Tròn 47 năm non sông liền một dải, nhìn thành phố đỏ rợp cờ bay, càng vững niềm tin rằng, đất nước sẽ lại ca khúc hùng ca trác tuyệt...!
Cùng đất nước hòa niềm vui mừng 47 năm thống nhất, là rộn ràng niềm vui “ngày bình thường”, tưởng nhỏ bé mà quý giá vô ngần, sau hơn 2 năm vất vả và “cửa đóng, then cài” vì Covid-19
1.
Một người dân TP.HCM đăng lên facebook cá nhân của mình rằng: “Những tổn thương mà Cô-vy gây ra cho chúng tôi không biết bao giờ mới lành lặn nổi, nhưng có một thứ đang phục hồi rất nhanh: đó là kẹt xe”.
Một câu nói đùa, nhưng mà lại thật và khiến nhiều người tủm tỉm. Bởi ở ngoài Hà Nội cũng thế, không chỉ giờ cao điểm, mà giờ đây, nhiều tuyến đường ùn tắc kéo dài cả ngày khi Hà Nội chuyển trạng thái “bình thường mới”.
Nỗi ám ảnh kẹt xe ngày nào giờ đã quay trở lại, nhất là kể từ khi tụi nhỏ, ngay cả bậc mầm non, cũng đã được phép đến trường.
Nhớ có lần, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, ông vui khi nhìn thấy dọc đường xuống Hải Phòng hay đi lên các cửa khẩu, xe ùn tắc trên đường. Bởi điều đó có nghĩa, các hoạt động thông thương hàng hóa vẫn đang “chạy” rất tốt.
Bởi thế, khi tắc đường - thứ “đặc sản” xưa mà trong những ngày Covid-19 căng thẳng, nhiều người thấy “nhớ” - đã trở lại, mệt mỏi đấy, nhưng niềm vui lại nhen lên trong mắt. Đã thực sự là “bình thường mới”, mà không, phải là “bình thường” mới đúng. Tháng trước, khi họp Chính phủ, Thủ tướng cũng chỉ nhắc đến hai chữ “bình thường”. Không phải là “bình thường mới” nữa, cuộc sống bình thường đã quay lại, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã được bình thường hóa, dù khó khăn, vất vả còn bộn bề.
Đúng ngày 29/4, Đà Nẵng đón chuyến bay chở 220 vị khách đầu tiên từ Hàn Quốc đến với thành phố biển, sau 2 năm phải tạm ngưng do dịch Covid-19. Doanh thu từ du lịch của nhiều địa phương trong cả nước trong 4 tháng qua tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, riêng Khánh Hòa tăng tới 370%. Nghỉ lễ 30/4-1/5, thậm chí ngay từ kỳ nghỉ Giỗ Tổ 3 tuần trước, khách sạn, nhà hàng khắp các khu du lịch lớn, nhỏ đều kín khách. Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao còn hơn cả thời chưa có Cô-vy.
Bởi thế, cùng đất nước hòa niềm vui mừng 47 năm thống nhất, là rộn ràng niềm vui “ngày bình thường”, tưởng nhỏ bé mà quý giá vô ngần, sau hơn 2 năm gian nan, vất vả và “cửa đóng, then cài” vì Cô-vy.
Bạn tôi nói đúng, những tổn thương do Covid-19 gây ra, cao hơn nữa là những mất mát, đau thương của mấy chục năm trường kỳ kháng chiến, sẽ chẳng dễ nguôi ngoai. Nhưng bước qua nỗi đau, phía trước sẽ là tương lai.
2.
Khi Việt Nam đang đón những ngày bình yên, thì ở đâu đó trên trái đất này, chiến tranh, xung đột vũ trang vẫn đang xảy ra. Xót xa hơn khi nơi đó có những người dân Việt đang sống.
Hôm những tiếng súng đầu tiên nổ ở Ukraine, rất nhiều người Việt ở bên đó đã tìm cách di tản. Người sang Ba Lan, người đưa cả gia đình sang Đức, sang các nước châu Âu khác. Vẫn là Việt Nam mình, tìm cách đưa đồng bào về với quê hương, với đất nước yên bình. Tìm cách bao bọc, chở che nhau. Yêu thương và trọn vẹn nghĩa tình.
Không phải là “bình thường mới” nữa, cuộc sống bình thường đã quay lại, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã được bình thường hóa, dù khó khăn, vất vả còn bộn bề.
Đã nghe những người từ Ukraine về nói rằng, họ ra đi với hai bàn tay trắng, bỏ lại cơ nghiệp đã gần cả đời gầy dựng ở nơi đó. Tương lai bất định, tài sản còn lại chính là tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa đồng bào. Nghe mà thấy rưng rưng.
Đùm bọc, yêu thương, nghĩa đồng bào sâu nặng, từ ngàn đời nay vẫn thế, chính là lẽ sống của dân tộc Việt Nam ta. Từ công cuộc dựng nước và giữ nước ngàn năm trước, hay trong cuộc kháng chiến trường kỳ mấy chục năm chống giặc đã qua; đến cả thời nay cũng thế, khi chống lại “giặc” đói nghèo, “giặc” Cô-vy... Tất cả đều đoàn kết, đứng bên nhau một lòng, kiên cường, bất khuất, nhưng thấm đẫm tình người.
“Đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc và là đức tính cơ bản của người cách mạng”. “Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang”.
Cả trăm triệu người Việt đều hiểu lắm những điều này. Hiểu đất nước mình tuy nhỏ bé, nhưng kiên cường và bền bỉ xiết bao. Hiểu chẳng nơi nào trên trái đất này, cả dân tộc sinh ra cùng “một bọc”, trăm trứng nở ra trăm người, người lên rừng, người xuống biển, nhưng tất cả đều là anh em một nhà. Tất cả là đồng bào ta cả!
Hiểu nên dù mấy ai gặp được quá 10.000 người giữa đời thực, nhưng hễ nghe tin đồng bào trải qua mất mát trong đợt tịch, hay gặp thiên tai, bão lũ, lại xót xa và chung tay hỗ trợ. Có khi chỉ là một vòng tay ôm hay cái bắt tay thật chặt. Có khi chỉ là gói mì hay chục trứng. Có khi lại là chiếc bánh chưng xanh cả phố trắng đêm gói và luộc để gửi vào tâm dịch. Hay có khi chỉ là mớ rau, củ hành sẻ chia cho láng giềng lúc lỡ phiên chợ chiều... Ngay cả những kiều bào ở xa quê hương cũng sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, gửi về quê nhà những tình nghĩa thảo thơm.
Hiểu nên khi Chính phủ kêu gọi, những người Việt tài ba ở khắp nơi trên thế giới này cùng tề tựu về Việt Nam để cùng chung sức phát triển đất nước. Không chỉ là những đồng kiều hối quý giá, mà còn là trí tuệ, tri thức bao năm được “vun trồng” nơi xứ người. Tất cả, dù là người Việt ở trong hay ngoài nước, đều một lòng vì tương lai phát triển của đất nước.
Điều gì khiến hàng triệu người Việt trên khắp năm châu gọi nhau là đồng bào? Câu hỏi ấy cũng chính là câu trả lời cho lẽ sống của một dân tộc anh hùng...
3.
Nhớ năm nào, Bác Hồ viết: “Quan sơn muôn dặm một nhà/Vì trong bốn biển đều là anh em”. Người cũng đã từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Chân lý đó không bao giờ thay đổi. Lẽ sống đó muôn đời là niềm tự hào của đất nước con Rồng, cháu Tiên.
Tất cả là anh em, là đồng bào cùng chung một “bọc”. Vậy nhưng, vẫn có những kẻ giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nỗi đau chồng chất nỗi đau, mà vẫn táng tận lương tâm “vét cho đầy túi tham”. Vẫn vì tư lợi cá nhân mà sẵn sàng tham ô, móc ngoặc, vi phạm đạo đức, vi phạm cả pháp luật... Chuyện “lừa thầy, phản bạn” cũng không phải là không có.
Thế nên, liên tục thời gian gần đây, có truy tố, bắt bớ, có kiểm điểm, cảnh cáo... Một con ngựa đau, cả tàu còn bỏ cỏ, huống gì là kỷ luật, cách chức, thậm chí còng tay, xử tù. Xót xa đấy, nhưng không thể không làm.
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Học tư tưởng, đạo đức đoàn kết Hồ Chí Minh là gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta”.
Tập trung điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, vì thế chính là cách để “gột rửa” những ung nhọt làm xấu đi chân lý và lẽ sống đẹp đẽ của dân tộc Việt.
Ngay cả việc xử lý các sai phạm trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, vốn gây ồn ã trong dư luận gần đây, cũng là cách để không chỉ làm lành mạnh hóa thị trường, mà còn để bảo vệ những người làm ăn chân chính, bảo vệ cả nền kinh tế - nguồn sống của trăm triệu người dân Việt.
Năm xưa, khi quyết “xử” Trần Dụ Châu, vụ án chống tham nhũng đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã nói rằng: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.
Chặng đường phía trước còn gian nan. Bởi đây đó vẫn còn những sâu mọt, vẫn còn những người đang cố tình bước ngược đường lợi ích của cả một dân tộc. Bởi dù nhịp sống bình thường đang quay trở lại, nhưng rủi ro, thách thức phía trước còn rất lớn. Con đường đi tới phồn vinh, cường thịnh vẫn còn những đoạn gập ghềnh, khó đi...
Nhưng khi chúng ta hướng về phía mặt trời, thì bóng tối sẽ ngả về phía sau lưng... Giống như gần 50 năm về trước, khi mọi trái tim Việt đều đồng lòng một niềm tin tất thắng, chúng ta một lần nữa sẽ lại ca khúc hùng ca trác tuyệt...!