Các chính sách ưu đãi với nhà đầu tư, chi phí nhân công giá rẻ, chính trị ổn định và không quá xa về mặt địa lí – văn hóa giúp Việt Nam trở thành môi trường lí tưởng cho các nhà đầu tư xứ sở Kim chi.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về tổng số và số dự án đầu tư.
Việt Nam cũng là một trong những đối tác quan trọng trong chiến lược đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc.
Đến nay, Hàn Quốc đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 59 nghìn dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 387,5 tỷ USD và 270 tỷ USD tỷ USD vốn giải ngân. Việt Nam là quốc gia được đầu tư lớn thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
So với mặt bằng chung các quốc gia thu hút FDI Hàn Quốc có cùng trình độ phát triển như Indonesia, Sri Lanka, Phillipines, Thái Lan, Cambodia, Myanmar... các doanh nghiệp Hàn Quốc đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam.
Xét theo thứ tự ưu tiên về khu vực, ASEAN cũng là khu vực quan trọng thứ 3 về đầu tư ra nước của Hàn Quốc sau Bắc Mỹ và Trung Quốc, với số vốn đăng ký đầu tư lũy kế đạt khoảng 70 tỷ USD (tính đến cuối năm 2014).
Việt Nam là quốc gia được đầu tư nhiều nhất trong khối ASEAN, chiếm một nửa tổng số vốn đầu tư (khoảng 36,7 tỷ USD tính đến hết năm 2014). Hiện tại, con số lũy kế đến tháng 4/2016 đã lên đến 48 tỷ USD.
Hàn Quốc đã đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động và lĩnh vực xây dựng. Hai hình thức đầu tư chính là 100% vốn nước ngoài (chiếm đến 95%) và liên doanh.
Từ năm 2009, FDI Hàn Quốc vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng mạnh, từ mức 60% giai đoạn trước lên mức trên 80%. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp, công nghệ cao chiếm ưu thế so với các dự án công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động trước đây.
Nhìn chung các địa phương có nhiều dự án FDI Hàn Quốc đều có đặc điểm chung nằm tại 2 đầu tàu kinh tế của cả nước quanh 2 đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có lợi thế về hạ tầng giao thông, năng lượng, nguồn nhân lực, logistic, điều kiện sinh sống cho người nước ngoài thuận lợi, thị trường tiêu thụ lớn và tiềm năng ...
Công nhân Việt Nam lắp ráp điện thoại ở nhà máy Samsung.
Theo khảo sát của Cục đầu tư nước ngoài, về mục đích đầu tư, người Hàn chọn đầu tư ra nước ngoài nói chung với các mục tiêu tiếp cận thị trường (36% mục đích đầu tư), tiết giảm chi phí sản xuất (31%), tiếp cận nguồn nguyên liệu; tiếp cận công nghệ nguồn; tránh rảo cản thương mại và đầu tư kết hợp phát triển thương mại.
Chính phủ Hàn Quốc nói chung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, trong đó coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược với nhiều ưu thế như:
- Nguồn lao động cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lắp ráp.
- Thị trường tiêu thụ tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở - dễ tiếp cận.
- Ổn định chính trị và quan hệ chính trị, văn hóa hai nước liên tục phát triển.
- Vị trí địa lý thuận lợi.
- Chính sách ưu đãi tương đối cạnh tranh.
- Chiến lược đầu tư China +1...
Rõ ràng, với các điều kiện ở Việt Nam, từ ưu đãi với nhà đầu tư, chi phí nhân công giá rẻ, chính trị ổn định và không quá xa về mặt địa lí – văn hóa, là môi trường lí tưởng cho các nhà đầu tư xứ sở Kim chi.
Ngoài ra, đón đầu xu hướng ưu đãi thuế quan khi các nước ASEAN tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tận dụng được lợi thế thị trường “gốc” ở Việt Nam để lan tỏa hàng hóa ra toàn Đông Nam Á. Samsung là một ví dụ cực kì điển hình khi đã gần như chuyển toàn bộ việc sản xuất sang Việt Nam.
Cùng với việc Việt Nam sẽ gia nhập TPP, ký Hiệp định FTA Việt - Hàn... trong thời gian tới, làn sóng FDI từ Hàn Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng.
Kiến Anh
Theo Trí Thức Trẻ