Hàng trăm nghìn tấn lúa của nông dân các tỉnh miền Tây khả năng bí đầu ra khi mấy nay thương lái tạm ngưng thu mua. Giá sẽ rớt mạnh nếu không được xuất khẩu.
Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đầu tháng 3. Ảnh: Thanh Trần.
Có 50 năm gắn bó với cây lúa ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, lão nông Lê Văn Lam, 69 tuổi cho biết, vụ Đông Xuân nông dân làm giống chất lượng cao, lúa thơm đạt năng xuất trên 7 tấn mỗi ha. Hơn tháng qua, giá lúa các loại liên tục nhích lên, khoảng một tuần trước đạt đỉnh 5.700-6.300 đồng, riêng nếp 72.000 đồng mỗi kg.
Mức giá này cao nhất mấy năm qua, nông dân Đồng Tháp Mười có lời 2-3 triệu đồng mỗi công ruộng. Tuy nhiên, ông cho biết mấy ngày qua có thông tin chưa rõ ràng liên quan việc tạm xuất khẩu gạo, giá lúa bất ngờ giảm 300-500 đồng một kg và không có người mua. "Nếu làm ra lúa gạo mà không bán được dẫn đến thua lỗ thì vụ hè thu tới nhiều khả năng gia đình tôi sẽ bỏ trống 30 ha đất", lão nông nói.
Nông dân tỉnh Đồng Tháp hiện thu hoạch hơn 97% trong tổng diện tích 200.000 ha. Năng suất bình quân 7,1 tấn mỗi ha, tăng 0,1 tấn so với vụ Đông Xuân trước, giá bán 5.000-6.300 đồng mỗi kg. "Trong bối cảnh doanh nghiệp và nông dân đều khó khăn thì 40.000 ha lúa Hè Thu sẽ thu hoạch trong tháng 4 khả năng bí đầu ra hoặc giá rớt thấp", ông Nguyễn Phước Thiện, Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp nói.
Theo ông Thiện, Đồng Tháp là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất ở miền Tây, mỗi năm sản xuất 3,5 triệu tấn, nhu cầu xuất khẩu gạo rất lớn. Trong khi tại Kiên Giang, nông dân đã thu hoạch 270.000 ha lúa Đông Xuân, năng xuất 7,2 tấn mỗi ha, còn lại gần 20.000 ha đang chuẩn bị thu hoạch. Khoảng 1.000 ha bị ảnh hưởng hạn mặn, trong đó mất trắng chỉ vài chục ha.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương, nhờ chủ động ứng phó, xuống giống sớm và đóng tất cả cống đập ngăn mặn nên tình hình thiên tai không ảnh hưởng lớn. Nhưng mấy ngày qua, các doanh nghiệp không thu mua, giá lúa giảm mạnh 300-500 đồng mỗi kg; tác động lớn đến tình hình sản xuất của nông dân.
"Khả năng hơn 376.000 tấn lúa trên diện tích chuẩn bị thu hoạch sẽ tồn đọng và nguy hiểm hơn là 290.000 tấn lúa Hè Thu vụ tới của tỉnh bí đầu ra, rất khó cho nông dân", ông Nguyễn Văn Tâm, Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang Tâm nói.
Ông Tâm cho biết, miền Tây hiện dư thừa lúa gạo. Sản lượng lúa chỉ riêng tỉnh Kiên Giang mỗi năm là 4,2 triệu tấn, đủ đảm bảo an ninh lương thực nên các địa phương khác có thể xuất khẩu nhằm giúp nông dân có lãi.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, với hơn 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân, miền Tây thu được khoảng 11 triệu tấn lúa, tương đương 5,3 - 5,5 triệu tấn gạo. "Giải pháp hài hòa nhất hiện nay là chỉ giữ lại 1,5 triệu tấn gạo dự trữ, 4 triệu tấn còn lại xuất khẩu để nông dân được hưởng lợi", giáo sư Xuân nói.
Theo ông, an ninh lương thực không phải là vấn đề lớn, vì sản xuất lúa ở Việt Nam khác hơn các nước khác. Chỉ mất 3 tháng là có một vụ lúa mới và một vụ lúa đã dư sức nuôi cả nước.
Mỗi năm Việt Nam sản xuất 40-43 triệu tấn lúa, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50%. Lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 6-7 triệu tấn, 90% nguồn cung từ vùng đất chín rồng.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu ba tháng đầu năm 2020 hơn 1,4 triệu tấn đạt kim ngạch 652 triệu USD, lần lượt tăng 1,1% và 7,8% so cùng kỳ năm trước (kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2020 là 6,5-6,7 triệu tấn). Giá gạo xuất khẩu bình quân hơn 462 USD, tăng trên 28,4 USD mỗi tấn so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo nguyên liệu cũng liên tục tăng, từ mức 7.700-8.400 đồng giữa tháng 2 lên 8.700-9.200 đồng mỗi kg.
Thu mua lúa trên kênh xáng Xà No ở Hậu Giang trước ngày 24/3. Ảnh: Anh Lam.
"Giá tăng do tâm lý lo sợ dịch bệnh toàn cầu leo thang, thúc đẩy người tiêu dùng các nước tiếp tục tích trữ lương thực. Hiện nhu cầu xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp là có", một lãnh đạo VFA nói.
Theo VFA, trong bối cảnh hiện nay, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng là rất cần thiết để có thể đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Đơn vị này đề nghị Bộ Công thương xây dựng mạng lưới bình ổn thị trường mặt hàng gạo, trong đó có sự xác nhận tham gia với dung lượng hàng hoá cụ thể từ các doanh nghiệp từng khu vực, địa phương. Mạng lưới này sẽ là đầu mối cung cấp khi xảy ra tình trạng thiếu gạo cục bộ.
Sở Công Thương các địa phương theo dõi chặt chẽ lượng hàng hóa tồn kho và dự trữ lưu thông bắt buộc của các thương nhân xuất khẩu gạo, đánh giá sát nhu cầu, tình hình tiêu thụ gạo nội địa của người dân, báo về Bộ Công Thương để kịp thời can thiệp các biện pháp bình ổn thị trường.
Đồng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp cập nhật, đánh giá tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; yêu cầu các địa phương trong vùng cập nhật sản lượng lúa gạo ước tính của các vụ.
Còn VFA sẽ nắm tình hình giá gạo trong nước và xuất khẩu, diễn biến tại các nguồn cung trên thế giới, tồn kho tại nước đến cũng như tình hình logistic để báo về Bộ Công Thương khi cần thiết. Các bên cần duy trì sự phối hợp đồng bộ cho đến khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ vụ hè thu tới.
Trước đó, Tổng cục Hải quan có thông báo hỏa tốc ngưng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3. Tuy nhiên, Bộ Công Thương ngay sau đó đã có đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận.