Tuy thị trường phát triển nhưng không dễ cho các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước khi mặt bằng cửa hàng tiện lợi trở nên đắt đỏ và không dễ tìm.
Theo báo cáo về tình hình thương mại của Bộ Công Thương, năm 2016, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% thị phần bán lẻ ở phân khúc cửa hàng tiện lợi. Điều này lý giải vì sao người tiêu dùng dễ dàng nhận ra các thương hiệu FamilyMart, Bsmart, Ministop, Circle K, Shop & Go.
Với tiềm lực về tài chính cộng với kinh nghiệm quản trị hệ thống sẵn có, các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng đến việc mua lại các thương hiệu Việt Nam để nhanh chóng hình thành các chuỗi lớn.
Cuối năm 2016, thị trường rộ tin đồn Vingroup bán chuỗi VinMart+ cho 7-Eleven. Tuy ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Vingroup khẳng định "không bao giờ bán thương hiệu, mà cụ thể ở đây là chuỗi VinMart+, cho nước ngoài" nhưng vẫn dấy lên lo ngại về làn sóng mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này.
Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho rằng: "Vì yếu tố tiên quyết thành công của cửa hàng tiện lợi là số lượng cửa hàng và vị trí nên mua bán, sáp nhập có thể sẽ diễn ra giữa các chuỗi bán lẻ tiện ích với nhau".
Dự báo giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân thương mại bán lẻ là 11,9%, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45%. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Trước sự xuất hiện của nhà kinh doanh cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới 7-Eleven, theo TS. Đào Xuân Khương - chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, về ngắn hạn, các cơ sở bán lẻ sẽ chưa thấy sự ảnh hưởng trực tiếp giống như hiệu ứng 12 năm trước khi Metro vào Việt Nam, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến từng ngõ hẻm.
"7-Eleven sẽ tác động dần dần và sẽ ảnh hưởng lớn đến cửa hàng tạp hóa truyền thống. 7-Eleven là mô hình bán lẻ rất hiệu quả trên thế giới và đã chứng minh được sự phù hợp ở các nước Đông Nam Á. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó đứng vững ở phân khúc này", TS. Đào Xuân Khương nhấn mạnh.
Viện dẫn cho điều này, TS. Đào Xuân Khương cho biết, ở Hà Nội, Hapro mở một số cửa hàng, ở TP.HCM thì Satra cũng mở nhưng không thấy có hiệu ứng gì vì cửa hàng quá nhỏ. Đó là chưa kể quản trị của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chưa bằng doanh nghiệp nước ngoài, vì thế, mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ là "sân chơi" của các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, mỗi cửa hàng tiện lợi phải mất 5 - 6 năm mới có thể hoàn vốn. Để đạt được mức lợi nhuận ổn định, phải mở ít nhất 300 cửa hàng. Thế nhưng không dễ để làm điều này.
Theo bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, cái khó của ngành bán lẻ Việt Nam, trong đó có cửa hàng tiện lợi, là vấn đề mặt bằng. Hiện nay, giá mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam khá cao nhưng không dễ để tìm được mặt bằng ưng ý. Đó là một trong những lý do các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới nhưng vẫn không đạt được như mục tiêu đặt ra.
Tìm kiếm mặt bằng là khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải. Ngay như "tân binh" Bách Hóa Xanh dù được xem là một trong những thương hiệu có tốc độ mở chuỗi nhanh nhất Việt Nam hiện nay (mới một năm đã có đến 50 cửa hàng) nhưng cũng đặt mục tiêu "trong giai đoạn trước tháng 12/2016 chỉ dừng lại ở mức doanh thu mục tiêu và đảm bảo sự hài lòng của khách hàng".
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động cho biết, trong năm 2017 sẽ đầu tư mạnh để đưa tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh lên con số 350. Thế nhưng các cửa hàng này cũng chỉ đặt ở 2 quận Bình Tân và Tân Phú của TP.HCM. Nếu thành công thì mô hình này mới được mở rộng ra các khu vực khác trong năm 2018.
Dù đưa ra kế hoạch mở nhanh chuỗi VinMart+ nhưng Vingroup vẫn phải điều chỉnh mô hình kinh doanh. Bà Thái Thị Thanh Hải - TGĐ Công ty VinCommerce cho biết: "Chúng tôi dự kiến sẽ điều chỉnh theo hướng kết hợp giữa mô hình là minimart và cửa hàng tiện lợi để phục vụ sát hơn nhu cầu mua sắm của người dân. Cụ thể, VinMart+ sẽ vừa cung cấp thực phẩm sạch và những hàng hóa thiết yếu, vừa cung cấp thực phẩm ăn nhanh và các hàng hóa tiện ích khác".
Đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 - 1.300 siêu thị, trên 300 trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi sẽ lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn. Với điểm bán mới liên tục được mở rộng, thị trường bán lẻ sẽ gia tăng cạnh tranh cả chiều rộng và chiều sâu, tạo áp lực lớn lên các nhà bán lẻ Việt Nam. |
Theo Hồng Nga - Thanh Ngân
Doanh nhân Sài Gòn