Đó là nhận định của Bloomberg về hoạt động xuất khẩu Việt Nam trong năm 2017.
Ảnh minh họa. |
Từ điện thoại di động đến đồ gỗ, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục bùng nổ trong năm 2017 và không có dấu hiệu suy yếu, bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên trì với những đường lối thương mại cứng rắn của mình.
Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (UpCOM: XHC), chuyên về sản xuất đồ gỗ, đang lên kế hoạch tăng đơn đặt hàng xuất khẩu thêm 20% trong năm 2018. Để thực hiện được mục tiêu này, Công ty đã đầu tư 3 triệu USD vào thiết bị để mở rộng sản xuất, Tổng Giám đốc Lê Duy Anh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Công ty ở Hà Nội này chuyên làm bàn và tủ cho văn phòng cho các khách hàng, bao gồm Ikea.
Ông Lê Duy Anh nói: "Tôi khá lạc quan về doanh thu của chúng tôi trong năm tới. Chúng tôi có khách hàng mới ở châu Âu trong khi khách cũ cũng đặt hàng nhiều hơn năm ngoái."
Khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào đầu năm 2017, nhiều người đã cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam, khi mà 1/5 xuất khẩu hàng hóa của đất nước là sang nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thực tế lại là một công chuyện khác, sự phục hồi thương mại toàn cầu và lực lượng lao động trẻ và chi phí thấp của Việt Nam là điều đã thu hút các nhà đầu tư quốc tế như Nestlé. Công ty có trụ sở ở Thụy Sĩ đã mở thêm nhà máy ở Việt Nam trong năm nay. Điều này giúp thúc đẩy nền kinh tế và các chuyên gia kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,75% trong năm nay, tốc độ tăng trưởng thuộc vào loại cao nhất thế giới.
"Đây là thập niên đầy cơ hội dành cho Việt Nam khi đất nước này đang dần trở thành một sản xuất của thế giới", Eugenia Victorino, một nhà kinh tế của ngân hàng ANZ Singapore, cho biết. "Việc đa dạng hóa các sản phẩm và thị trường tạo nên nhiều đầu ra cho xuất khẩu. Chúng tôi rất lạc quan về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, mặc dù vẫn còn chút quan ngại về nợ xấu".
Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu và Asean. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ đã giúp ích cho Việt Nam. Nước ta hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất của Đông Nam Á vào nền kinh tế số 1 thế giới.
Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB), công chuyên sản xuất đồ gia dụng cho các cửa hàng thuộc chuỗi Wal-Mart ở Mỹ, dự báo rằng xuất khẩu của công ty sẽ tăng trưởng 30% trong năm tới. Thị trường Mỹ chiếm 40% doanh thu của Phú Tài.
Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục 177 tỷ USD năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 22% giá trị xuất khẩu. Điện thoại di động và các bộ phận chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị xuất khẩu. Theo Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu chiếm 90% GDP vào năm 2015, so với mức 64% một thập kỷ trước.
Ngoài việc mua thêm thiết bị, ông Lê Xuân Anh cho biết công ty tuyển thêm 100 lao động. Công ty của ông hiện đang chuẩn bị hàng cho đợt xuất khẩu trong quý I.2018. Việt Nam sẽ dựa vào nhiều đợt xuất khẩu như vậy để đạt được mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2018.
Nhà kinh tế học Vũ Minh Khuong, Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore và cũng là thành viên của tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết Việt Nam cần phải lưu ý một số rủi ro tiềm ẩn trong năm tới. Rủi ro đó có thể xuất phát từ Mỹ và một số thị trường quốc tế khác. Theo ông Khương, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang rất mạnh mẽ.
Hoàng Phượng / NCĐT