Từng tham gia biên soạn đề thi tuyển sinh đại học những năm 1980, thầy giáo Nguyễn Phương chỉ ra lý do khiến đề thi dễ, thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học.
Đã có nhiều giải thích về hiện tượng thí sinh đạt điểm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối vẫn trượt đại học. Theo quan sát của riêng tôi, có hai nguyên nhân cơ bản. Một là đề thi quá dễ nên đánh mất khả năng phân loại trình độ thí sinh. Hai là sự mâu thuẫn nội sinh của kỳ thi "hai trong một" với mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học.
Đề thi tốt nghiệp THPT 7 năm qua cho thấy xu hướng ngày một dễ hơn so với những năm trước, trong đó có đề thi tiếng Anh. Nếu nhìn vào phổ điểm kết quả bài thi môn tiếng Anh năm 2021 với hai đỉnh, người ta thấy sự bất bình thường, bài thi không có khả năng phân loại, nói nôm na là sàn sàn như nhau. Trước khi có kỳ thi "ba chung" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các trường tự chủ toàn bộ việc tuyển sinh, đề thi không có hiện tượng này.
Phổ điểm môn thi tiếng Anh năm 2021.
Câu hỏi đặt ra tại sao đề thi dễ? Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá tốt nghiệp phổ thông và kiến thức đề thi chủ yếu ở lớp 12 nên tất nhiên dễ.
Trong khi đó một đề thi tốt là có khả năng phân loại thí sinh (giỏi được điểm cao, yếu điểm thấp, chứ không phải ngang ngang bằng nhau), phản ánh đúng trình độ thực tế của thí sinh, có khả năng bao quát và tổng hợp được kiến thức đã học (chứ không chỉ là nhớ những chi tiết cụ thể) và đáp ứng được mục tiêu kỳ thi, nhất là kỳ thi có tính tuyển - loại, chọn người có năng lực học đại học.
Để có đề thi đáp ứng được các yêu cầu như vậy, những người biên soạn cần đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, thời gian và đó không phải là việc dễ. Còn nếu chỉ vì sự an toàn, tức là lảng tránh những câu hỏi khó để khỏi sai sót thì khó có thể có một đề thi tốt. Một số ít người biên soạn đề thi chỉ sợ sai nên có xu hướng soạn thật dễ. Đề thi càng dễ thì người soạn càng nhàn và sai sót càng ít.
Ngoài ra, người trực tiếp tham gia biên soạn đề thi còn chịu thêm áp lực từ hội đồng ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những ai từng tham gia kỳ thi này, đặc biệt các trưởng môn thi, có lẽ thường xuyên được nhắc nhở về điểm thi thấp (nếu có) của những năm trước để tránh. Người ta quên mất chất lượng dạy và học thực tế tại trường phổ thông rất có vấn đề.
Tình trạng như hiện tại sẽ lặp lại những năm sau này, nếu mọi chuyện vẫn như cũ, nếu đề thi vẫn soạn theo hướng vì mục đích an toàn. Tôi biết đồng nghiệp sau tôi đều là thầy cô giỏi từ các trường phổ thông và đại học trên khắp cả nước, nhưng họ cũng chịu nhiều sức ép.
Thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá mức độ hoàn thành chương trình phổ thông, còn thi đại học là tuyển chọn người có năng lực học đại học. Chúng khác nhau về mục đích và bản chất. Một bài thi đánh giá mức độ hoàn thành chương trình khó có thể dùng để tuyển sinh đại học. Và thực tế không phải bất cứ ai tốt nghiệp phổ thông đều có thể học được đại học một cách hiệu quả.
Với đề thi nhằm đánh giá mức độ hoàn thành chương trình phổ thông, nội dung nhất thiết phải bám sát chương trình, sách giáo khoa. Trong khi đó bài thi tuyển - loại phải ở mức cao hơn, đánh giá năng lực học đại học của thí sinh. "Nhốt" hai thứ đó vào cùng một bài thi, thêm quy định "không vượt ra ngoài chương trình phổ thông" thì chuyện 30/30 điểm vẫn trượt đại học là khó tránh.
Để khắc phục tình trạng này, tôi muốn bảo lưu ý kiến từng nêu ra. Một, xét tốt nghiệp phổ thông dựa trên thành tích và quá trình học tập, hoặc giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh, thành. Hai là trả việc tuyển sinh về các đại học, cao đẳng hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học trong lúc các trường chưa sẵn sàng.
Có ý kiến cho rằng nên mở cửa đại học không cần thi. Ý kiến đó chắc từ những trường đang "đói" người học.