Tuy nhiên, tại VN lại có xu hướng ngược lại. Năm 2008, thị trường sữa VN bị ảnh hưởng mạnh từ sự cố sữa có chứa Melamine tại Trung Quốc. Thời điểm đó, thị trường sữa VN có tới 92% là sữa bột nhập về pha lại, mà chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Tập đoàn TH đã vào cuộc để sản xuất sữa tươi, đảm bảo nguồn cung sữa tươi sạch trong nước với tôn chỉ “Vì sức khỏe cộng đồng”. Cùng với đó, một số DN khác và nông dân đã đẩy mạnh sản xuất sữa tươi. Tuy nhiên khi giá sữa bột nhập khẩu giảm (điển hình cuối năm 2014, đầu năm 2015, giá sữa bột trên thị trường thế giới giảm đến 50% so với đầu năm 2014, nếu sữa bột mua về quy ra sữa nước chỉ 6200 – 6300 đ/lít, trong khi đó nếu mua sữa tươi nguyên liệu của các hộ chăn nuôi bò là 13.000-13.500 đ/lít nên một số công ty không còn mặn mà thu mua sữa tươi sản xuất tại các nông hộ dẫn đến tình trạng nông dân đổ bỏ sữa (điển hình ở Phù Đổng – Gia Lâm, Hà Nội; Đà Lạt – Lâm Đồng…), cuối cùng là nông dân chịu thiệt, thậm chí phá sản.
“Nguồn gốc sâu xa của chuyện nông dân đổ sữa là tính hai mặt của một vấn đề: Sự hấp dẫn của lợi nhuận và sự thiếu minh bạch của thị trường”. Các công ty chế biến sữa nhập khẩu sữa bột để hoàn nguyên sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với thu mua sữa tươi từ các hộ chăn nuôi bò. Một điều nghịch lý là các sản phẩm sữa dạng lỏng chế biến từ sữa bột hoàn nguyên này khi bán ra thị trường ghi nhập nhèm là “sữa tiệt trùng” khiến khách hàng không thể phân biệt đó là sữa tươi hay sữa bột…!
Như vậy, nếu thông tin không minh bạch sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN chế biến sữa tươi và gây khó khăn đặc biệt cho ngành chăn nuôi bò sữa. Do vậy Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học – Công nghệ, Hiệp hội Người tiêu dùng phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chăn nuôi bò sữa, người tiêu dùng và có các chính sách quyết liệt để minh bạch thị trường sữa mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Cụ thể: xem xét sửa đổi thông tư 30 quy định về tiêu chuẩn sữa, trong đó có tên gọi sữa tiệt trùng (cần ghi minh bạch sữa bột pha lại tiệt trùng, sữa hoàn nguyên tiệt trùng)… Minh bạch hóa nguồn nguyên liệu chế biến sữa trên bao bì sản phẩm. Quy định màu sắc bao bì sản phẩm nếu sản phẩm đó chế biến hoàn toàn bằng sữa tươi để người tiêu dùng dễ nhận biết.
Thực tế hiện nay, các cơ sở, viện nghiên cứu chuyên ngành về chế biến sữa hầu như chưa có. Trong khi chiến lược phát triển ngành sữa mà Bộ Công Thương ban hành nhấn mạnh tới năm 2020, VN sẽ đạt 1,4 tỷ lít sữa tươi. Vì thế, việc thiếu những nghiên cứu chuyên ngành sẽ khiến ngành chế biến sữa phát triển khập khiễng. Trong bối cảnh này, các DN ngành sữa đã chủ động nghiên cứu và áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Vì vậy, theo chúng tôi, cần khuyến khích các DN tư nhân vừa sản xuất vừa tham gia nghiên cứu về công nghệ trong chăn nuôi bò sữa (có thể kết hợp với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu).
Từ trước đến nay, hầu hết các đề tài nghiên cứu về chăn nuôi bò sữa (giống, thức ăn, thú y, …) thường được nghiên cứu trong phạm vi quy mô nhỏ (trang trại nhỏ, nông hộ…) nên ít có giá trị khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất; sau khi nghiệm thu các đề tài thường đem về cất vào tủ để làm kỷ niệm gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Để thay đổi tình trạng này và các đề tài nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật phải gắn với các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực này – đây là nơi có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, nhân tài vật lực để triển khai một cách bài bản các đề tài nghiên cứu về công nghệ. Có như vậy mới tạo ra công nghệ có giá trị cạnh tranh trong thực tiễn sản xuất, cạnh tranh về lĩnh vực chất xám trong phát triển công nghệ chăn nuôi bò sữa, giải phóng tính trì trệ và bảo thủ trong thực tiễn nghiên cứu ứng dụng hiện nay. Các lĩnh vực nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu và chọn lọc giống bò phù hợp với điều kiện VN (giống bò VN – Hiện nay TH true Milk bắt đầu triển khai nghiên cứu và chọn lọc giống bò VN); nghiên cứu về tập đoàn cây thức ăn cho chăn nuôi bò sữa nhằm sản xuất không chỉ thức ăn thô xanh mà còn sản xuất các loại cỏ khô cho bò sữa; nghiên cứu các biện pháp công nghệ trong chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh bằng việc sử dụng các loại chế phẩm, các loại enzyme; nghiên cứu chuyển giao công nghệ cấy truyền phôi giới tính trên bò, sử dụng công nghệ tinh phân định giới tính…
Chúng tôi cũng rất mong Bộ Công thương và các bộ liên quan lắng nghe và xây dựng những chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp ngành sữa cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
(Theo DĐDN)