“Đồng Tháp đã và đang triển khai nhiều mô hình phát triển cộng đồng để hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó, mô hình Hội quán đã thổi làn gió mới, tạo lòng tin và tiếp thêm động lực mới cho chương trình này của tỉnh nhà”, ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định.
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Thưa ông, vai trò chủ thể của người dân được tỉnh Đồng Tháp vận dụng ra sao tại các Hội quán, trong vận động xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới?
Có thể nói, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt và đời sống người dân nông thôn Đồng Tháp cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Ước đến cuối năm 2019, Đồng Tháp có 67/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,3%, có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và phấn đấu có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.
Theo tôi, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư kết cấu hạ tầng, mà cần phải hướng đến mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đồng Tháp luôn quan niệm rằng, “xây dựng nông thôn mới là cả một hành trình phát triển chứ không phải là đích đến”, xây dựng nông thôn mới là “xây dựng tinh thần người dân là chính”, giúp người dân chuyển từ thái độ “Thụ động - Trông chờ - Ỷ lại” sang “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”, và người dân phải khẳng định vị thế là người chủ trên mảnh đất của mình, chứ không phải là “người ở trọ”, không “vô can”, không phó mặc cho cấp ủy, chính quyền.
Đồng thời, hệ thống chính trị của tỉnh phải hiểu và giúp cho người dân cùng hiểu “mọi sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự giúp chính mình”. Từ suy nghĩ và hành động đó, người dân mới thực sự là chủ thể trong quá trình đổi mới.
Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình phát triển cộng đồng để hỗ trợ Chương trình Mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mô hình Hội quán là một điển hình, đã thổi làn gió mới, tạo lòng tin và tiếp thêm động lực mới cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Là người khởi xướng mô hình Hội quán trên địa bàn, theo ông, làm thế nào để Hội quán được định hướng nhằm hướng tới sự gắn kết, hỗ trợ giữa người dân và chính quyền, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng?
Hội quán là một sáng kiến cộng đồng, kích hoạt sự đổi mới sáng tạo của người dân, qua đó, tập hợp những người dân cùng ngành nghề sản xuất, cùng chung một lợi ích nào đó và tất cả đều xuất phát từ các chữ “tự”: “Tự nguyện, tự lực, tự quản” của người dân; xây dựng tư duy mới, đó là “cùng hợp tác trong cuộc sống hàng ngày, tiến tới hợp tác với nhau trong sản xuất, kinh doanh”.
Đây là nơi các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đến hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng, thông tin thị trường, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Hội quán cũng là nơi cấp ủy, chính quyền đến gần dân hơn, lắng nghe dân nhiều hơn, tương tác với người dân thường xuyên hơn. Thông qua các buổi sinh hoạt Hội quán, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến trực tiếp với dân. Hội quán không chỉ đơn độc có người nông dân, mà còn có các cán bộ đương chức, cán bộ về hưu, đảng viên, doanh nhân, chức sắc tôn giáo tham gia. Đây cũng là nơi góp phần đổi mới cách tiếp cận về phương pháp dân vận và tập hợp quần chúng.
Xẻo Quýt đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách quốc tế khi đến Đồng Tháp.
Mô hình Hội quán là một cách làm mới, trước hết là Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy phải thống nhất với nhau về quan điểm thực hiện, phải hiểu ý nghĩa và sứ mệnh của Hội quán, sau đó, làm lan toả ra toàn hệ thống chính trị.
Đặc biệt, phải tuyên truyền, thuyết phục người dân hiểu không thể “sống và làm ăn riêng lẻ mãi được”, vì những hộ nông dân riêng lẻ sẽ luôn là những hộ nông dân yếu thế, nhất là trong thời buổi nền nông nghiệp đang đối mặt với sức ép nông sản ngoại, sự biến đổi khí hậu, thiên tai ngày một khó lường. Do đó, việc tham gia Hội quán để người dân hợp tác với nhau, dần tiến tới thành lập hợp tác xã kiểu mới là cứu cánh của nền nông nghiệp. Ngoài ra, Hội quán còn là nơi để người dân bàn chuyện làng, chuyện xóm, cùng nhau kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Tất cả đều hướng tới làm sao cho cuộc sống chính bản thân mỗi người và làng xóm ngày một tốt đẹp hơn, nông nghiệp bền vững hơn, để rồi, chính bà con và con cháu của mình sẽ là những người được thụ hưởng từ thành quả do chính mình gầy dựng nên.
Đồng Tháp không chủ trương chạy theo số lượng, mà chỉ phát triển mô hình Hội quán ở những nơi có đủ điều kiện và nơi mà người dân thực sự hiểu, tự nguyện muốn tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 80 Hội quán với khoảng 4.300 thành viên và 17 hợp tác xã kiểu mới đã được thành lập trên nền tảng mô hình này. Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ban hành 1 công văn lãnh đạo phát triển mô hình Hội quán, nhưng mô hình đã phát triển tốt được là nhờ sự thấu hiểu, quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở Đồng Tháp và sự mở lòng, chịu đổi mới của người nông dân, chấp nhận “bước ra khỏi ngôi nhà riêng của mình để vào ngôi nhà chung Hội quán”. Đó là sự thay đổi đáng mừng của người dân Đồng Tháp đất Sen hồng.
Thưa ông, được biết, lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau khi tham khảo đã đánh giá cao mô hình Hội quán của Đồng Tháp và đã có những chỉ đạo cụ thể để Đồng Tháp hoàn thiện mô hình này?
Đồng Tháp đã vinh dự đón nhiều đoàn công tác của Trung ương đến thăm và chỉ đạo về mô hình Hội quán.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Hội quán nông dân là một sáng kiến của Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng dần có tổng kết, đánh giá để trở thành chủ trương chung của cả nước”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo: “Sắp tới, Đồng Tháp cần tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình Hội quán, làm sao tất cả các xã còn lại đều có Hội quán. Vì Hội quán không chỉ là mô hình tập hợp nông dân sản xuất nông nghiệp đơn thuần, mà còn mang ý nghĩa xã hội rất lớn. Qua tiếp xúc với bà con nông dân, tôi thấy họ có niềm tin, thấy họ hạnh phúc thể hiện qua ánh mắt, nụ cười”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Hội quán và cho rằng: “Hội quán giúp bà con bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, trao đổi thông tin, không chỉ về sản xuất, kỹ thuật, mà cả về vấn đề an sinh xã hội, cả về hạ tầng, an ninh trật tự, qua đó, tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn. Tôi kỳ vọng thời gian tới, các Hội quán sẽ đi vào hoạt động tốt hơn, tìm lời giải cho những vấn đề như nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho nông sản và hướng đến chế biến”…
Đặc biệt là kết luận chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về nhân rộng mô hình Hội quán ra các địa phương khác. Đây là những động lực quan trọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những nỗ lực của Đồng Tháp trong thời gian tới.
Để Hội quán ngày càng phát triển có chiều sâu, tỉnh đang phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu Đề tài khoa học về “Mô hình Hội quán”. Bên cạnh đó, tỉnh còn kết hợp với Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh xây dựng Đề tài “Nghiên cứu và phát triển mô hình “Làng thông minh” từ mô hình Hội quán Nông dân tại Đồng Tháp, giai đoạn 2019 - 2021”, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào danh mục nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, bắt đầu thực hiện từ năm 2020.
Đề tài khoa học này có 3 mục tiêu chính.
Một là, xây dựng Làng thông minh từ mô hình Hội quán phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước.
Hai là, nghiên cứu phát triển một số ứng dụng điển hình của Làng thông minh dựa trên nền tảng Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa địa phương.
Ba là, ứng dụng mô hình Làng thông minh ở một số địa phương của tỉnh Đồng Tháp.
Chúng tôi kỳ vọng, mô hình “Làng thông minh” sẽ là nơi người dân cùng nhau tạo lập môi trường nông thôn văn minh, an toàn, chủ động, tự giác tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh và chung tay tự quản cộng đồng dân cư.
Đồng Tháp hiện đang là địa phương có nhiều mô hình hay trong phát triển du lịch khởi nghiệp, theo ông sự vào cuộc của Hội quán trên lĩnh vực này ra sao trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương?
Mô hình Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hội quán giúp giải được bài toán “liên kết - hợp tác” giữa các nông dân với nhau, đây là mắt xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng”, hình thành vùng nguyên liệu, hướng tới tăng cường chế biến và tạo thuận lợi trong việc liên kết với doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch tuy còn mới mẻ, nhiều Hội quán đi vào hoạt động với phương châm “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương xứ sở”; người nông dân làm du lịch chia sẻ rằng, khi làm du lịch cái họ nhận được không chỉ là lợi nhuận, mà còn là những kiến thức, thông tin bổ ích khi họ tiếp xúc với khách tham quan.
Đối với Chương trình Mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Hội quán góp phần tổ chức tốt công tác vận động và chủ động xây dựng những công trình đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân thay vì chỉ biết mong đợi vào cấp ủy, chính quyền. Đồng Tháp cũng đã thực hiện thí điểm giao vật tư xây dựng để người dân tự bàn thảo, lựa chọn, giám sát và cùng thực hiện công trình xây dựng. Đối với công tác xã hội, Hội quán tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng rác thải nhựa, không sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất, kinh doanh.
Hội quán giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm, các thành viên Hội quán giúp nhau quản lý con cháu không tham gia các tệ nạn xã hội; một số Hội quán còn tham gia tích cực vào công tác hòa giải cộng đồng. Ở Đồng Tháp, địa điểm tiếp xúc cử tri cũng được chuyển dần từ cơ quan hành chính sang Hội quán - một không gian mở, nơi sinh hoạt thường xuyên của người dân. Hội quán dần trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng và là chất xúc tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
9 tháng đầu năm 2019, du lịch Đồng Tháp tiếp tục khởi sắc, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch ước đạt 2,8 triệu lượt khách (trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế), tăng 12,39% so với cùng kỳ; tổng doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 18,21% so với cùng kỳ năm 2018. Toàn tỉnh có trên 80 điểm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để ngành du lịch của tỉnh Đồng Tháp đã và đang khai thác đúng hướng, hiệu quả và bền vững, trong đó du lịch nông nghiệp thật sự là tiềm năng, thế mạnh cần được khai thác và phát huy hơn nữa theo Đề án Phát triển Du lịch Đồng Tháp 2015 - 2020. |
Theo Huy Tự / baodautu