Với sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội, Việt Nam đang là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có sản phẩm nội đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng xuyên biên giới.
Mạng xã hội Việt tăng trưởng mạnh trong năm 2020
Theo số liệu của Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam (Bộ TT&TT), tính đến cuối năm 2018, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam là Facebook, YouTube, Instagram, Zalo và Mocha. Trong đó, chỉ có 2 doanh nghiệp Việt là Zalo và Mocha có quy mô đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ở thời điểm đó, mạng xã hội lớn nhất là Facebook có 60 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Cùng thời gian, Zalo có khoảng 40 triệu người dùng còn Mocha có khoảng 4,5 triệu người sử dụng.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài những doanh nghiệp kể trên, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam giờ đây đã xuất hiện thêm 2 cái tên mới là Gapo, Lotus (cùng ra mắt năm 2019).
Theo thống kê của VietNamNet, tính đến tháng 11/2020, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng. Xếp sau nền tảng này lần lượt là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên).
Đây không phải tổng số tài khoản đăng ký (account) mà là tổng số người dùng hoạt động hàng tháng (Monthly Active Users - MAU). Chỉ số này là công cụ đo lường phổ biến cho thấy mức độ tương tác của người dùng đối với một một sản phẩm trên môi trường Internet.
Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, Việt Nam giờ đây đã có 4 nền tảng mạng xã hội có trên 1 triệu thành viên. Đây là quy mô tối thiểu để một mạng xã hội trong nước được xem là có đủ tiềm lực cạnh tranh với các nền tảng ngoại.
Zalo của tập đoàn VNG đang là cái tên nổi bật nhất khi nhắc tới các mạng xã hội Việt Nam.
Ngoài số lượng mạng xã hội có tiềm lực mạnh đã tăng lên gấp đôi, còn một vấn đề đáng lưu tâm khác khi nhìn vào số liệu tăng trưởng của các mạng xã hội Việt Nam.
Chỉ sau có 2 năm, mạng xã hội Zalo đã tăng thêm 20 triệu thành viên, gấp 1,5 lần năm 2018. Với Mocha, tuy lượng người sử dụng chưa hẳn đã nhiều, thế nhưng quy mô của nền tảng này đã tăng tới 2,67 lần so với chỉ 2 năm trước đó. Những nền tảng còn lại như Gapo, Lotus cũng đã ít nhiều cho thấy tiếng nói của mình chỉ sau hơn 1 năm hoạt động.
Sự ra đời của những cái tên mới như Lotus, Gapo cũng góp phần giúp các mạng xã hội trong nước có thêm "đồng đội" để cạnh tranh cùng các nền tảng ngoại. Ảnh: Trọng Đạt
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới hàng trăm diễn đàn như Tinhte (16 triệu lượt truy cập/tháng), Voz (11 triệu lượt truy cập/tháng), Webtretho (7 triệu lượt truy cập/tháng) hay Otofun (2 triệu lượt truy cập/tháng),... Đây là những đại diện tiêu biểu cho sức sống bền vững của các nền tảng mạng xã hội truyền thống.
Những số liệu kể trên đã cho thấy, trong năm 2020, các mạng xã hội Việt Nam không chỉ tăng trưởng về lượng mà đã có sự thay đổi mạnh cả về chất. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp nội và xa hơn là cả nền kinh tế số Việt Nam.
Vì sao phải phát triển các mạng xã hội Việt Nam?
Hầu hết các nền tảng mạng xã hội đều thu thập dữ liệu người dùng. Điều đó cũng có nghĩa, thay vì trả bằng tiền, người dùng đã trả cho các mạng xã hội thông tin cá nhân để có quyền sử dụng sản phẩm.
Facebook là ví dụ điển hình cho việc biến dữ liệu người dùng thành thứ "hái ra tiền". Ngay từ bước đăng ký, Facebook đã yêu cầu người dùng cung cấp email, số điện thoại, tên, tuổi, địa chỉ...
Trong quá trình hoạt động, nền tảng này còn thu thập vị trí, ghi nhớ các hành động, thói quen và nội dung tìm kiếm của người dùng. Những thông tin này sau đó được dùng để phân tích nhằm phục vụ cho quảng cáo hướng đối tượng.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, các mạng xã hội không hề miễn phí. Thay vào đó, các nền tảng này làm giàu bằng cách khai thác dữ liệu từ người sử dụng.
Google cũng có cách làm tương tự Facebook nhưng ở quy mô còn khủng khiếp hơn. Với hàng loạt các công cụ như Google Search, YouTube, Google Maps, Gmail,... gã khổng lồ tìm kiếm nắm trong tay lượng dữ liệu khổng lồ từ hàng tỷ thiết bị.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi nguồn dữ liệu này được sử dụng cho những mục đích không lành mạnh? Đó là lúc mà cả thế giới phải đối mặt với những hiểm họa lớn về vấn đề an ninh. Vụ bê bối Cambridge Antalyca liên quan tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định đó.
Thực tế trên khiến chính phủ nhiều quốc gia cảm thấy lo lắng về sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Đó cũng là lý do mà Trung Quốc, Triều Tiên gần như ngăn cấm hoàn toàn sự hiện của các nền tảng nước ngoài
Thay vì cấm đoán, mối nguy này có thể được giải quyết bằng sự lớn mạnh và cạnh tranh sòng phẳng của các nền tảng nội. Chỉ có điều, rất ít quốc gia trên thế giới có thể làm được điều này.
Nga là một trong những quốc gia hiếm hoi không phụ thuộc vào Facebook nhờ sự xuất hiện của mạng xã hội Vkontakte . Đây là mạng xã hội do người Nga tự phát triển để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ngoại.
Trong số các quốc gia mà Facebook được phép hoạt động, Nga là quốc gia duy nhất mà mạng xã hội này không chiếm được thị phần đa số. Thay vào đó, phần lớn thị phần mạng xã hội tại Nga nằm trong tay VK (Vkontakte) - mạng xã hội do chính người Nga phát triển.
Số liệu của Statista cho thấy, tính đến tháng 1/2020, Vkontakte hiện có 38 triệu người dùng Nga, chiếm khoảng 54% lượng người sử dụng mạng xã hội thường xuyên tại quốc gia này. Đây cũng là ví dụ hiếm hoi cho thấy một quốc gia có thể phát triển mạng xã hội của riêng mình để cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng xuyên biên giới.
Với Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất của We are social, tính đến tháng 1/2020, Facebook hiện có 61 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, với 60 triệu người dùng thường xuyên, Zalo đã gần như đuổi kịp Facebook về số lượng người sử dụng.
Các nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam tính theo % số người dùng Internet (trong độ tuổi từ 16-64). Số liệu: We are social
Nhìn ở góc độ rộng hơn, số người dùng Facebook chiếm khoảng 90% lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam trong độ tuổi từ 16-64. Số liệu này cho thấy, Facebook gần như đã hết dư địa phát triển tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, với đặc thù là giao diện đơn giản, dễ sử dụng, Zalo vẫn còn dư địa rất lớn đến từ nhóm người dùng cao tuổi.
Giống như Nga, Việt Nam cũng đã tìm ra con đường riêng để bảo vệ “bộ não của người Việt Nam”. Đó chính là việc thúc đẩy các nền tảng mạng xã hội do người Việt tự phát triển.
Người Việt tự làm chủ nền tảng, dữ liệu Việt
Chia sẻ về Gapo, Lotus, ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, 2 nền tảng này được phát triển nhắm vào các thị trường riêng. Gapo nhắm vào thị phần dành cho giới trẻ. Với Lotus, mạng xã hội này nhắm vào tập khách hàng đã có sẵn của VCCorp.
Theo ông Tiến, bản chất của các mạng xã hội này là cung cấp nền tảng để triển khai thêm các dịch vụ mới dựa trên tập database khách hàng mà họ đã có sẵn.
Các mạng xã hội nước ngoài phổ biến tại Việt Nam chủ yếu liên quan tới lĩnh vực giải trí, thu hút người dùng để từ đó kiếm tiền quảng cáo. Tuy vậy, các nền tảng này chưa đi sâu vào thị trường ngách và các sản phẩm, dịch vụ.
So với Facebook, Twitter hay Instagram, các mạng xã hội Việt Nam ra đời sau, nhắm tới thị trường ngách và có đối tượng hướng đến là người dùng bản địa.
Điểm khác biệt ở đây là Gapo, Lotus hay các mạng xã hội trong nước tập trung vào tập database có sẵn để tăng cường thêm trải nghiệm khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.
Thông qua các mạng xã hội này, G-Group và VCCorp (đơn vị phát triển Gapo, Lotus) có thể thu thập được insight khách hàng để từ đó mang tới những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.
Khác với Facebook, Twitter hay Instagram, các mạng xã hội Việt Nam ra đời sau, nhắm tới thị trường ngách và có đối tượng hướng đến là người dùng bản địa. Ảnh: Trọng Đạt
Theo ông Tiến, sự nổi lên của các mạng xã hội trong nước sẽ giúp chúng ta làm chủ về mặt công nghệ, từ đó khiến nền kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững hơn. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm trong tay dữ liệu, hành vi người dùng để nghiên cứu, phân tập và phát triển sản phẩm.
“Nhờ dữ liệu khách hàng, các doanh nghiệp F&B có thể phân tập đối tượng quảng cáo theo độ tuổi, nhóm đối tượng,... Chi phí nghiên cứu thị trường, quảng cáo vì thế sẽ giảm đi trông thấy.”, ông Tiến nói.
Trước đây, chúng ta không kiểm soát được cuộc chơi và hoàn toàn bị phụ thuộc vào các nền tảng ngoại, phải mua dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài. Sự xuất hiện của các mạng xã hội trong nước sẽ giải được bài toán về sự phụ thuộc.
Đừng coi Gapo, Lotus, Zalo là đối thủ cạnh tranh của Facebook, Google
Tuy có tốc độ phát triển nhanh ấn tượng, vẫn còn đó không ít những chỉ trích nhằm vào các mạng xã hội Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Viết Tiến cho rằng, những ý kiến tiêu cực đó chưa hẳn đã chính xác.
Về bản chất, đánh giá người dùng ở đây là về những nội dung được khởi tạo trên các mạng xã hội. Nội dung là một cấu phần quan trọng của tất cả các mạng xã hội, tuy nhiên, chúng lại do chính người dùng tạo ra.
“Mỗi người là một thực thể và do vậy chúng ta sẽ có những góc nhìn khác nhau. Chính vì sự khác biệt này mà các mạng xã hội mới phát triển như hiện tại. Do vậy, chúng ta nên nhìn vấn đề theo hướng tích cực hơn.”, ông Tiến nói.
Ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, không nên nhìn vào câu chuyện của các mạng xã hội trong nước và “đào sâu” chuyện họ sẽ phải trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Facebook, Google.
Thay vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang xây dựng những nền tảng mạng xã hội của riêng mình nhằm tạo ra một lượng người dùng trung thành và hòa nhịp cùng sự phát triển của thế giới.
Nói về hướng phát triển của các mạng xã hội trong nước, theo ông Tiến, chỉ cần có nội dung và hiệu suất nền tảng tốt, người dùng sẽ chủ động tìm đến. Cách làm này thiết thực và bền vững hơn việc kêu gọi hay bỏ chi phí truyền thông, quảng cáo lớn để câu kéo người dùng.