Các ngân hàng đang bước vào mùa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2021. Tại một số ngân hàng, hoạt động mua bán-sáp nhập, ghế nóng đổi chủ sẽ là chủ đề nóng được nhiều cổ đông quan tâm.
PG Bank là ngân hàng tổ chức họp ĐHĐCĐ sớm nhất và cũng là ngân hàng có nhiều thay đổi về nhân sự cấp cao ảnh: đ.t
Ghế nóng đổi chủ khiến ĐHĐCĐ thêm sôi động
Lo lắng phải giãn lịch họp ĐHĐCĐ đến tận giữa năm như năm ngoái, năm nay, nhiều ngân hàng công bố kế hoạch họp từ rất sớm. Đến thời điểm này, đã có 6 ngân hàng chốt kế hoạch tổ chức họp ĐHĐCĐ năm 2021. Trong đó, dự kiến tổ chức sớm nhất phải kể đến PG Bank (ngày 9/3), tiếp đó là BIDV (ngày 12/3), MSB (ngày 24/3), ACB (ngày 6/4), Sacombank (23/4). Riêng VIB mới chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự vào ngày 17/2, ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/2, mà chưa chốt ngày họp ĐHĐCĐ.
Tài liệu trình ĐHĐCĐ chưa được các ngân hàng công bố. Tuy nhiên, với diễn biến mua bán cổ phần và thay đổi nhân sự cấp cao như thời gian qua, vấn đề mua bán cổ phần ngân hàng sẽ là nội dung được cổ đông và dư luận đặc biệt quan tâm.
Tổ chức họp ĐHĐCĐ sớm nhất và cũng là ngân hàng lận đận nhất với các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) là PG Bank. Mặc dù được Ngân hàng Nhà nước đồng ý về chủ trương, được cổ đông của các bên đồng ý thông qua, song chặng đường “về một nhà” với VietinBank, sau đó là HDBank, đều lần lượt thất bại. Tuy nhiên, nhiều khả năng, PG Bank sẽ sớm sáp nhập với Ngân hàng MSB.
Tin đồn ông chủ MSB vung tiền gom cổ phiếu PG Bank đã rộ lên từ cuối năm 2020, khi liên tiếp hai nhân sự kỳ cựu cấp cao của MSB sang nắm giữ vị trí Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc PG Bank.
Đầu năm nay, PG Bank đã gửi văn bản thông báo tới cổ đông về việc đề cử nhân sự dự kiến bầu thay thế và bổ sung vào chức danh thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát của PG Bank nhiệm kỳ 2020-2025.
Hiện tại, cơ cấu cổ đông của ngân hàng này rất cô đặc. Ngoài 40% cổ phần thuộc sở hữu của Petrolimex, thì 28 cổ đông còn lại nắm tới gần 55% vốn điều lệ (cơ cấu sở hữu cụ thể không được ngân hàng này công khai).
Theo báo cáo của MSB, tại thời điểm cuối năm 2018, ngân hàng này nắm gần 10% vốn điều lệ của PG Bank. Ngân hàng này sau đó có tuyên bố thoái vốn, song không có công bố nào sau đó về việc thoái vốn thành công hay không. Năm 2020, hai lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này sang nắm giữ chức vụ chủ chốt tại PG Bank, cho thấy, khả năng nhóm cổ đông từ MSB đã tăng nắm giữ cổ phần tại PG Bank là có cơ sở.
Ngoài các thương vụ đã lộ diện, vấn đề mua bán công ty tài chính dự kiến cũng được cổ đông chất vấn tại cuộc họp ĐHĐCĐ các ngân hàng hiện nay, tiêu biểu như SHB, VPBank, MSB….
Trong khi danh tính cổ đông tại PG Bank vẫn trong cảnh tranh tối tranh sáng, thì tại Kienlongbank, ghế nóng đã đổi xong chủ. Với sự tham gia của nhóm cổ đông đến từ Sunshine Group, cuối tháng 1/2021, ngân hàng này đã có Chủ tịch HĐQT mới là ông Lê Hồng Phương. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng bắt đầu thực hiện một số chiến lược thay đổi mới. Gần đây nhất, Sunshine đã ra sức quảng bá cho thương hiệu ngân hàng số KSBank.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank cho hay, thay đổi nhãn hiệu ngân hàng số nằm trong chiến lược thực hiện một số thay đổi của ngân hàng và việc này sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Theo kế hoạch đề ra, năm 2021, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6,3 lần so với năm 2020.
Cổ đông mới dần lộ diện
Tại một số ngân hàng, tuy các vị trí ghế nóng chưa có nhiều thay đổi, song các cổ đông mới cũng đã bắt đầu hiện diện, khiến cổ đông tò mò về định hướng chiến lược kinh doanh sắp tới của ngân hàng.
Tuy không nắm giữ chức vụ chủ chốt nào tại LienVietPostBank, song ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thai Group (công ty mẹ của Thaiholdings) mới đây đã xuất hiện với vai trò là cổ đông lớn của LienVietPostBank.
Trước đó, thông tin “bầu” Thụy mạnh tay mua lượng lớn cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đã xuất hiện. Vào tháng 11/2020, khi cổ phiếu LPB chính thức chào sàn HoSE, “bầu” Thụy cũng bất ngờ xuất hiện trên sân khấu tại nghi lễ đánh cồng, đứng cùng hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt ngân hàng này.
Hiện trụ sở chính của LienVietPostBank đã được chuyển về tòa nhà Thai Holdings Tower theo hợp đồng thuê nhà trị giá 424 tỷ đồng trong 5 năm. Việc ông chủ Thai Group bắt tay với LienVietPostBank được cho là sẽ mang lại các giá trị cộng hưởng cho ngân hàng này.
Ngoài các thương vụ đã lộ diện, vấn đề mua bán công ty tài chính dự kiến cũng được cổ đông chất vấn tại cuộc họp ĐHĐCĐ các ngân hàng hiện nay, tiêu biểu như SHB, VPBank, MSB…
MSB từng công bố đã đàm phán cơ bản xong với Công ty TNHH Hyundai Card để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc (FCCOM), song chưa rõ hồ sơ đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hay chưa. Trong khi đó, lãnh đạo SHB cũng nhiều lần cho biết, họ đang đàm phán với các đối tác để bán bớt cổ phần tại SHB Finance.