì cũng có thể xắn tay vào làm.
Còn rất nhiều, rất nhiều những hoạt động khác đầy thú vị. Tại sao không chọn?
Đã đến lúc chúng ta có sự chọn lựa và đầu tư đúng hướng, xây dựng một con người phát triển có chiều sâu, có tư duy hay chỉ là những “con gà công nghiệp”, qua những “lò luyện” theo những khuôn mẫu y đúc. Bao giờ thế hệ trẻ Việt Nam mới có thể đứng trong hàng ngũ của “công dân toàn cầu” nếu chỉ chăm chăm đáp ứng theo những chuẩn mực Việt Nam.
Công Danh / VietnamNet