Tại phiên chợ nông đặc sản ngày Tết diễn ra tại TPHCM trước Tết, sản phẩm nấm rơm của Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May đến từ Đồng Tháp thu hút khá nhiều sự quan tâm của người tham quan bởi có nhiều nét mới lạ so với nấm rơm bán ở chợ truyền thống. Nhưng phía sau sản phẩm này lại còn có một câu chuyện khác thú vị hơn về giấc mơ “bán lúa nguyên cây”, biến mỗi tấc đất thành tấc vàng của chàng “hai lúa” Phạm Minh Thiện, Giám đốc điều hành Cỏ May.
Đội ngũ nghiên cứu tại Cỏ May Essential - Ảnh: Minh Thiện
Sao lại là bán lúa nguyên cây?
Lâu nay người nông dân trồng lúa và gần như chỉ bán mỗi hạt lúa, lúa sau đó xay thành gạo là sản phẩm chính. Những thứ còn lại như rơm, trấu, cám trở thành phụ phẩm.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như rơm được mua, sử dụng để trồng nấm và bán đi rộng khắp các chợ, siêu thị, thậm chí xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác? Khi đó chắc hẳn rơm sẽ có giá trị hơn và sẽ được định giá, phân loại và bán cho doanh nghiệp. Khi đó, người nông dân có thể bán lúa nguyên cây chứ không chỉ bán mỗi hạt như trong suốt thời gian qua. Và đó là giấc mơ của anh Phạm Minh Thiện, Giám đốc Cỏ May.
Để biến giấc mơ thành hiện thực, từ giữa tháng 6-2015, anh Thiện yêu cầu bộ phận nghiên cứu của công ty trồng nấm rơm an toàn để bán ra thị trường. Kết quả là cuối năm 2015 vừa qua, sản phẩm Nấm Rơm Cỏ May được người dùng biết đến và đón nhận với mức giá 160.000 đồng/kg, cao hơn giá nấm truyền thống từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Không dừng ở các kênh truyền thống, anh Thiện còn đặt mục tiêu đưa sản phẩm của mình vào các kênh siêu thị, nhà hàng, và xuất khẩu sang các quốc gia khác. “Giá trị dinh dưỡng của nấm rơm đã được khẳng định. Bây giờ mình làm mới đi nhờ áp dụng khoa học công nghệ để sản phẩm an toàn hơn, bảo quản được lâu hơn, đóng gói đẹp hơn, tôi tin chẳng có lý do gì người tiêu dùng từ chối”, anh Thiện nói.
Theo anh Thiện, cứ 7 kg rơm, mỗi mẻ trồng kéo dài trung bình 14 ngày, cho ra 1 kg nấm. Mỗi kg rơm, giá hiện tại mà Cỏ May thu mua là 1.000 đồng. Như vậy, với 7.000 đồng giá nguyên liệu đầu vào cho ra sản phẩm có giá trị 160.000 đồng, tăng khoảng hơn 20 lần. Tỷ suất lợi nhuận này đủ hấp dẫn, theo góc nhìn của nhiều doanh chủ.
Anh chia sẻ tất tần tật như vậy, anh không ngại các doanh nghiệp khác nhảy vào lĩnh vực này sao? Tôi hỏi.
Anh đáp chân tình, "Tôi chỉ sợ các doanh nghiệp khác chê lợi nhuận thấp không chịu làm chứ họ nhảy vào cùng làm thì tốt quá. Khi đó rơm sẽ có giá hơn. Tôi mong sao rơm có được mức giá 10.000 đồng/kg là người nông dân đỡ cực. Phần doanh nghiệp như chúng tôi, nước lên thì thuyền lên thôi, sợ gì. Khi đó hình ảnh trên đồng lúa vàng không chỉ có hạt lúa vàng mà còn có cả màu vàng từ những cọng rơm nữa".
Tiếp câu chuyện, anh làm một bài nhẩm tính ngắn, cứ 1.000 mét vuông trồng lúa, thu hoạch xong sẽ được 15 cuộn rơm, mỗi cuộn 15 kg. Như vậy 1.000 mét vuông sẽ có 225 kg rơm, nếu bán được giá 10.000 đồng ký thì sẽ thu được 2,25 triệu đồng; nhân rộng ra, nông dân có 1 hecta thì sẽ thu được 22,5 triệu đồng từ tiền rơm sau mỗi vụ thu hoạch - một khoản thu nhập bổ sung không nhỏ với người nông dân.
Nhưng liệu giấc mơ của vị giám đốc nông dân này có quá viển vông? Tôi không biết nhưng tôi hi vọng và cuộc sống làm tôi tin rằng hi vọng của mình hoàn toàn có cơ sở.
Cách đây năm năm, mấy ai ở làng quê nghĩ rằng họ có thể bán phân bò để lấy tiền? Khi ấy, nhà nào nuôi bò còn phải nhờ người khác, thậm chí cho tiền để người khác dọn phân chuồng bò cho mình thì câu chuyện mà người viết được nghe kể ở Nhơn Trạch – Đồng Nai cho thấy từ năm 2014, mỗi chiếc xe chở phân bò khoảng một mét khối đã có giá 250.000 đồng; đến cuối năm 2015, mức giá đã lên 450.000 đồng.
Người ta cần phân để bón cho cây trồng trong các vườn thanh long hữu cơ.
Đó, câu chuyện trước mắt, khi người ta cần thì phân cũng có giá. Vậy nên ai ngăn chúng ta hi vọng về một ngày người nông dân có thể bán lúa nguyên cây?!
Tấc đất tấc vàng
Quay trở lại câu chuyện của Cỏ May, thật ra nấm rơm chỉ là một phần trong giấc mơ đánh thức tiềm năng nông nghiệp, biến mỗi tấc đất thành tấc vàng của chàng trai Đồng Tháp.
Góc nhìn của anh Thiện là áp dụng khoa học công nghệ để chiết xuất tinh chất từ sản phẩm nông nghiệp, qua đó làm tăng giá trị của những sản phẩm này. Và khi những sản phẩm này mang lại những giá trị thật cao thì lúc đó, đất cũng quý như vàng vậy, anh Thiện chia sẻ.
Cụ thể hơn, anh muốn ép trấu thành gỗ; chiết xuất tinh dầu gấc, tinh dầu sả, tinh dầu cám... Và đó là lý do Cỏ May Essential, một công ty con của Cỏ May, được ra đời từ đầu năm 2015 với tổng vốn đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và đội ngũ nghiên cứu lên đến hơn 20 tỉ đồng.
Chưa hết, vào cuối năm 2015, anh Thiện còn quyết định dành thêm 9 tỉ đồng để nhập thiết bị chiết xuất bằng công nghệ "CO2 siêu tới hạn" từ Áo về nghiên cứu chiết xuất từ cám hợp chất Gamma Oryzanol, một chất chống oxy hóa được dùng nhiều trong ngành dược và mỹ phẩm.
Với chừng ấy khoản tiền đầu tư, Cỏ May Essential cần nguồn thu ngắn hạn để bù vào con đường nghiên cứu dài hạn và nấm rơm xuất hiện để thực hiện vai trò ngắn hạn này.
Nhưng liệu có quá chăng nếu gọi đây là bước đi mạo hiểm vì trước khi nhập thiết bị về, anh Thiện cùng đồng nghiệp đã đích thân mang cám từ nhà máy của Cỏ May sang Áo để thử nghiệm và đã chiết xuất được tinh dầu cám cũng như hợp chất Gamma Oryzanol?
Thí nghiệm bên Áo chỉ là lời giải trong phạm vi hẹp dưới những điều kiện thông số môi trường nhất định cho ta biết được sức mạnh của công nghệ. Còn giải thế nào để ra kết quả tối ưu về mặt sản xuất vẫn còn cần phải thực hiện rất nhiều thí nghiệm khác nữa, anh Thiện chia sẻ.
Bài toán tối ưu về sản xuất ở đây được hiểu là sử dụng loại cám nào, khối lượng bao nhiêu và trong thời gian bao lâu để có thể chiết xuất được khối lượng Gamma Oryzanol nhiều nhất với chất lượng tốt nhất. Và dẫu khi bài toán sản xuất được tối ưu, điều đó không có nghĩa bài toán thị trường và tài chính được đảm bảo.
"Chúng tôi biết khách hàng của mình là ai khi nhắm đến dòng sản phẩm cao cấp Gamma Oryzanol nhưng anh không thể đến gặp khách hàng khi trong tay chưa có sản phẩm. Còn thị trường thì chưa có ai làm hoặc không ai thèm làm vì ngại rủi ro. Nhưng nếu không ai chấp nhận rủi ro thì làm sao đánh thức được tiềm năng ngành nông nghiệp", anh Thiện cho biết.
Với anh Thiện, rủi ro trong trường hợp này là điều không thể tránh khỏi và chấp nhận dấn thân đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp là việc nên làm. Nếu không, sẽ chẳng có sự thay đổi hay đột phá trong nền nông nghiệp nước nhà cả.
Đức Tâm / thesaigontimes.vn