Không ít ngân hàng đã giảm lãi vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị dịch bệnh ảnh hưởng khiến nhiều người liên tưởng đến việc mặt bằng lãi suất sẽ giảm. Tuy nhiên, theo giới phân tích tài chính, nhiều khả năng, lãi suất khó giảm thêm trong thời gian tới.
Nhiều ngân hàng đang phải điều chỉnh lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị dịch bệnh ảnh hưởng.
Cộng thêm lãi suất cho tiết kiệm online
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng liên tục khuyến cáo khách hàng tăng cường sử dụng dịch vụ online. Một trong các dịch vụ được các ngân hàng khuyến khích nhiều hơn cả là gửi tiền online, vừa tiết kiệm thời gian, nhanh chóng, khách hàng lại có lãi suất cao hơn so với giao dịch tại quầy.
Cụ thể, Ngân hàng Bản Việt cộng thêm 0,5% lãi suất cho khách gửi tiết kiệm online. Đây là mức cộng thêm tối đa so với lãi suất gửi trực tiếp tại quầy, được Bản Việt áp dụng tùy kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
SCB là ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm online cao nhất cho kỳ hạn 6 tháng, từ 8,03-8,21%/năm (tùy số tiền gửi). Trong khi đó, nếu chọn hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, khách hàng sẽ chỉ được hưởng lãi suất 7,1%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Tại Nam A Bank, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 6 tháng là 8%/năm, cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với tiền gửi tiết kiệm truyền thống. Niêm yết trên mức 7%/năm cho các sản phẩm tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng còn có NCB và VietBank (7,7%/năm), VPBank (7,1 - 7,5%/năm), VIB (7,3%/năm), MSB (7,2 - 7,5%/năm), Eximbank và OCB (7,2%/năm), ACB (7-7,1%/năm), Viet Captial Bank (7,5%)…
Thực tế trên cho thấy, các ngân hàng đang nỗ lực huy động tiền gửi trong bối cảnh dịch bệnh khiến cầu tín dụng giảm. Một trong những lý do để các ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh huy động tiết kiệm là họ tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 40% hiện nay xuống còn 37% vào đầu tháng 10/2020. Mặt khác, các ngân hàng phải còn phải đáp ứng chuẩn Basel II.
Dù phải nỗ lực huy động tiền gửi, nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay, các ngân hàng khó có thể tăng cao lãi suất, đặc biệt là khi lãi suất cho vay đang phải điều chỉnh để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị dịch bệnh ảnh hưởng. Hơn nữa, các ngân hàng cũng không thể cắt giảm mạnh chi phí đầu vào, dù tín dụng giảm.
Lãi suất khó giảm thêm
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã sớm đưa ra chủ trương cắt giảm lãi vay. Song lãi suất cũng phải theo xu hướng thị trường, bởi bản thân ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp, nên khó có thể giảm lãi suất cho vay khi chi phí đầu vào khó sụt giảm.
Trong bối cảnh hiện nay, không cần các gói kích cầu để kích thích kinh tế, hay nới lỏng chính sách tiền tệ, mà quan trọng hơn là hoãn, giãn thuế, giảm một số loại phí hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
- TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Dưới góc độ của một đơn vị tư vấn đầu tư, trong một báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất năm 2020 nhiều khả năng ổn định, không tăng thêm so với cuối năm 2019. Nhưng mặt bằng lãi suất huy động nói chung vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn.
Một yếu tố khác có thể cản trở xu hướng giảm lãi suất là diễn biến lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào cuối tháng 1/2020 đã tăng vọt lên 6,43% so với cùng kỳ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải hết sức thận trọng với lượng tiền đã cung ứng ra thị trường thông qua hoạt động mua ngoại tệ trong năm 2019 (ước tính khoảng 20 tỷ USD, tương đương 450.000 tỷ đồng). Lượng tiền này đang được Ngân hàng Nhà nước hút ròng về thông qua hoạt động phát hành tín phiếu.
Về kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, quan trọng là giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.