Tranh thủ những ngày mùa thu nắng đẹp của miền Bắc, có những người chọn mua một bó hoa cúc hoạ mi ở hàng rong và đi dạo trên con đường Phan Đình Phùng, có những người lại "đi trốn" trong rừng cây xanh mướt ở Melia Ba Vì Mountain Retreat để tận hưởng mùa hoa dã quỳ đương nở rộ. Ánh xanh ngời của cây cỏ được ví như một liệu pháp "chữa lành", xoá tan mệt mỏi, căng thẳng vô hình của con người.
Khi tâm hồn muốn được thư giãn, thiên nhiên chính là "liều thuốc" hồi phục tốt nhất để chúng ta được trở về là mình, được cởi bỏ chiếc "mặt nạ" bí bách giữa vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền thường ngày… Melia Ba Vì Mountain Retreat, CHẬM lại một nhịp để ĐƯỢC nhiều hơn.
Ẩn mình ngoạn mục trong cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh rậm rạp và xanh rì, khu nghỉ dưỡng này chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 55km. Nơi đây nằm lọt thỏm giữa Vườn quốc gia Ba Vì hùng vĩ, toạ lạc ở độ cao 600m, được cây cối, hoa cỏ của dãy núi bốn mùa mây phủ ôm ấp, chở che, khiến ai nấy đều ngỡ ngàng vì vẻ đẹp bí ẩn, hoang dại ngay từ những bước chân đầu chạm nhẹ.
Trên đường vào, xe ô tô đi qua hai chốt bảo vệ, kiểm tra sơ lược thông tin khách hàng. Nét cười dung dị, cử chỉ ân cần của họ thực thà dễ gây ấn tượng tốt đẹp ngay từ những giây phút đầu tiên dừng chân ở đây.
Bước chân xuống xe, cái tiết trời se se lạnh nhưng vẫn để lọt những tia nắng vàng qua từng kẽ lá khiến con người ta mê mẩn làm sao! Hít một hơi thật sâu, những bận rộn của công việc như được gác lại nơi thành thị xô bồ, trong đầu chắc mẩm đây chính là "best choice" cho kì nghỉ cuối tuần vào mùa thu. Trong khi chờ làm thủ tục ở khu vực lễ tân, tranh thủ đi xung quanh ngắm nghía thiên nhiên, lắng nghe tiếng côn trùng, một cảm xúc an yên, hạnh phúc như chợt ùa vào lòng mình.
Những con đường ở Melia Ba Vì, khi là tên của những loại cây như cây ráy, cây chuối, cây bo bo, khi lại là tên của những người Pháp đã gắn bó sâu sắc với địa điểm này như nhà thực vật học Benjamin Balansa, điền chủ Marius Borel… Bởi vậy, mới thấy rõ mọi góc cạnh của khu nghỉ dưỡng đều được truyền cảm hứng từ kiến trúc thuộc địa Pháp hoà quyện cùng phong cách làng quê Bắc bộ Việt Nam. Với sự bình yên vốn khó kiếm tìm trong cuộc sống hiện đại, mỗi phút, mỗi giây ở nơi đây dường như trôi chậm hơn.
Những con dốc ở Melia Ba Vì, tuy chẳng có tên nhưng lại khiến con người ta phấn khích lạ thường. Bỗng chốc, tâm hồn ta lại hoá trẻ thơ, líu lo vài câu hát, mắt long lanh khi nhìn thấy những chú bướm đầy màu sắc đậu trên lá hay co rúm người khi một chú ong vo ve quanh tai. Trên các con đường nhỏ dẫn đến phòng nghỉ, mấy chú gà trống còn thản nhiên "tản bộ" tìm kiếm thức ăn mà chẳng lo sợ sự xuất hiện của con người. Hình nộm mấy chú tễu, cô gái nông thôn cầm nơm, trai tráng đem theo lọp bắt cá đặt trước cửa phòng nghỉ như một lời chào mừng tới 'ốc đảo' bình yên.
Say mê với cảnh sắc thiên nhiên của khu nghỉ dưỡng, du khách còn bất ngờ hơn khi được trực tiếp nghe giải thích về những phế tích từ thời Pháp thuộc còn "hằn vết" trên dãy núi Ba Vì này. Ngay từ nhà lễ tân của Melia Ba Vì, nơi đây từng là Trung tâm hành chính của Trạm nghỉ dưỡng từ năm 1942-1951, bao gồm: khu nghỉ dưỡng cho các gia đình tướng lĩnh, khu lễ tân khánh tiết, nhà điều hành, văn phòng làm việc, kho lương thực thực phẩm, hầm rượu, nhà nghỉ cho binh lính, tuỳ tùng, vườn trẻ…
Cổng tiền sảnh của nhà lễ tân hiện tại được hoàn thiện theo những bức tường bằng đá nguyên thuỷ mà người Pháp đã dựng lên cách đây gần 100 năm. Cạnh đó, khu vực bể bơi bốn mùa treo trên sườn núi từng là phế tích của một hầm rượu. Năm 2010, từ nền móng cũ hoang tàn để xây lên một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, các kiến trúc sư đã vận dụng những giải pháp kiến trúc thích hợp nhất nhằm hồi sinh những phế tích cũ, nuôi dưỡng không gian di sản đặc biệt của cuộc giao thoa văn hoá Pháp - Việt.
Ngồi trên xe điện lên mỏm núi ở độ cao 635m, dần dần những tàn tích của sân bay dã chiến lộ diện trước mắt. Được Tổng tư lệnh Quân đội Pháp ở Đông Dương xây dựng từ năm 1937, khu vực này sở hữu chiều dài 55m, chiều rộng 22m, xung quanh được bao bọc bởi tường đá, ba phía là dốc, thuận tiện cho việc máy bay cất và hạ cánh. Trong khu vực sân bay còn có một hầm trú ẩn, bên trong bố trí các lỗ châu mai.
Tin tưởng khu quân sự được xây dựng ở vị trí hiểm trở nên quân đội Pháp "trở tay không kịp" khi Trung đoàn 141 của sư đoàn 312 Việt Nam ta đã âm thầm chuẩn bị cho cuộc chiến lớn, dùng cây rừng làm thang, tấn công vào khu vực này từ sườn núi phía Tây vào đêm ngày 31/12/1951. Ở một hướng khác, quân đội ta đã dũng cảm tấn công quân đội Pháp án ngữ con đường lên khu quân sự ở điểm cao 550m. Cuối cùng, quân đội ta đã giành chiến thắng và buộc Trạm nghỉ dưỡng dành cho sĩ quan Pháp ngừng hoạt động.
Di chuyển tới khu vực Trại gái rêu phong, cây leo bao bọc những mảng tường còn sót lại của một khách sạn 1 tầng từng rộng 442m2. Vào thời kì Pháp xâm chiếm miền Bắc Việt Nam (1882-1954), chính quyền Pháp ở Đông Dương cho phép hoạt động mại dâm, yêu cầu các cô gái làm nghề này phải có giấy phép, đóng thuế môn bài và khám sức khoẻ 2 lần/năm, nếu mắc bệnh hoa liễu thì được chữa trị miễn phí. Trại gái là nơi các cô khiêu vũ hoặc uống rượu với lính Pháp, nếu cô nào được yêu thích thì khách sẽ đưa về phòng riêng. Tuy nhiên, các cô không được tự do lên đây hành nghề mà cần có người bảo lãnh và được viên quản lí Trạm đồng ý.
Ngoài ra, trong khuôn viên của Melia Ba Vì còn xuất hiện dấu tích khác của các công trình quân sự như ụ pháo, nhà thờ, biệt thự dành riêng cho các tướng lĩnh… Chậm rãi đọc những dòng chữ trên bảng giới thiệu, thi thoảng lại ngước mắt lên nhìn lại toàn khung cảnh, tiếng lá cây khô gãy giòn tan dưới bước chân của ai đó, một tia nắng vô tình "đậu" lên vai trái, chuyến nghỉ dưỡng cuối tuần không ngờ lại vượt trên cả kì vọng ban đầu.
Một trong những hoạt động được các du khách yêu thích nhất ở khu nghỉ dưỡng này, đặc biệt với các em nhỏ, chắc chắn là cho động vật ăn ở Khu bảo tồn. Đội ngũ nhà bếp của Melia Ba Vì đã tận dụng thức ăn thừa sau các bữa ăn của hai nhà hàng Sense và Tonkin. Các nguyên liệu như vỏ trái cây, rau củ quả, các loại bánh, bún, phở được phân loại ngay từ trong quá trình chế biến và phục vụ, sau đó được trộn với một tỉ lệ đặc biệt và trải qua các công đoạn xay, sấy khô, ép thành những viên thức ăn không chỉ bổ dưỡng mà còn rất thơm ngon.
Chỉ mới bước vào Khu bảo tồn, đã nghe thấy tiếng ríu rít của đám gà tây, gà sao, vịt trời. Khi những viên thức ăn được rải ra nền cỏ, từng đàn chim bồ câu sà xuống tranh ăn, gà mẹ cũng dẫn đàn con ra khỏi bụi cây. Ngắm nhìn những động vật bé nhỏ dưới chân mình, cảm giác bình yên đến lạ! Tiếng cười khúc khích của các du khách, tiếng vỗ cánh của chim bồ câu, tiếng đàn gà kêu chiếp chiếp, cục tác, xa xa là tiếng be be của đàn dê háu đói. Tất cả như hòa thành một bản nhạc mùa thu trầm bổng, vui tươi mà xao xuyến lòng người.
Ngô Nhung, chuyên viên phát triển bền vững của Melia Ba Vì, còn không quên kể cho du khách nghe về một hoạt động gắn kết với thiên nhiên vô cùng độc đáo nơi đây - tắm rừng - nhưng không có nghĩa là tắm giữa rừng. Đây là cơ hội để toàn bộ cơ thể ta được đắm chìm vào bầu không khí trong lành của thiên nhiên. Khi ta ngồi, khi ta đứng, khi ta đi bộ, tâm trạng nhẹ nhàng như mỗi hơi thở mà chẳng nhất thiết phải thiền. Chạm vào lớp rêu xanh mềm trải lên những viên đá, hoặc lớp vỏ xù xì trên cây, từng tế bào trong cơ thể như hòa nhịp với những rung động của thiên nhiên.
Điều mà mỗi du khách cảm nhận rõ nhất ở nơi đây chắc hẳn là tình yêu sâu đậm với thiên nhiên. Song song với đó, trách nhiệm với môi trường cho cộng đồng cũng được thúc đẩy, thể hiện từ những chi tiết nhỏ trong phòng như sử dụng vật liệu bền vững như bột ngô, thủy tinh, gỗ, giấy tái chế cho những tiện nghi trong phòng hay tới những hoạt động thiết thực như xây dựng và vận hành khu vực phân loại và xử lý rác thải, tổ chức workshop trồng cây sáng tạo với vật liệu tái chế…
Tách mình khỏi thế giới thực tại, lặng yên giữa rừng núi Ba Vì rộng lớn, 5 giác quan của con người như được tận dụng hết thảy: được nghe, được nhìn ngắm, được động chạm, được ngửi, được nếm, được trải nghiệm. Hạnh phúc đôi khi chỉ là một chuyến đi ngắn như vậy, tắt hết mọi thông báo, cuộc gọi, một mình ở lại với cây cỏ, chim chóc, chẳng phải tuyệt vời lắm sao?